Còn nhiều thách thức trong khai thác lợi thế từ EVFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau một năm có hiệu lực đã tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam - EU, nhất là trong bối cảnh Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong thực thi cũng như tận dụng, khai thác lợi thế từ hiệp định đối với các doanh nghiệp Việt.
Tăng tốc xuất khẩu vào thị trường EU nhờ đòn bẩy EVFTA Thúc đẩy xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường EU Kết quả thực thi EVFTA: “Điểm sáng” ghi nhận giữa đại dịch toàn cầu
Chiều ngày 4/11, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức tọa đàm "Một năm thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội, thách thức và giải pháp".
Ảnh: Tuấn Anh/Thế giới và Việt Nam
“Điểm sáng” trong bức tranh thương mại Việt Nam - EU
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU; khẳng định việc thực thi Hiệp định EVFTA từ tháng 8/2020 đã tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam - EU, mở ra các cơ hội hợp tác rộng lớn, góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Sau hơn một năm có hiệu lực, EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%.
“Kết quả trên rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước” - ông Giang nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, những kết quả sau một năm triển khai EVFTA đã đáp ứng được kỳ vọng đề ra về kim ngạch thương mại Việt Nam - EU. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ cho thị trường EU đạt tỷ lệ khá cao, ở mức gần 8 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chú ý và tận dụng tốt các ưu đãi trong hiệp định.
EVFTA là một trong những FTA của Việt Nam có tỷ lệ tận dụng tốt nhất trong năm đầu tiên thực thi. Đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, so với các FTA đã có hiệu lực, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với EVFTA tương đối cao. Có đến 30,19% doanh nghiệp được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết trong EVFTA so với mức trung bình 22,95% ở các FTA khác.
Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, nhờ có EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, cả về chất và lượng, với cả xuất, nhập khẩu đều đạt kết quả tích cực. Nông sản, dệt may, thủy sản là những ngành hàng đã tận dụng tốt các cơ hội từ hiệp định.
Bên cạnh cơ hội về mở rộng, đa dạng hóa thị trường, EVFTA cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hóa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hóa hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao.
Nhiều thách thức
Tại sự kiện, các đại sứ, tham tán thương mại tại Bỉ, Đức, Áo… đã cung cấp những thông tin hữu ích về thị trường, xu hướng tiêu dùng tại một số nước EU, sự kiện xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, thực tế các mặt hàng phía EU có nhu cầu và Việt Nam có thể đáp ứng chưa nhiều; năng lực cạnh tranh và mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp còn hạn chế; chưa kết hợp được xuất khẩu với hợp tác đầu tư công nghệ cao để sản xuất, phân phối sản phẩm.
Theo Báo cáo đánh giá một năm thực hiện EVFTA, vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam công bố mới đây, mặc dù có những điểm sáng trong thương mại giữa Việt Nam và EU, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tận dụng lợi thế từ EVFTA.
PGS. TS. Nguyễn Anh Thu - Viện trưởng VEPR cho biết, Việt Nam hiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bên trong cũng như bên ngoài. Đơn cử như chi phí thương mại của Việt Nam hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN, cũng như thách thức cạnh tranh trong tương lai khi mà EU đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động, cải thiện năng lực, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi, cho dù có hay không có EVFTA thì xu hướng sản xuất và giao thương theo chuỗi giá trị đã và đang diễn ra rất tích cực, Việt Nam không thể đứng ngoài chuỗi.
Trong ngắn hạn, để có thể tận dụng được các ưu thế mà hiệp định mang lại thì rõ ràng hỗ trợ về mặt tiếp cận thông tin cho các doanh nghiệp là rất quan trọng. Các thông tin này không chỉ thông tin về hiệp định mà còn là thông tin về thị trường EU, về các tập quán thương mại quốc tế… Về dài hạn, đó là vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là vấn đề thực thi tiếp các cam kết về mặt chính sách trong hiệp định. Trong đó, đặc biệt cần lưu ý là việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, về lao động, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Vì vậy, cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với các cam kết trong EVFTA.
Theo ông Frauke Schmitz Bauerdick - Giám đốc Cục Xúc tiến thương mại và đầu tư Đức tại Việt Nam (GTAI), EVFTA mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. EU là một đối tác lớn hơn so với Việt Nam nên những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là không nhỏ.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông, Việt Nam nên khoanh vùng lại những thách thức đang đặt ra do EVFTA mang lại để giải quyết, ví dụ như những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn về luật pháp. Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách cần đẩy mạnh hơn nữa việc công bố và chia sẻ thông tin với cộng đồng, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp họ có thể khai thác được tối đa hiệp định này.