Con số kỳ vọng càng cao càng khó khả thi
Trả lời phóng viên TBTCVN, TS. Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam cho rằng, 800.000 tỷ đồng dự kiến cho chương trình phục hồi kinh tế là một con số kỳ vọng. Chúng ta chỉ cần làm tốt hơn các chương trình hiện có, thay vì nâng lên con số cao hơn. Với hiện trạng sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam, để có thể hấp thụ được gói hỗ trợ tương đương 10% GDP trên thì sẽ còn nhiều việc cần phải làm.
PV: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Ông có bình luận gì về chương trình này?
TS. Phạm Hùng Tiến: Gói phục hồi kinh tế dự kiến có giá trị 800.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó mới là dự kiến, từ dự kiến, dự toán cho đến triển khai bao giờ cũng còn một khoảng cách. 800.000 tỷ đồng so với nền kinh tế của Việt Nam là rất lớn, tương đương với 35 - 36 tỷ USD, xấp xỉ 10% GDP của Việt Nam. Với thông lệ trên thế giới thì 10% GDP để hỗ trợ nền kinh tế là con số tương đối logic và khoa học. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, việc giải ngân được 1% GDP cũng là điều rất tích cực. Con số 800.000 tỷ đồng hay một con số cụ thể nào khác thì tiếng nói cuối cùng là quyết định từ Quốc hội.
TS. Phạm Hùng Tiến
Theo tôi, điều quan trọng khi xét về gói hỗ trợ này là về chất lượng. Chúng ta phải tính đến nó phục vụ mục tiêu gì và đảm bảo mục tiêu trong dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn như thế nào. Quan trọng nữa là phải đúng đối tượng. Đối tượng ở đây cần phải làm rõ đâu là chủ thể, đâu là đối tượng. Các cơ quan nhà nước, các bên trung gian là các chủ thể giám sát, động viên, khuyến khích, giải ngân. Các đối tượng hiện tại cũng rất đa dạng, chúng ta có thể xét theo quy mô doanh nghiệp hoặc xét theo lĩnh vực ngành nghề hoặc theo địa phương, địa bàn hoạt động hoặc theo nhiệm vụ, mục tiêu, tiêu chí liên quan đến vấn đề an sinh xã hội cũng như hoạt động kinh doanh của bản thân các đơn vị tổ chức đó.
PV: Như ông chia sẻ, ngoài những đối tượng đã được đề cập trong dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, cần bổ sung đối tượng hợp tác xã. Vì sao cần hỗ trợ cho đối tượng này, thưa ông?
TS. Phạm Hùng Tiến: Hợp tác xã là một đối tượng đặc biệt. Hiện tại, các hợp tác xã đang hoạt động và có đóng góp thuế đầy đủ theo Luật Hợp tác xã 2012. Tính chung trong cả nước hiện có khoảng trên dưới 10.000 hợp tác xã đang hoạt động. Hợp tác xã khác với doanh nghiệp. Nếu như 400.000 doanh nghiệp phải sử dụng các tiêu chí để phân loại phức tạp hơn thì hợp tác xã lại có số lượng nhỏ và chúng ta có thể bao quát được. Các lĩnh vực kinh doanh của hợp tác xã tuy đa dạng nhưng không nhiều như các doanh nghiệp và quy mô của họ thông thường nhỏ hơn. Nhỏ hơn thì rủi ro sẽ nhỏ hơn do các hoạt động kinh doanh của họ được nhìn nhận đơn giản hơn. Vòng đời các sản phẩm của các hợp tác xã rất ngắn, nên sẽ ít rủi ro và do đó, các bên cấp tín dụng cũng sẽ ít rủi ro hơn. Hơn nữa nông sản là sản phẩm thiết yếu hàng ngày của người dân, vì vậy cũng sẽ đóng góp cho việc ổn định an sinh xã hội nói chung.
Các hợp tác xã cần được ưu tiên hỗ trợ lãi suất. Còn nếu hỗ trợ tín dụng được cho họ thì càng quý nhưng phải với các điều kiện, đó là hợp tác xã phải đang sản xuất tốt, có chiến lược kinh doanh đổi mới sản phẩm.
PV: Hiện tại, đang có nhiều ý kiến khác nhau về quy mô của gói hỗ trợ. Một số chuyên gia cho rằng 800.000 tỷ đồng là con số lan tỏa ước tính, còn con số thực tế khoảng từ 400.000 đến 500.000 tỷ đồng là hợp lý. Theo ý kiến của ông, gói hỗ trợ này nên có quy mô bao nhiêu là phù hợp?
TS. Phạm Hùng Tiến: Về quy mô của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, theo tôi, 800.000 tỷ đồng là một con số tích cực nếu như Chính phủ có thể thu xếp được. Một điều chắc chắn rằng 800.000 tỷ đồng là một con số kỳ vọng, rất tốt nhưng càng tốt bao nhiêu thì càng khó khả thi. Với hiện trạng cơ thể của nền kinh tế Việt Nam, để có thể hấp thụ được gói hỗ trợ tương đương 10% GDP trên thì sẽ còn nhiều việc cần phải làm. Để đánh giá cụ thể gói hỗ trợ bao nhiêu cho phù hợp cần phải dựa trên những kinh nghiệm, những lần tương tác, tiếp xúc, điều tra, nghiên cứu trong quá khứ, trong 2 năm gần đây với các đối tượng. Tôi cho rằng, chúng ta chỉ cần làm tốt hơn các chương trình hiện có, thay vì nâng lên con số cao hơn.
Tôi chưa có tính toán con số cụ thể là bao nhiêu thì sẽ phù hợp nhưng nếu như giải ngân được hết khoảng từ 2- 3% trong số gần 10% GDP như dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là một điều rất đáng quý. Tuy nhiên, đây chỉ là một phỏng đoán của tôi, bởi cũng có ý kiến cho rằng con số phải cao hơn vì chúng ta chấp nhận lạm phát và nợ công tăng lên. Ở đây, theo tôi, không thuần túy chỉ là room về tài chính mà quan trọng nhất là phải dựa trên nhu cầu thực sự, tức là sức khỏe của nền kinh tế mà trong trường hợp này là sức khỏe cộng với chiến lược của từng đơn vị, tổ chức, từng doanh nghiệp thì chúng ta giải ngân mới có hiệu quả được.
PV: Vậy theo ông, để đảm bảo chương trình này thành công và hiệu quả thì điều quan trọng cần lưu ý là gì?
TS. Phạm Hùng Tiến: Để đảm bảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt hiệu quả thì có nhiều nguyên tắc cần tuân theo, nhưng tôi luôn ủng hộ và nhấn mạnh nguyên tắc không nên hỗ trợ cào bằng. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải phân loại ra các nhóm đối tượng. Để phân loại được các nhóm đối tượng thì sẽ dựa trên các bộ dữ liệu từ bên tài chính, thuế, ngân hàng. Từ bộ dữ liệu tổng hợp này sẽ phân tích xử lý để từ đó đưa ra được những mức hỗ trợ phù hợp cho mỗi loại đối tượng.
Như đã nói ở trên, gói hỗ trợ phụ thuộc không chỉ vào quy mô, số lượng mà còn phụ thuộc vào chất lượng. Trong đó làm thế nào để xác định được đúng đối tượng, nhiệm vụ đó quan trọng giống như các cơ quan bộ ban ngành lo được nguồn vốn tài chính cho chương trình phục hồi.
Bên cạnh đó, cần phải chú ý các chuỗi cung ứng phục vụ thị trường nội địa chứ không chỉ là hướng đến lo đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ xuất khẩu. Do đó, gói hỗ trợ cần phân loại tập trung hơn vào khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân nội địa.
Ngoài ra, cần tính toán kỹ về thời gian hỗ trợ, không ngắn quá, cũng không dài quá và tiến hành giải ngân nhanh chóng khi được thông qua, để đảm bảo hỗ trợ kịp thời và phù hợp với nguồn lực tài chính quốc gia.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ít nhất có sự tham gia của 4 bên trong xác định đối tượng hỗ trợ
Cho ý kiến về đối tượng bao phủ của chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, TS. Phạm Hùng Tiến cho rằng, để xác định được đúng đối tượng hỗ trợ ở Việt Nam cũng không đơn giản. Vì vậy, cần có sự phối hợp của nhiều bên liên quan và không liên quan trong việc xác định đối tượng.
Theo TS. Tiến, các tổ chức, đơn vị kinh doanh nếu có uy tín và chính danh tại Việt Nam, tức là có hoạt động và có đóng thuế thì đều tham gia các hiệp hội. Vì vậy, bên cạnh các bộ ngành, địa phương thông qua UBND, cần phải mời đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để họ cùng tham gia, tham vấn xác định đúng đối tượng. Đó là cách làm truyền thống. Ngoài ra, TS. Tiến cũng cho rằng, nên mở rộng mời thêm bên thứ ba là các chuyên gia kinh tế độc lập và các tổ chức phi lợi nhuận. Họ không bị ràng buộc bởi nhóm lợi ích nào để có thể tham khảo được những thông lệ kinh nghiệm trên thế giới cũng như rút ra các bài học kinh nghiệm tại Việt Nam. Theo đó, ít nhất phải có 4 bên như vậy thì mới hy vọng xác định được đúng đối tượng hỗ trợ, đúng về thời gian và đúng về quy mô gói hỗ trợ.