Còn nhiều nỗi lo an toàn thực phẩm quanh trường học

Nhiều bậc phụ huynh cấp tiền tiêu vặt cho con mỗi khi đến trường để con tự ý mua đồ ăn thức uống theo sở thích, dù trong lòng vẫn có bất an khi nghĩ đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP).

Học sinh mua quà vặt sau giờ tan trường. Ảnh: H.Yến

Học sinh mua quà vặt sau giờ tan trường. Ảnh: H.Yến

Một ngày dài học tập ở trường chắc chắn tiêu hao khá nhiều năng lượng của các cô, cậu học trò vốn rất hiếu động. Vì vậy, ăn quà vặt là nhu cầu không thể thiếu của rất nhiều trẻ. Làm sao để kiểm soát tốt VSTP ở trong và ngoài trường học là mối bận tâm chung của các bậc phụ huynh.

* Hàng rong, thức ăn nhanh “bủa vây” trường học

Nhanh, rẻ, hợp khẩu vị là những tiêu chí mà thức ăn đường phố có thể đáp ứng được cho những học trò nhỏ tuổi. Vì vậy, cứ sau mỗi giờ tan trường là học sinh lại vây quanh các xe bán hàng rong ở quanh khu vực trường học. Các loại thực phẩm phổ biến gồm: cá viên chiên, xúc xích chiên, bánh chuối chiên, bánh tráng trộn, si rô, trà sữa, kẹo bông gòn… Đa số các món ăn có giá khoảng 10-20 ngàn đồng. Thậm chí, có cả những món giá chỉ 5 ngàn đồng.

Để tiết kiệm chi phí, các món chiên được sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần; để tạo vị ngon cho món ăn, người bán hàng xịt rất nhiều loại tương như: tương cà, tương ớt, sốt chua ngọt… Tất cả những loại tương này đều không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Người bán hàng có khi không đeo khẩu trang, không đeo tạp dề, bao tay. Có khi, họ không dùng dụng cụ gắp thức ăn mà dùng trực tiếp bằng tay… Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn VSTP.

Chị Hoàng Thị Hiền (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Bản thân tôi cũng lo lắng về vấn đề VSTP ở các xe hàng rong đó. Nhưng không cho con tiền tiêu vặt thì tội con. Bạn bè đứa nào cũng được cho tiền mua quà vặt mà con mình không có thì nó thèm thuồng, tội nghiệp. Lo nhất là con mua nước ngọt uống. Xem nhiều vụ trên tivi thấy toàn là hóa chất sản xuất thủ công nên tôi chỉ biết dặn con là đừng mua nước ngọt uống. Vậy mà nhiều lần lên trường vẫn thấy tay con cầm ly nước ngọt, hỏi thì con bảo 1 ly như vậy chỉ 5 ngàn đồng”.

* Đồ ăn vặt trong căn tin liệu có an toàn?

Căn tin trong trường học có vẻ là nơi an toàn hơn so với các “cửa hàng” thức ăn đường phố. Nhưng trên thực tế, đồ ăn, thức uống và thậm chí cả đồ chơi được bày bán trong căn tin (nhất là căn tin trường tiểu học, THCS) chưa chắc đã an toàn. Thậm chí, do tính “độc quyền” nên nhiều căn tin bán đồ ăn, thức uống với chất lượng còn tệ hơn cả xe bán hàng rong ở ngoài cổng trường.

Trên trang confession (trang Facebook để các học sinh, sinh viên tâm sự, chia sẻ với nhau) của một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa đã nhận được nhiều ý kiến, than phiền về vấn đề an toàn VSTP của căn tin. Theo đó, nhiều học sinh phản ánh đã mua phải thức ăn bị hư, mốc, thậm chí có dòi và gián trong đồ ăn… Một số học sinh cho biết đã bị đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn đồ ăn mua ở căn tin trường.

Với tính chất “đặc biệt” của lĩnh vực kinh doanh thức ăn đường phố, nhỏ lẻ, không giấy phép kinh doanh, là đối tượng không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSTP. Tương tự, các căn tin trường học chỉ bán quà vặt, không tổ chức bếp ăn tập thể thì không thuộc diện bắt buộc thực hiện cam kết bảo đảm an toàn VSTP.

Đối với loại hình thức ăn đường phố, các địa phương, phường/xã phải chịu trách nhiệm quản lý trên địa bàn. Người đứng đầu chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề VSTP trên địa bàn quản lý; tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm đối với các đối tượng không thực hiện bảo đảm an toàn VSTP theo quy định.

Tuy nhiên, việc quản lý, thanh tra, kiểm tra là rất khó bởi đa phần người bán thức ăn đường phố đều làm theo kiểu thời vụ, mang tính chất lưu động, một số chỉ chủ yếu buôn bán ngoài giờ làm việc... Trên thực tế, việc đảm bảo VSTP ở trong căn tin trường học và thức ăn đường phố hiện đang chủ yếu dựa vào sự tự giác của người bán hàng.

Phụ huynh nên hạn chế cho con tiền quà vặt

Theo ông TRẦN HÙNG, Phó trưởng phòng Y tế TP.Biên Hòa, loại hình thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ về VSTP trong khi công tác quản lý còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo cho sức khỏe của trẻ, trước tiên phụ huynh không nên cho con tiền mua quà vặt. Về phía ngành Y tế, hằng năm, Phòng Y tế TP.Biên Hòa đều xây dựng kế hoạch phòng, chống ngộ độc thực phẩm, phối hợp Trung tâm Y tế thành phố triển khai, hướng dẫn thực hiện kế hoạch tới địa phương, trạm y tế 30 phường, xã.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202210/con-nhieu-noi-lo-an-toan-thuc-pham-quanh-truong-hoc-3142078/