Con số xuất khẩu 65 tỷ USD của Samsung và bước tiến mới của ngành điện tử

'Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ trọng của ngành điện tử xuất khẩu rơi vào FDI nhiều, không thể phủ nhận, tuy nhiên con số gia tăng trong xuất khẩu điện tử, tức là con số gia tăng nội địa ngày càng lớn hơn, và có đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp nội địa trong nước'.

Nêu ra vấn đề trên, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, đề nghị cần có một thống kê đầy đủ về con số giá trị gia tăng của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu để nhìn nhận rõ hơn ngành điện tử đang phát triển ở đâu.

Chấp nhận khởi đầu bằng gia công

Thực tế, nói tới ngành điện tử thì trước hết phải nhắc tới Samsung – tập đoàn đa quốc gia đang vận hành tổng cộng 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội và 1 pháp nhân bán hàng.

Samsung đóng góp xuất khẩu 65 tỷ USD trong năm 2022.

Samsung đóng góp xuất khẩu 65 tỷ USD trong năm 2022.

Năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh của Samsung cũng rất xuất sắc (xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam, với kỷ lục lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD, đạt 732,5 tỷ USD.

Với kim ngạch trên, rõ ràng vai trò của Samsung nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung trong chuỗi cung ứng ngành điện tử của Việt Nam là rất lớn. Vậy, khối nội đang ở đâu? Bà Đỗ Thị Thúy Hương thừa nhận, ngành điện tử hầu hết là gia công và OEM (cung ứng sản phẩm và sản xuất theo đơn đặt hàng của đơn vị đối tác), còn những nhãn hiệu để xuất khẩu hầu như không có, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn khởi sắc và cung ứng trong chuỗi không có gì đang xấu hổ.

“Bởi ngành điện tử Việt Nam phát triển từ con số 0, trong khi các ngành điện tử của các nước khác trên thế giới đã đi bước tiến rất dài trước khi chúng ta hội nhập”, bà Hương nói. Vì thế, khi ngành điện tử đi từng bước thì chúng ta phải tham gia dưới góc độ OEM để từng bước có thể điều chỉnh năng lực sản xuất, năng lực quản trị và đầu tư thiết bị, đi cùng theo chuỗi và hưởng lợi khá nhiều từ quy trình công nghệ, kỹ năng quản trị, tiếp cận thị trường một cách bài bản và chuyên nghiệp theo chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tỷ trọng của ngành điện tử xuất khẩu rơi vào FDI nhiều, bà Hương nêu quan điểm không thể phủ nhận, tuy nhiên con số gia tăng trong xuất khẩu điện tử, tức là con số gia tăng nội địa ngày càng lớn hơn, và có đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp nội địa trong nước.

“Và ngày càng nhiều doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng, đơn cử như trong vòng 5 năm trở lại đây, Samsung mới vào Việt Nam và có 1-2 nhà cung ứng trong nước, tuy nhiên đến nay có trên 200 nhà cung ứng là doanh nghiệp cung ứng nội địa Việt Nam, trong đó có 51 doanh nghiệp cung ứng cấp 1, trực tiếp với Samsung. Đây là một con số đáng kể, và cho thấy năng lực cung ứng của doanh nghiệp nội địa”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, đến nay chưa có một con số thống kê đầy đủ con số giá trị gia tăng của các doanh nghiệp nội địa khi cung cấp vào chuỗi cung ứng, mà con số xuất khẩu chỉ thể hiện ở doanh nghiệp cuối cùng khai báo hải quan và xuất khẩu, “đây là điểm thiếu sót mà các Bộ, ngành nên hoàn thiện”, bà Hương kiến nghị.

‘Bám rễ’ sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Câu chuyện gia công trong chuỗi cung ứng công nghiệp cũng được Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) Trần Bá Dương đề cập. Theo lãnh đạo Thaco, tính tự chủ của một nền công nghiệp nằm ở chỗ công nghiệp hỗ trợ. “Một ngành công nghiệp như cái cây, muốn cao phải có một bộ rễ mạnh là các ngành công nghiệp hỗ trợ xung quanh” và “Cái cây cao thì cần bộ rễ lớn. Rễ phải vừa giúp cây đứng vững trước gió bão, vừa mang được chất dinh dưỡng cho cây. Nếu không có ngành hỗ trợ thì không có ngành chính", ông Dương ví von.

Chủ tịch Trần Bá Dương nhắc tới doanh nghiệp Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc, một doanh nghiệp đi lên từ gia công), mặc dù khâu gia công mang lại lợi nhuận không bằng so với các công đoạn khác như thiết kế, bán hàng, tuy nhiên đây là khâu dễ thực hiện để doanh nghiệp "đi từng bước trên các bậc thang".

"Foxconn gia công lắp ráp điện thoại, linh kiện điện tử rồi hiện nay trở thành doanh nghiệp lớn nhất về sản xuất chip. Chúng ta cùng nhìn lại để thấy mọi thứ bắt đầu bằng gia công. Khi đạt được cấp độ rồi chúng ta từng bước nâng lên như hình mẫu của Foxconn", ông Dương nhắn nhủ.

Từ những dẫn chứng trên để thấy rằng khởi đầu từ gia công để lớn dần trong chuỗi cung ứng toàn cầu là một con đường rất tốt cho nhiều doanh nghiệp. Tất nhiên, để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp thì cần sự hỗ trợ, đồng hành từ phía Nhà nước.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương khẳng định trong năm 2023 sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa điện tử có xuất xứ Việt Nam nhằm tạo điều kiện để các thương hiệu điện tử trong nước tạo được niềm tin với người tiêu dùng; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.

“Tiếp tục hỗ trợ hoạt động lắp ráp của Samsung tại Việt Nam; phối hợp với Samsung xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh”, Bộ Công Thương khẳng định.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/con-so-xuat-khau-65-ty-usd-cua-samsung-va-buoc-tien-moi-cua-nganh-dien-tu-1090492.html