Con số ấn tượng về kinh tế Bình Dương sau một năm chống chọi đại dịch
Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở Bình Dương với số ca mắc và tử vong chỉ sau TP.HCM. Tuy nhiên, địa phương này bảo vệ thành công 'mục tiêu kép', để có những con số tăng trưởng về kinh tế khá ấn tượng.
Ngày 15/1, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương thông tin, kết thúc năm 2021, địa phương tạm thời trải qua một năm dịch bệnh với bao khó khăn. Tuy nhiên, với sự thích nghi, khôi phục nhanh, Bình Dương đã có những thành quả đáng tự hào.
Theo đó, năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt hơn 408.800 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người năm 2021 Bình Dương đạt 152,2 triệu đồng. Về công nghiệp, dịch vụ tiếp tục là các ngành chủ đạo, chiếm 89,23% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế; nông nghiệp chiếm 3,1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,67%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Bình Dương tăng 4,5% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là ngành đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 231.578 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, đạt 32,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,1%. Xuất siêu 7 tỷ đô la Mỹ (tăng hơn 1 tỷ đô la Mỹ so với năm 2020).
Trong năm 2021, Bình Dương có 53.990 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (đứng thứ 3 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) với tổng số vốn đăng ký đạt 530.240 tỷ đồng.
Bình Dương đứng thứ 2 cả nước sau TP.HCM với 4.026 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 37,74 tỷ đô la Mỹ.
Năm 2021, Bình Dương thu ngân sách Nhà nước khoảng 66.788 tỷ đồng, đạt 114% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng chi ngân sách địa phương khoảng 32.138 tỷ đồng, tăng 69,78% so cùng kỳ; trong đó chi đầu tư phát triển 11.833 tỷ đồng, tăng 42,87%, chi thường xuyên đạt 20.203 tỷ đồng, tăng 91,64% so với cùng kỳ.
Mở rộng khu công nghiệp đón dòng vốn FDI
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương có 34 KCN với tổng diện tích quy hoạch 14.790ha. Hiện nay, Bình Dương đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.662ha. Trong đó, có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.962ha, các KCN cho thuê đất với tổng diện tích 6.695ha, tỷ lệ lấp đầy 88,13%. Để đáp ứng nhu cầu, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 KCN gồm: VSIP 3 và Cây Trường với tổng diện tích 1.700ha.
“Bình Dương tiếp tục xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng các KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy KT-XH để phục vụ nhân dân. Bình Dương đã tạo được quỹ “đất sạch” rộng lớn để phát triển hạ tầng, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong mắt nhà đầu tư”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng.
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, cho biết quỹ đất hiện tại của các KCN tại Bình Dương đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Trong giai đoạn tới công tác thu hút đầu tư vào các KCN của địa phương có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Do đó, các KCN hiện hữu và các KCN mới có các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút cho các KCN để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng.
Theo ông Trí, quỹ đất công nghiệp tại các khu vực TP.Dĩ An, TP.Thuận An gần như cạn kiệt. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội, Bình Dương đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn nơi có nhiều đất như TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên để đáp ứng nhu cầu.
Trong đó, quỹ đất dành để phát triển KCN tại huyện Bàu Bàng có 1.000ha, huyện Bắc Tân Uyên có 215ha, TX.Tân Uyên có 1.630ha, TX.Bến Cát có 3.200ha và TP.Thủ Dầu Một có 765ha. Ngoài việc mở rộng KCN, Bình Dương chú trọng thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao vào KCN khoa học công nghệ, hướng đến ngành công nghiệp xanh.
Đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố và 2 thị xã (tới đây, 2 thị xã sẽ lên thành phố); sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Bình Dương đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.