Còn quá sớm để loại bỏ khả năng bền bỉ của nền kinh tế Trung Quốc?
Kinh tế Trung Quốc vẫn còn rất nhiều 'nguồn nhiên liệu trong bình', đơn cử như tỷ lệ tiết kiệm cao kỷ lục đồng nghĩa với việc nước này nắm trong tay nguồn tài chính giá rẻ cho đầu tư và đổi mới sáng tạo.
Mới đây, mạng tin Project Syndicate đăng bài phân tích của GS. Yang Yao của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh.
Theo vị giáo sư này, kinh tế Trung Quốc năm 2023 gây thất vọng, đến mức một số nhà quan sát cho rằng nước này đã qua thời kỳ tăng trưởng đỉnh cao và bắt đầu tụt dốc. Tuy nhiên, còn quá sớm để loại bỏ khả năng bền bỉ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tăng trưởng ấn tượng
Đầu năm 2023, việc dỡ bỏ các hạn chế về "Zero Covid” đã làm dấy lên sự lạc quan tại Trung Quốc, được thể hiện qua việc tiêu dùng tăng vọt. Nhưng bức tranh kinh tế đã tối đi trông thấy, khi quý II/2023 chứng kiến xuất khẩu suy giảm, doanh số bán lẻ ảm đạm, lợi nhuận doanh nghiệp suy yếu, chi tiêu chính quyền địa phương bị cắt giảm cùng những yếu kém trong lĩnh vực bất động sản.
Lòng tin của giới doanh nghiệp trong nước xuống đáy, còn các công ty nước ngoài lo ngại. Tháng 11/2023, lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng (FDI ròng) âm.
Tuy nhiên, GS. Yang Yao cho rằng, kinh tế lớn thứ hai thế giới nhiều khả năng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 5% trong năm 2023 - một mức tăng ấn tượng nếu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Quan trọng hơn, vị giáo sư đánh giá, kinh tế Trung Quốc vẫn còn rất nhiều “nguồn nhiên liệu trong bình”: Tỷ lệ tiết kiệm cao kỷ lục đồng nghĩa với việc nước này nắm trong tay nguồn tài chính giá rẻ cho đầu tư và đổi mới sáng tạo.
Trung Quốc đến nay đầu tư nhiều vào công nghệ như về năng lượng tái tạo, xe điện và trí tuệ nhân tạo – đều là những ngành sẽ định hình kinh kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.
Đất nước cũng đang phát triển mạnh tiềm lực trong các ngành công nghệ mới nổi, như hạt nhân nhiệt hạch (fusion nuclear), máy tính lượng tử, truyền thông lượng tử, bán dẫn quang tử. Chiến lược kiểu này sẽ phát huy hiệu quả và câu chuyện thành công về kinh tế của nhiều nước - như Nhật Bản trong những năm 1970 và 1980 - là minh chứng rõ nhất.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những “cơn gió nghịch” về tăng trưởng. Căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là những nỗ lực do Mỹ đi đầu nhằm “phân tách” kinh tế trước Trung Quốc, đang khiến dòng FDI đổ vào đất nước chậm lại, thúc đẩy các công ty đa dạng hóa sản xuất.
Nhưng thay vì rời bỏ thị trường cùng lúc, nhiều công ty nước ngoài lựa chọn chiến lược “Trung Quốc+1”, mở các cơ sở mới ở nước thứ ba và vẫn duy trì hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lý do rất đơn giản. Thị trường Trung Quốc đóng góp 30% tỷ trọng giá trị tăng thêm trong chế tạo toàn cầu, tương đương tổng tỷ trọng của cả Đức, Nhật Bản và Mỹ cộng lại. Do đó, đất nước này vẫn đem lại ưu thế đặc biệt lớn về chi phí đối với các công ty.
Được bổ sung năng lực sản xuất dư thừa, ngành chế tạo Trung Quốc sẽ tiếp tục thịnh vượng. Thực tế, mục tiêu cuối cùng Mỹ đạt được trong nỗ lực “phân tách” chính là việc thúc đẩy năng lực chế tạo của Trung Quốc đặt ở nước ngoài, hơn mức Nhật Bản đã làm được kể từ thập niên 1980.
