Còn nhiều rào cản khơi thông triệt để kiểm tra chuyên ngành

Sự phối hợp của cơ quan hải quan và các bộ, ngành đã đưa công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đạt được những bước cải cách nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần phải vượt qua để thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành là yếu tố chiếm tỷ trọng lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa. Ảnh: Hải quan Quảng Ngãi.

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành là yếu tố chiếm tỷ trọng lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa. Ảnh: Hải quan Quảng Ngãi.

Nhiều biến chuyển rõ nét

Sau một thời gian nỗ lực, một số văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa hồ sơ thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), giảm thời gian thông quan hàng hóa. Nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành được thực hiện điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tính đến nay, cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của hơn 72 nghìn DN. Sự chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành đã được xử lý, cắt giảm. Một số nhóm hàng đã được các bộ thống nhất, chỉ một bộ quản lý như phương tiện vận tải dùng trong nông nghiệp do Bộ Giao thông vận tải quản lý thay vì 2 bộ quản lý như trước đây.

Cùng với đó, nhiều bộ, ngành đã thực hiện kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu sau thông quan, thay vì tiền kiểm, có thể kể đến Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển hơn 90%; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã chuyển 100% mặt hàng sang hậu kiểm. Bước đầu các đơn vị đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, nghĩa là miễn giảm kiểm tra đối với hàng hóa trước đó đã đạt yêu cầu nhập khẩu, không kiểm tra 100% các lô hàng như trước đây, chuyển đổi phương thức kiểm tra trên cơ sở đánh giá các lô hàng nhập khẩu trước đó và tính tuân thủ của DN.

Các bộ đẩy mạnh cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp với cơ quan hải quan rà soát, chuẩn hóa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Mặc dù công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, cũng như kỳ vọng của cộng đồng DN. Nguyên nhân thì có nhiều, mà tiên quyết chính là vấn đề thể chế.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa đồng bộ, thống nhất; việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật chưa thật sự triệt để, còn mang tính chất giải quyết tình thế, chưa đồng bộ, khó khăn trong công tác thực thi. Ngoài ra, trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất giữa các văn bản quy định, giữa quy định và thực tế triển khai; tồn tại những quy định chưa phù hợp, quá mức cần thiết như kiểm tra theo từng lô hàng, từng chủ hàng. Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tuy đã được cắt giảm nhưng vẫn còn nhiều, cơ bản mới chuyển thời điểm kiểm tra từ trước thông quan sang kiểm tra sau thông quan thay vì cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra.

“Cánh cửa” đổi mới và khép lại những vướng mắc

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây được coi là "cánh cửa" đổi mới và khép lại những vướng mắc lâu nay. Nhưng khi dự thảo được đưa ra, một bên cộng đồng DN ủng hộ, kỳ vọng thì một bên các cơ quan chuyên ngành lại đặt ra nhiều vấn đề không đồng thuận do phải sửa đổi nhiều quy định, tác động đến quá trình cải cách của nhiều bộ ngành, đơn vị liên quan.

Sau 3 năm với hàng trăm lần lấy ý kiến cả bằng văn bản, tổ chức họp, hội thảo với các bộ, cơ quan, DN để tiếp thu, chỉnh lý, đến nay, bản dự thảo nghị định này đã chính thức dừng lại chỉ ở “dự thảo” bởi các bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Cuối tháng 4/2024, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ giao các bộ quản lý chuyên ngành chủ động rà soát để xây dựng các nội dung cải cách cho từng lĩnh vực theo các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng xin tạm dừng việc xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đề xuất này sau đó đã được lãnh đạo Chính phủ đồng ý.

Dù nghị định chưa thể ban hành lúc này, song, quan điểm của Tổng cục Hải quan nói riêng, Bộ Tài chính về vấn đề này vẫn hết sức nhất quán. Như ý kiến Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi từng chia sẻ khi họp với các bộ, ngành hồi đầu tháng 3 năm nay khẳng định, cải cách là việc không thể thay đổi, ai không cải cách sẽ tự tụt hậu. Bộ Tài chính không làm thay được các bộ, ngành, nhưng Bộ Tài chính không thể đi nhanh nếu các bộ đi chậm. Chúng ta phải cùng nhau đi nhanh, để đưa ra phương án tốt nhất, hỗ trợ cho DN.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Quan điểm của ngành Hải quan là cải cách, đổi mới thủ tục hải quan nói chung, kiểm tra chuyên ngành nói riêng phải trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho DN; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Ông Nguyễn Thế Việt - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/con-nhieu-rao-can-khoi-thong-triet-de-kiem-tra-chuyen-nganh-155339.html