Cơn sốt AI mang lại hàng tỉ USD cho các nhà phát triển
Theo thống kê, tổng giá trị các doanh nghiệp phát triển AI đã tăng gấp 6 lần trong hai năm trở lại đây, lên đến 48 tỉ USD.
Trong thời gian gần đây, việc đầu tư vào ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày một nóng hơn, đặc biệt là sau khi Microsoft chi tiền để mua lại Công ty OpenAI. Hiện nay, nhiều startup công nghệ đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn để phát triển các công cụ tương tự ChatGPT, có thể tạo ra văn bản, hình ảnh và nội dung theo yêu cầu. Theo thống kê, tổng giá trị các doanh nghiệp phát triển AI đã tăng gấp 6 lần trong hai năm trở lại đây, lên đến 48 tỉ USD.
Vào tháng Giêng vừa qua, startup AI21 Labs của Israel đã giới thiệu phần mềm AI hỗ trợ viết nội dung văn bản. Startup này đã huy động được 64 triệu USD vào năm trước và phát triển một công cụ có thể giúp nhiều nhà văn chỉnh sửa và viết lại các tác phẩm của họ. Công cụ này được thiết kế để giúp các nhà văn tiết kiệm thời gian và hoàn thành các tác phẩm của mình.
Ngoài ra, cũng có một số phần mềm AI được phát triển để viết mã máy tính và tạo dữ liệu ẩn danh với độ bảo mật cao để bảo vệ danh tính người dùng. Ví dụ như phần mềm Stable Diffusion được phát triển bởi startup Stability AI (Vương quốc Anh), có khả năng hỗ trợ người dùng mã hóa các nội dung văn bản thành hình ảnh chuyên nghiệp một cách nhanh chóng.
Sau khi chatbot ChatGPT của OpenAI ra mắt vào cuối năm ngoái, hàng loạt ứng dụng AI tìm kiếm theo nhu cầu của người dùng đã được tung ra thị trường.
Với tiềm năng phát triển của trí tuệ nhân tạo, các "ông lớn" của ngành công nghệ đang rất quan tâm đến các startup thuộc lĩnh vực này. Theo Dealroom, một nền tảng dữ liệu toàn cầu về startup, tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ AI được dự báo sẽ lên đến 2,1 tỉ USD vào năm 2022, tăng gấp 10 lần so với năm 2020.
Nếu tổng hợp dữ liệu từ nhiều nền tảng khác nhau, ước tính tổng số vốn huy động cần đầu tư vào 100 startup phát triển trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ nhất trong tháng 1/2023 là khoảng 46 tỉ USD, tăng gấp 6 lần so với năm 2020. Công ty OpenAI hiện đang được định giá khoảng 29 tỉ USD.
Sự phát triển đáng kể của trí tuệ nhân tạo được cho là nhờ vào những nỗ lực cải tiến trong ngành công nghệ chất bán dẫn. Khả năng “vượt trội” của trí tuệ nhân tạo phần lớn đều dựa trên việc sử dụng các dữ liệu có sẵn trên Internet. Ví dụ như chatbot ChatGPT, một phần mềm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trước đây được gọi là GPT-3, có khả năng xử lý dữ liệu nhanh hơn vài nghìn tỉ lần so với NETtalk, một nền tảng cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi quốc tế rẻ tiền thông qua kết nối Wi-Fi hoặc không dây được phát triển vào những năm 1980.
Cuối tháng 1, Microsoft đã thông báo về việc đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI. Vì lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trở nên cực kỳ hấp dẫn trên thị trường, sự cạnh tranh giữa các startup cũng ngày càng ác liệt khi họ đang cố gắng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, số lượng người sử dụng công nghệ AI cũng ngày một tăng. Theo công ty tư vấn Accenture của Mỹ, dù hiện tại AI chỉ được sử dụng chủ yếu trong ngành công nghệ, nhưng các lĩnh vực khác sẽ theo kịp vào năm 2024. Đặc biệt, AI là lối thoát mới cho Nhật Bản khi nó có thể giúp giải quyết các vấn đề khó khăn như thiếu lao động và năng suất thấp.
Tuy nhiên, hệ thống AI đôi khi có thể đưa ra các phản hồi khó hiểu và không chính xác, thậm chí là những lỗi có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý hoặc gây hại cho người dùng. Do đó, điều quan trọng là khi tiếp cận lĩnh vực công nghệ mới này, phải hiểu rõ điểm mạnh và yếu của nó, và triển khai các hệ thống phần mềm một cách khôn ngoan nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ.