Còn nhiều việc phải làm
Tuyên truyền về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho phụ nữ người DTTS huyện Sông Hinh. Ảnh: CTV
Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được ngành chức năng, các huyện miền núi của tỉnh triển khai quyết liệt trong những năm qua, tuy nhiên vẫn cần thực hiện những biện pháp, phần việc liên quan để tiếp tục tạo chuyển biến tích cực.
Tình trạng tảo hôn giảm
Huyện Sông Hinh có 10 xã, 1 thị trấn với 20 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, với 5.991 hộ đồng bào DTTS. Những năm qua, trên địa bàn huyện còn xảy ra nhiều trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 13-17 và rơi vào các trường hợp trẻ em gái ở các xã, thôn, buôn có đồng bào DTTS. Ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, cho biết: Tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã vẫn còn, nhưng giảm hơn 80%. Vì thiếu kiến thức, điều kiện kinh tế nên khả năng chăm sóc con cái chưa đầy đủ; trẻ sinh ra thường thiếu dinh dưỡng; nguy cơ rơi vào đói nghèo rất cao, khó có cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Ksor Y Phun, trong 5 năm thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, địa phương đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền pháp luật, hậu quả, tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, vận động đồng bào thực hiện theo quy định; tư vấn, can thiệp, triển khai các mô hình điểm và có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Do vậy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tuy xảy ra ở phần lớn hộ nghèo, đối tượng vị thành niên, thanh niên thất học, hiểu biết pháp luật hạn chế, việc tiếp cận với các phương tiện truyền thông còn khó khăn, nhưng đã có phần chuyển biến tích cực so với trước.
Còn ông Đặng Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho hay: Ngoài công tác tuyên truyền, huyện đã tổ chức 30 hội nghị liên quan đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS tại các xã, thôn; tổ chức 7 lớp phổ biến kiến thức và nhiều cuộc thi tìm hiểu, nâng cao nhận thức cho học sinh tại các trường; tổ chức các đợt nói chuyện chuyên đề cho cán bộ, người dân các thôn… Tuy nhiên, khó khăn nhất là công tác điều tra về hôn nhân cận huyết thống vì họ chưa hợp tác với cán bộ điều tra. Nhiều bạn trẻ hay phụ nữ có con trong độ tuổi vị thành niên vẫn còn e ngại, thiếu tự tin, thiếu kiến thức về hôn nhân, tình dục, mang thai sớm… nên việc tảo hôn vẫn còn xảy ra.
Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, vùng DTTS và miền núi có hơn 220.161 người, chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh; trong đó DTTS 60.114 người, chủ yếu là Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Giao, Thái . Qua 5 năm triển khai thực hiện đề án, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tuy vẫn còn nhưng số lượng giảm đáng kể. Nhận thức về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS được nâng lên; một số phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã dần hủy bỏ.
Thực hiện nhiều biện pháp
Huyện Sơn Hòa phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân. Cụ thể, phấn đấu giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn, 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống. Để đạt được kết quả này, địa phương tăng cường cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình trong vùng DTTS. Sơn Hòa sẽ đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động. MTTQ, các hội đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong vùng DTTS cũng sẽ phát huy vai trò của mình, cùng tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào, trẻ em xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Ông La Văn Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Trong những năm tiếp theo, các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động kết hợp giáo dục, định hướng nghề nghiệp để các đối tượng học sinh, thanh thiếu niên, các bậc cha mẹ; cần thiết phải hoàn thiện thể chế pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng, thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng khó khăn gắn với phát triển bền vững; nâng cao hiệu lực, thực thi pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hôn nhân và gia đình. Các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn sức khỏe, trợ giúp pháp lý tại cộng đồng; quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa…
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS cần triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đặc biệt là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/240828/con-nhieu-viec-phai-lam.html