Còn nhiều vấn đề cần khắc phục khi đưa Nghị quyết 23 vào trong dân, doanh nghiệp
Ngày 24/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10.
Tham dự hội nghị có đồng chí Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH- Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng- Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh; Đại tá Huỳnh Quang Tâm -Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hồ Chí Minh cùng đại diện UBND, Công an các quận huyện và Công an TP Thủ Đức.
Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn thành phố không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực. Nghị quyết xác định công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố hiểu rõ chủ trương của thành phố về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC. Thông qua đó cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh xen cài trong khu dân cư và phản ánh ý kiến, sự đồng thuận của người dân đối với chính sách, chủ trương đúng đắn của thành phố.
Tại hội nghị, Đại tá Huỳnh Quang Tâm cho biết, 5 năm sau khi Nghị quyết 23 được ban hành, TP Hồ Chí Minh có 1.174 cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 23 (13 cơ sở là kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người), đã xảy ra 6 vụ cháy và đều được khống chế không gây thiệt hại nghiêm trọng.
5 năm qua, tổng số cơ sở đã tổ chức thực hiện các giải pháp PCCC là 401/1.174 cơ sở (chiếm 34,2%), chưa thực hiện các giải pháp: 773 cơ sở. Trong đó, thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC là 681 cơ sở; không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC là 92 cơ sở, có khả năng khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC là 394 cơ sở; cần áp dụng giải pháp thay thế để khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC là 333 cơ sở; không có khả năng khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC là 107 cơ sở; không tổ chức thực hiện, không thực hiện đầy đủ, hoặc đã bị khiếu nại, khiếu kiện về điều kiện an toàn PCCC từ 2 lần trở lên mà vẫn không khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC là 15 cơ sở.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hồ Chí Minh cần có những buổi gặp mặt tất cả các doanh nghiệp để trao đổi, thảo luận làm rõ các nguyên nhân tồn tại về công tác PCCC. 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 nhưng chỉ đạt được hơn 34% là quá thấp. Công an các quận huyện, Công an TP Thủ Đức với trách nhiệm và thẩm quyền của mình cần phải sát cánh cùng doanh nghiệp kịp thời đôn đốc, nhắc nhở khắc phục các tồn tại về PCCC; cần tham mưu đồng hành cùng với doanh nghiệp.
Đối với 92 cơ sở không được thẩm duyệt thiết kế PCCC, giao UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp với cơ quan chuyên môn chủ động khảo sát, hướng dẫn, đề xuất phương án thực hiện phù hợp đối với từng cơ sở.
Đối với 107 cơ sở không có khả năng khắc phục các nội dung, không đảm bảo yêu cầu về PCCC, giao UBND các quận, huyện, TP Thủ Ðức khảo sát, đánh giá cụ thể các nội dung không đảm bảo yêu cầu về PCCC, tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chuyển đổi công năng phù hợp, tự nguyện di dời, bắt buộc phải di dời theo quy định.
Đối với những cơ sở xây dựng không có giấy phép, sai phép, không phù hợp quy hoạch, trước mắt, Công an TP hướng dẫn những cơ sở này tổ chức thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn về PCCC để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động. Đồng thời UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức có trách nhiệm báo UBND TP để chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan.
Nhà chung cư không có Ban quản trị, Ban quản lý thì UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tham mưu UBND TP bổ sung ngân sách nhà nước kết hợp xã hội hóa từ người dân cư trú tại chung cư để tiến hành các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu yêu cầu Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cần kịp thời hướng dẫn và áp dụng các biện pháp khắc phục, ngăn ngừa, hạn chế không để xảy ra các sự cố, tai nạn đáng tiếc xảy ra trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, số cơ sở thuộc sở hữu của nhà nước như: trường học, bệnh viện, bảo tàng, trụ sở cơ quan, chợ, ký túc xá, chung cư... chưa thực hiện nghiêm các yêu cầu, giải pháp tại Nghị quyết số 23 do các cơ sở này hoạt động phụ thuộc vào nguồn kinh phí nhà nước, muốn cải tạo, sửa chữa phải xin chủ trương, xin cấp nguồn kinh phí cấp trên dẫn đến thời gian khắc phục yêu cầu của Nghị quyết số 23 cần thời gian dài.
Hiện nay còn 235 cơ sở tư nhân (chiếm khoảng 28,38%). Có nhiều cơ sở xây dựng không có giấy phép, sai phép, không phù hợp quy hoạch hoặc không đảm bảo về môi trường, có cơ sở thuộc diện di dời. Một số trường hợp muốn đáp ứng được các yêu cầu an toàn về PCCC thì buộc phải phá dỡ hoàn toàn (hoặc 1 phần) nhà xưởng, công trình, nhà kho... dẫn đến chủ doanh nghiệp hầu như không thực hiện được do kinh phí đầu tư xây dựng mới rất lớn.