Cơn sốt giá tiêu: Nỗ lực ổn định thị trường khi hàng trong dân vẫn còn

Những biến động mạnh mẽ về giá tiêu trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến nông dân và cả thị trường xuất khẩu, vì thế doanh nghiệp cần có bước đi thận trọng.

Cơn sốt giá tiêu lần thứ hai, lượng hàng trong dân vẫn còn

Năm nay, giá tiêu bất ngờ tăng mạnh và bước vào cơn sốt giá lần thứ hai trong lịch sử. Các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, hồ tiêu chính thức bước vào chu kỳ tăng giá mới sau một thời gian nằm đáy. Đáng nói, chu kỳ tăng giá có thể kéo dài hơn một thập kỷ và rất có thể mặt hàng này sẽ vọt lên ngưỡng 350.000-400.000 đồng/kg.

Giá tiêu của Việt Nam, thường được ví như “vàng đen”, đang tăng chóng mặt, thiết lập đỉnh giá mới nhất lịch sử. Sự tăng giá mạnh mẽ này đã đẩy Việt Nam lên vị trí đứng đầu thế giới về giá hồ tiêu, vượt xa các quốc gia xuất khẩu lớn như Indonesia, Malaysia và Brazil. Năm nay, giá tiêu đột ngột tăng mạnh, bước vào cơn sốt giá lần thứ hai trong lịch sử, sau đợt leo thang từ năm 2010 và đạt đỉnh vào năm 2015 với mức giá 230 triệu đồng/tấn.

Hiện nay, Việt Nam nắm giữ kho hàng hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm 40% sản lượng và 60% xuất khẩu toàn cầu. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam năm 2024 ước tính giảm 10% so với năm 2023, chỉ còn khoảng 170.000 tấn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong bối cảnh này, giá hồ tiêu trong nước và xuất khẩu đều tăng mạnh.

Giá tiêu bất ngờ tăng mạnh và bước vào cơn sốt giá lần thứ hai trong lịch sử.

Giá tiêu bất ngờ tăng mạnh và bước vào cơn sốt giá lần thứ hai trong lịch sử.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 7.800 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 8.000 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 12.000 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, giá xuất khẩu tiêu đen và tiêu trắng tăng lần lượt 100% và 110,5%. Điều này đẩy giá tiêu của Việt Nam lên cao hơn so với hàng của Indonesia, Malaysia và Brazil từ vài trăm đến vài nghìn USD mỗi tấn.

Phiên giao dịch ngày 19/6, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại ở mức 6.418 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 7.600 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.Giá tiêu trắng Muntok 8.377 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Nửa đầu tháng 6, giá hạt tiêu Việt Nam tăng sốc khi đạt đỉnh 180.000 đồng/kg vào ngày 12/6. Ngay sau đó, lại xuống dốc nhanh chóng. Theo thông tin được cập nhật mới nhất, giá hồ tiêu ngày 19/6 lấy lại đà tăng, tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá tiêu ở mức 162.000 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Bình Phước là 156.000 đồng/kg. Trong vòng một tháng qua, giá hồ tiêu đã tăng từ 120.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg và tiếp tục leo lên mức 160.000 - 162.000 đồng/kg vào ngày 14/6.

Nguyên nhân chính của sự tăng giá này là do nguồn cung bị sụt giảm nghiêm trọng. Sản lượng hồ tiêu trong nước và toàn cầu đều giảm, trong khi lượng tồn kho từ năm trước ở mức thấp nhất trong 5 năm qua. Tình trạng hạn hán và các vấn đề thời tiết bất lợi ở các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Indonesia, và Brazil cũng góp phần làm giảm sản lượng .

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, vụ tiêu năm nay, Bà Nguyễn Thị Thu Mai, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu được 12 tấn tiêu, giảm 2 tấn so với năm ngoái, nhưng do giá tiêu năm nay cao nên có lãi khá, trừ toàn bộ chi phí bà thu lời từ 500-600 triệu đồng. Đây là mức lãi cao so với 3,4 năm trước

Còn Ông Lê Xuân Liêm ở xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu 5,5 ha vườn tiêu cho biết, giá tiêu đang ở mức cao nhất trong vòng 6,7 năm trở lại đây giúp người trồng có nguồn thu nhập khá. Hiện ông đang tập trung chăm sóc, cải tạo vườn cây tốt hơn để tăng sản lượng cho vụ tới khi giá tiêu đang cao.

Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết, hồ tiêu trong nước đều đang trong xu thế tăng, mỗi ngày tăng một vài nghìn đồng/kg. Hồ tiêu trong dân vẫn còn nhưng thay vì bán ra ồ ạt, họ chọn cách bán ra nhỏ giọt để nghe ngóng tình hình giá cả. Thị trường không có hiện tượng đầu cơ, các doanh nghiệp cũng không mua vào nhiều.

Giá tiêu tăng tác động đến thị trường trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 114.424 tấn hồ tiêu các loại, thu về 493,1 triệu USD, giảm 13,2% về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 4.197 USD/tấn và tiêu trắng đạt 5.804 USD/tấn, tăng lần lượt 754 USD và 849 USD so với cùng kỳ năm 2023.

Sự tăng giá hồ tiêu đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, với dự báo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của quý II/2024 nhờ nhu cầu từ các thị trường châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, một số thách thức vẫn tồn tại. Các thị trường nhập khẩu đang tăng cường các quy định về nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc chính xác và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, giá cước vận chuyển và chi phí sản xuất tăng cao cũng tạo ra áp lực lớn. Hơn nữa, việc cạnh tranh với các nhà sản xuất từ các quốc gia khác như Indonesia và Brazil, nơi giá hồ tiêu đang dần trở nên cạnh tranh hơn, cũng là một thách thức không nhỏ.

Hồ tiêu trong dân vẫn còn nhưng thay vì bán ra ồ ạt, nhưng họ chọn cách bán ra nhỏ giọt để nghe ngóng tình hình giá cả.

Hồ tiêu trong dân vẫn còn nhưng thay vì bán ra ồ ạt, nhưng họ chọn cách bán ra nhỏ giọt để nghe ngóng tình hình giá cả.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2024 ước tính giảm 10% so với năm 2023, chỉ còn khoảng 170.000 tấn. Đây là mức thấp nhất 5 năm trở lại đây.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, trong bối cảnh sản lượng tiêu toàn cầu giảm đáng kể, lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang năm nay ở Việt Nam hầu như không đáng kể, khó đáp ứng được nhu cầu thị trường. Điều này đang đẩy hồ tiêu bước vào một chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này sẽ kéo dài trong 10 năm tới và giá có thể lên tới 350.000 - 400.000 đồng/kg.

Đây là một tin vui đối với nông dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong việc đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa. Trong bối cảnh giá tăng nóng, doanh nghiệp khó chủ động nguồn hàng vì lượng hàng bán ra thị trường không dồi dào, trong khi doanh nghiệp ký hợp đồng từ trước với mức giá đã chốt và nay giá tăng quá cao cũng không mua nổi hàng.

Theo đánh giá của VPSA, sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2024 ước giảm 10% so với năm 2023, chỉ còn khoảng 170.000 tấn - mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), việc duy trì và phát triển ngành hồ tiêu bền vững là rất quan trọng. VPA khuyến cáo các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho các yêu cầu mới từ các thị trường quốc tế.

Các chuyên gia nhận định, với lượng tồn kho thấp và sản lượng giảm, giá hồ tiêu có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khả năng thị trường sẽ gặp khó khăn nếu nhu cầu toàn cầu giảm do tình hình kinh tế bất ổn và các xung đột địa chính trị.

Nỗ lực ổn định thị trường

Với việc cung khan hiếm và các quốc gia tăng mạnh nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, giá hạt tiêu của Việt Nam dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Trong tháng 5, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng qua. Điều này cho thấy tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng cũng đồng nghĩa với những thách thức về an ninh và chất lượng hàng hóa cần được giải quyết kịp thời.

Để đối phó với tình hình hiện tại, các chuyên gia cho rằng, thời đểm này các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực sản xuất thông qua việc cải thiện kỹ thuật canh tác và áp dụng các công nghệ mới. Đồng thờ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.

Ngoài ra, việc mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào một vài thị trường chính cũng là một hướng đi quan trọng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế .

Giá hồ tiêu Việt Nam đang tăng mạnh, thiết lập đỉnh mới lịch sử trong bối cảnh sản lượng giảm và nhu cầu tăng cao từ các thị trường lớn như Mỹ, Đức, Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam cần có chiến lược quản lý và bảo vệ nguồn hàng một cách hiệu quả để duy trì vị thế trên thị trường quốc tế.

Thị trường hồ tiêu năm 2024 đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh mẽ, với những thách thức lớn mở ra nhiều cơ hội. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, ngành hồ tiêu Việt Nam cần có những bước đi chiến lược, phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và nông dân. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường trong ngắn hạn mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong dài hạn.

Yến Thư

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/con-sot-gia-tieu-no-luc-on-dinh-thi-truong-khi-hang-trong-dan-van-con-327290.html