Còn nhiều tình huống không đẹp

V-League 2022 vẫn diễn ra khá hấp dẫn với sự đầu tư mạnh tay của các câu lạc bộ (CLB). Dù vậy, V-League vẫn còn những tình huống không đáng có. Nhiều cầu thủ thi đấu ở V-League gần như đã vượt qua lằn ranh giữa sự máu lửa và bạo lực.

Những vòng đấu vừa qua tại V-League 2022 xảy ra nhiều tranh cãi với những tình huống không đáng có của các cầu thủ. Nhiều cầu thủ có động tác thừa với nhau dẫn đến những hình ảnh xấu xí cho giải đấu. Nhiều cầu thủ ở các CLB như Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội… thi đấu với các đối thủ cả bằng cùi chỏ trong các pha tranh chấp và kèm người.

Trong đó, tình huống Duy Mạnh (CLB Hà Nội) và Lynch (Bình Định) ở phút 90+6 của vòng 14 vừa qua là một “điển hình” không đáng có. Cả Duy Mạnh và Lynch đã có những tình huống trả đũa nhau dẫn đến những chiếc thẻ đỏ ở cuối trận. Điều đáng chú ý là đây không phải lần đầu Duy Mạnh phải nhận thẻ phạt vì sử dụng cùi chỏ với đối thủ.

Trước đó, nhiều cầu thủ khác cũng có nhiều tình huống vào bóng thừa sự quyết liệt như Đình Hoàng (Sông Lam Nghệ An) lao 2 chân vào đối thủ, Olaha (Sông Lam Nghệ An) vung tay vào người đối thủ ở vòng đấu thứ 10, Văn Khoa (TP. Hồ Chí Minh) nhận thẻ đỏ khi đánh nguội đối thủ ở vòng đấu thứ 11…

Duy Mạnh (CLB Hà Nội) nhận thẻ đỏ trong trận đấu với Bình Định ở vòng 14 V-League 2022. Ảnh: Vietnamnet.vn

Duy Mạnh (CLB Hà Nội) nhận thẻ đỏ trong trận đấu với Bình Định ở vòng 14 V-League 2022. Ảnh: Vietnamnet.vn

Những tình huống không đẹp của các cầu thủ gây nên nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng những tình huống phạm lỗi nói trên đến từ tinh thần thi đấu máu lửa vì màu cờ sắc áo. Nhiều dẫn chứng đã được đưa ra với những cái tên tầm cỡ quốc tế như Ramos hay Pepe vốn đã nổi tiếng với lối chơi máu lửa.

Nhưng cũng cần phân biệt rằng sự máu lửa của Ramos và Pepe không mang đến hình ảnh xấu và cũng không phải là động tác thừa; bởi các pha phạm lỗi của 2 cầu thủ này đều đến từ các tình huống tranh chấp quyết liệt, chơi rắn để cắt bóng. Các cầu thủ này có rất ít tình huống đánh nguội hay cố tình phạm lỗi khi trận đấu đã được an bài.

Ranh giới giữa sự máu lửa và bạo lực trong bóng đá là rất mong manh và gần như các cầu thủ Việt Nam ở những vòng đấu vừa qua đã vượt qua lằn ranh mỏng này. Điều đáng nói hơn là những biện pháp chế tài của V-League hiện tại có lẽ là chưa đủ mạnh để răn đe các tình huống không đẹp.

Các cầu thủ Việt Nam gần như đã hình thành thói quen khi mang cả lối chơi không đẹp của mình đến các trận đấu quốc tế. Tại các giải đấu của Đội tuyển Việt Nam ở Vòng loại World Cup hay Asian Cup, các cầu thủ Việt Nam vẫn có quá nhiều động tác thừa đối với các đối thủ. Nhiều lần cầu thủ của Việt Nam đã phải nhận thẻ đỏ vì để bóng chạm tay, cài chân hay vung tay vào người đối thủ. Với sự nghiêm khắc của các trọng tài quốc tế, những tình huống trên đều bị xử lý khiến cho đội tuyển gián tiếp bị bất lợi khi thi đấu thiếu người.

Việc cầu thủ chơi bạo lực không chỉ là trách nhiệm riêng của những người điều hành giải đấu, mà còn ở cả các CLB. Các CLB dường như có rất ít những biện pháp để xử lý các cầu thủ chơi không đẹp. Các án phạt nội bộ dường như rất hiếm hoi ở các CLB V-League. Điều đó dẫn đến các cầu thủ không có đủ sự răn đe để tiết chế cái đầu nóng. Mặt khác, lối chơi hạn chế bạo lực cũng cần được trui rèn từ khi các cầu thủ còn ở lứa tuổi trẻ. Các CLB và Ban Điều hành V-League 2022 cần có những giải pháp cụ thể hơn nữa để các tình huống bạo lực không còn cứ “đến hẹn lại lên” như những năm qua.

CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202209/v-league-con-nhieu-tinh-huong-khong-dep-959395/