Còn nhiều nỗi lo trong tìm kiếm tài năng trẻ thể thao
Công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu, VĐV trẻ đã được đổi mới và đã thu những 'trái ngọt', nhưng không phải là đã bớt nỗi lo trong việc tìm kiếm nhân tài...
Bộ VH,TT&DL mới có Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong giai đoạn vừa qua, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên (VĐV) năng khiếu, VĐV trẻ, VĐV đội tuyển quốc gia có nhiều đổi mới. Ngành TDTT đã tập trung phát triển các môn thể thao có thế mạnh và các môn thể thao có trong chương trình Olympic, ASIAD. Bộ VH,TT&DL đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” theo Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2019 (Đề án 233).
Hiện trên cả nước có khoảng 2500 VĐV quốc gia (trong đó VĐV trẻ là 1.100; VĐV đội tuyển là 1.400) và vận động viên của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là khoảng 22.000. Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trong thời gian qua còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao tuy có tăng hằng năm song còn thấp so với nhu cầu; chưa bảo đảm nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng VĐV kế cận trong các đội tuyển quốc gia.
Hệ thống các giải thi đấu thể thao trẻ trên phạm vi cả nước còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức và hoạt động của một số Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc gia chưa thích nghi được với xu thế quốc tế, thiếu tính chủ động vì chưa có khả năng tự chủ về tài chính, do đó sự đóng góp vào công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao chưa tương xứng với kỳ vọng; chưa thu hút và phát huy được tiềm năng to lớn của các nguồn lực xã hội tham gia công tác phát hiện năng khiếu, tuyển chọn đào tạo và bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ.
Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, một trong những nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới là trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó xác định tập trung đầu tư cho các môn, nội dung trọng điểm tham dự các kỳ ASIAD (ASIAD 20 năm 2026 tại Nhật, ASIAD 21 năm 2030 tại Qatar, ASIAD 22 năm 2034 tại Ả Rập Xê Út) và Olympic (Olympic năm 2024 tại Pháp, Olympic năm 2028 tại Mỹ, Olympic năm 2032 tại Úc) và các kỳ SEA Games.
Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm trong giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định mục tiêu, lộ trình, đối tượng, phương thức và giải pháp đầu tư cho từng nhóm môn và nội dung thể thao trọng điểm, ứng với từng kỳ Olympic và ASIAD. Đồng thời xác định địa bàn đào tạo để có hướng phân cấp, cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan trong công tác đào tạo lực lượng VĐV trọng điểm.
Có thể nói, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu, VĐV trẻ đã được đổi mới và đã thu được “trái ngọt”, nhưng không phải là đã bớt nỗi lo trong việc tìm kiếm nhân tài.