Tương tự, tác động không thuận từ xu thế nhân chủng học đối với tăng trưởng dài hạn cũng bị thổi phồng. Đúng là Trung Quốc đang ở vào thời kỳ già hóa và suy giảm dân số. Nhưng khi trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thúc đẩy tự động hóa trong ngày càng nhiều lĩnh vực, năng suất sẽ tăng lên và nhu cầu về nhân lực sẽ giảm.
Cùng với cải thiện về giáo dục, điều này sẽ bù đắp nhiều cho việc sụt giảm lực lượng lao động, thậm chí còn tạo ra một vấn đề ngược lại là có quá ít việc làm.
Động lực thúc đẩy phát triển mới
Năm tới, theo mạng Bình luận Trung Quốc của Hong Kong (Trung Quốc), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ dễ dàng "chinh phục" mục tiêu tăng trưởng kinh tế 4,5%.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức rất lớn. Một mặt do hệ thống thương mại thế giới hiện đang bị các khu vực thương mại tự do mang tính khu vực chia nhỏ và cắt rời thành từng phần khác nhau.
Có thể nói, đây chính là việc sử dụng phương thức mới để kìm hãm thương mại quốc tế phát triển của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Mặt khác, môi trường quốc tế đang tiếp tục xấu đi, trong khi quan hệ địa chính trị ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn cũng sẽ xung đột và cản trở sự phát triển của thương mại thế giới. Do vậy, đất nước cần tập trung làm tốt công tác dự phòng và xây dựng kế hoạch phát triển một cách khoa học, trong đó tập trung vào những công việc trọng điểm sau:
Thứ nhất, trung thành với thị trường trong nước, xây dựng thị trường trong nước thành thị trường chung lớn và thống nhất. Trung Quốc không chỉ là quốc gia đông dân, mà còn là thị trường tiêu dùng lớn trên thế giới. Việc giải quyết tốt bài toán đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân có thể sẽ thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục tăng trưởng bền vững.
Thứ hai, mạnh về xuất khẩu nhưng tuyệt đối không chủ quan và cần tập trung giải quyết vấn đề nâng cấp sản phẩm. Hiện nay, xuất khẩu xe điện các loại đang trở thành “điểm sáng mới” trong thương mại quốc tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành xe điện cũng có quy luật riêng, khi chi phí cận biên (tổng chi phí phải trả để sản xuất ra sản phẩm) của các linh kiện chính trong xe điện ngày càng cao trong khi hiệu quả sử dụng cận biên ngày càng thấp, thì sự phát triển sẽ gặp phải “hiệu ứng cổ chai” (trì trệ và thu hẹp).
Vấn đề mấu chốt trong giải quyết bài toán này là một mặt phải dựa vào sáng tạo khoa học công nghệ, giảm mạnh giá thành sản xuất pin và các linh kiện quan trọng khác của xe điện. Đồng thời, áp dụng các biện pháp thiết thực và hiệu quả hơn, tìm kiếm thêm các động lực mới để thúc đẩy sự phát triển.
Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp khí đốt, khí hydro và metan đang dần trở thành các nguồn năng lượng mới. Xét theo góc độ rộng hơn, carbon dioxide không phải là vật ô nhiễm làm cho khí hậu nóng lên, mà chính là nguồn năng lượng có thể tái tạo mới.
Mạng Bình luận Trung Quốc của Hong Kong (Trung Quốc) nêu rõ: "Nếu tận dụng tốt các loại khí này và cho ra đời ngành công nghiệp khí đốt mới, kinh tế Trung Quốc sẽ có thêm một động lực thúc đẩy phát triển mới. Quang điện (điện năng lượng Mặt trời) không phải là công nghệ mới và đất nước cũng đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất các trang thiết bị cho lĩnh vực này".