Côn Sơn - suối nguồn cảm hứng nghệ thuật

Là địa danh gắn với thân thế, sự nghiệp của các bậc hiền nhân, theo thời gian, các văn nghệ sĩ cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng liên tục sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm với thiên nhiên Côn Sơn kỳ vĩ.

Côn Sơn đã trở thành suối nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ

Côn Sơn đã trở thành suối nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ

“Sào, Do bằng có tái sinh/ Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn” (Côn Sơn ca). Cảm thán về cuộc đời, Ức Trai (tên hiệu của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi) đã phải thốt lên khuyên người đời, nếu còn bậc thanh cao như Sào Phủ, Hứa Do, những ẩn sĩ truyền kỳ trong lịch sử Nho học thì nên về Côn Sơn để trải lòng. Từ cổ chí kim, Côn Sơn là suối nguồn cảm hứng vô tận của bao thế hệ văn nghệ sĩ.

Cảnh thanh

“Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ/ Lẩn thẩn làm chi áng mận đào?” (Mạn thuật XIII).

Nhớ về Côn Sơn, quê ngoại của mình, thi nhân Nguyễn Trãi hình dung về chốn “cảnh thanh”, nơi có suối Côn Sơn thánh thót như tiếng đàn, rừng có hoa bay, hương thoảng nhẹ, trẻ chăn trâu thổi sáo, có tiếng hát của người chài lưới đẩy sóng nước ngân xa… “Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai… Trong rừng có bóng trúc râm/ Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn…”. Trước đó, tiến sĩ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ nhà thơ đã khắc họa vẻ đẹp Côn Sơn trong bài “Thanh Hư động ký” đầy tinh tế: “Khói đầu non ráng ngoài đảo gấm vóc phô bầy; hoa dọc suối cỏ ven rừng biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem, phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối tuôn reo, xa vời mà hư không, sâu thẳm và yên lặng, hợp với tai mắt tâm thần người ta, ở đây đều có đủ cả”.

Cùng dòng chảy mạch nguồn cảm hứng đó, các văn nghệ sĩ hiện đại cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng liên tục sáng tạo những tác phẩm xứng tầm với thiên nhiên Côn Sơn kỳ vĩ: “Mây giăng đỉnh núi xa xa/ Màu trăng huyền ảo ánh ngà ru êm/ Mưa đi rón rén bên thềm/ Đem bâng khuâng gửi nỗi niềm nhớ nhung/ Lộc non chợt nhú ven rừng/ Thời gian rạo rực lưng lưng thân đào” (Phan Lạc Tuyên, Hà Nội); “Một dải non xanh nhuộm nắng vàng/ Ngàn mây tráng bạc nhẹ trôi ngang…” (Văn Thức, Hải Phòng); “Lặng thầm thông vẫn reo ca/ Suối trong vẫn chảy/ Rừng hoa vẫn cười/ Đường lên bậc đá chơi vơi/ Tiếng thơ ai vọng ngân nga/ Tiếng yêu thương, tiếng đậm đà nghĩa nhân” (Khúc Kim Tính, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương)…

Thanh cao, thoát tục là thế, với nhiều văn nghệ sĩ, Côn Sơn còn là nơi khơi gợi xúc cảm thẩm mỹ mạnh mẽ. Nhà thơ Phạm Ánh Sao, bút danh Triều Vân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Dương, Trưởng Ban thơ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chia sẻ: “Với tôi và nhiều văn nghệ sĩ khác, Côn Sơn là nơi đẩy thẩm mỹ, cảm xúc lên cao trào. Non xanh nước biếc ở đây không chỉ là nơi vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tìm về mà còn ghi dấu thảm án Lệ chi viên, nơi lui về ở ẩn của “vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời) Chu Văn An trước thế sự vần xoay của thời cuộc”. Với tâm thế ấy, nhà thơ Ánh Sao đã chắp bút nên những câu thơ đầy rung cảm trong hai bài “Xin chữ ở đền Chu Văn An” và “Cây đại trước cửa đền Nguyễn Trãi” được nhiều tờ báo ở địa phương và Trung ương đăng tải.

Để hồn di tích bay cao

Bài hát “Vương vấn Côn Sơn” của nhạc sĩ Trần Minh Luân được đăng tải trong cuốn sách “Hải Dương tình đất, tình người” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2011

Bài hát “Vương vấn Côn Sơn” của nhạc sĩ Trần Minh Luân được đăng tải trong cuốn sách “Hải Dương tình đất, tình người” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2011

Dù không có thống kê cụ thể, nhưng có thể nói số lượng tác phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa, văn nghệ viết về Côn Sơn địa linh nhân kiệt có thể lên tới hàng trăm tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm từng đoạt giải cao trong các cuộc thi, không chỉ khẳng định chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, tài năng tác giả mà còn tôn lên hồn cốt, giá trị di tích lịch sử này.

Một trong số đó là bút ký “Nơi lưu giữ hồn thiêng của cha ông” của nhà văn Vũ Tuyết Mây, Trưởng Ban Văn xuôi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Dương. Một lần về với Côn Sơn, bà vừa đi thực tế, vừa lắng nghe âm vang quá khứ dội về để khắc họa lại mảnh đất, con người nơi đây vừa kỳ vĩ, vừa linh thiêng trong tác phẩm của mình. Bài ký được nhiều độc giả yêu mến và đoạt giải nhì cuộc thi viết bút ký với đề tài đất và người Hải Dương vào năm 2008 tại tỉnh ta (cuộc thi không có giải nhất).

Cũng như ở mảng văn học, các nhạc sĩ tài năng trong và ngoài tỉnh đã viết về Côn Sơn với những rung cảm sâu sắc như “Đêm Côn Sơn” (cố nhạc sĩ Hữu Đức, Hưng Yên), “Vương vấn Côn Sơn” (Trần Minh Luân, Bến Tre), “Chí Linh miền đất thiêng anh hùng” (nhạc sĩ Mai Đoan, Trưởng Ban Âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)… Trong đó bài hát “Đêm Côn Sơn” của cố nhạc sĩ Hữu Đức với phần mở đầu rất gợi: “Lung linh lung linh mặt hồ, sao rơi sao rơi trên mặt hồ, bồng bềnh bồng bềnh trong gió thoảng. Những vần thơ Ức Trai gọi hồn thiêng nước non, mênh mông đêm Côn Sơn...”. Bài hát ca ngợi vẻ đẹp huyền ảo của danh thắng vào đêm, ví vẻ đẹp của mảnh đất thiêng này mạnh mẽ như sức sống người con gái lúc xuân thì. Ca từ đẹp đẽ, giai điệu trầm bổng, du dương mà tha thiết, bài hát đã chinh phục đông đảo khán giả cũng như đoạt giải cao do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng cách đây nhiều năm.

Là địa danh gắn với thân thế, sự nghiệp của các bậc hiền nhân, nhiều thế kỷ qua Côn Sơn đã trở thành suối nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ văn nghệ sĩ. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật kết tinh vẻ đẹp của thiên nhiên sông núi với rung cảm tinh tế của các nghệ sĩ đã tôn lên giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, trở thành điểm nhấn trên hành trình trở thành di sản chung của nhân loại.

VIỆT QUỲNH - THÀNH CHUNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/le-hoi-con-son---kiep-bac-2022/con-son---suoi-nguon-cam-hung-nghe-thuat-213394