'Cơn sốt' trên thị trường IPO Hồng Kông đang trở lại
Thị trường vốn cổ phần của Hồng Kông đang bùng nổ trở lại do các công ty Trung Quốc đổ xô đến huy động vốn, làm dấy lên cơn sốt trên thị trường vốn đã bị bỏ quên trong những năm gần đây.
Khối lượng niêm yết tăng gấp 8 lần
Các giao dịch lớn và động thái được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đã thôi thúc các công ty niêm yết tại Trung Quốc đại lục tìm cách huy động vốn từ thị trường Hồng Kông, theo công ty phân tích dữ liệu Dealogic. Điều này đã đưa khối lượng huy động vốn tại thị trường Hồng Kông lên mức cao nhất trong nửa đầu năm nay, kể từ năm 2021.
Cụ thể, khối lượng niêm yết mới trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã tăng vọt khoảng 8 lần lên 14 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, so với mức 1,8 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Dealogic.
Con số 14 tỷ USD kể trên không bao gồm các đợt niêm yết SPAC - các công ty mua lại có mục đích đặc biệt được thành lập chỉ để huy động vốn thông qua IPO, với mục đích cuối cùng là mua lại hoặc sáp nhập với một công ty khác.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã tăng hơn 21% kể từ đầu năm nay. Ảnh: AFP
Kết quả nổi bật trong nửa đầu năm đưa thị trường Hồng Kông đi theo hướng trở thành điểm đến niêm yết lớn nhất thế giới trong năm nay, vượt qua sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq và sàn giao dịch chứng khoán New York.
PwC dự đoán sẽ có tới 100 thương vụ IPO tại thị trường Hồng Kông trong năm nay, với tổng số tiền huy động được ước tính vượt 25,5 tỷ USD.
Cơn bùng nổ IPO của Hồng Kông diễn ra sau nhiều năm thị trường này ảm đạm do tâm lý e ngại rủi ro sau đại dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế chững lại.
Trong nửa đầu năm nay, có 43 đợt niêm yết mới tại Hồng Kông, với số tiền thu được lên tới 13,6 tỷ USD, vượt qua tổng số tiền huy động được vào năm 2024, dữ liệu từ nền tảng dữ liệu tài chính Wind Information cho thấy. Trong khi đó, năm 2023 ghi nhận 73 đợt niêm yết, chỉ huy động được 5,9 tỷ USD, theo dữ liệu của sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX).
Cú hích chính sách của Bắc Kinh
Sức hút của thị trường Hồng Kông gia tăng nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố, bao gồm cú hích chính sách của Bắc Kinh, tốc độ niêm yết cổ phiếu hạng A chậm rãi, thanh khoản thị trường dồi dào và nỗi lo hủy niêm yết tại các thị trường Mỹ. Những yếu tố này thúc đẩy các công ty đại lục huy động vốn tại thị trường Hồng Kông, theo ông Steven Sun, giám đốc chiến lược cổ phiếu Trung Quốc tại ngân hàng HSBC.
"Sự bùng nổ IPO tại thị trường Hồng Kông chắc chắn được thúc đẩy bởi hoạt động niêm yết kép, từ cổ phiếu A rồi đến cổ phiếu H", ông Sun cho biết. Cổ phiếu A dùng để chỉ cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đại lục, còn cổ phiếu H là cổ phiếu được niêm yết tại Hồng Kông.
"Ngày càng có nhiều công ty sử dụng số tiền thu huy động được để thực hiện chiến lược toàn cầu hóa của họ", ông Sun nói thêm.
Vào đầu năm nay, việc ra mắt mô hình trí tuệ nhân tạo giá rẻ nhưng mạnh mẽ của DeepSeek đã thúc đẩy thêm một đợt tăng giá cổ phiếu công nghệ Trung Quốc khi các nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại năng lực đổi mới sáng tạo của Trung Quốc, thúc đẩy việc định giá lại cổ phiếu Trung Quốc.
"Định giá thị trường nói chung đã cải thiện trở lại mức trung bình lịch sử, mang lại triển vọng tốt hơn cho các công ty muốn huy động vốn", ông Eugene Hsiao, giám đốc chiến lược cổ phiếu Trung Quốc tại Macquarie, nhận xét.
Tính đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/7, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã tăng hơn 21% kể từ đầu năm, trở thành một trong những thị trường lớn có hiệu suất hoạt động tốt nhất trên toàn cầu.
Thị trường đang kỳ vọng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ bơm thêm các gói chi tiêu tài chính để bảo vệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước bất kỳ cú sốc nào liên quan đến thương mại.
Chính quyền Trung Quốc đã có sự dịch chuyển sang hỗ trợ khu vực tư nhân - khu vực được lãnh đạo nước này đánh giá là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo đài CNBC.
Sự dịch chuyển trên, cùng với sự chấp thuận được mong đợi từ lâu của Bắc Kinh cho phép các công ty tại Trung Quốc đại lục niêm yết ở nước ngoài, đã giải phóng một làn sóng nhu cầu bị dồn nén trong thời gian qua, đặc biệt là đối với các công ty chất lượng cao, hướng đến người tiêu dùng, ít bị ảnh hưởng bởi những cơn gió ngược địa chính trị, theo bà Lorraine Tan, giám đốc nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại Morningstar.
Năm ngoái, Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã ban hành một loạt các biện pháp nhằm đẩy nhanh quá trình phê duyệt cho các công ty công nghệ ở Trung Quốc đại lục đủ điều kiện niêm yết tại Hồng Kông.
Các cơ quan quản lý Hồng Kông cũng đã ra mắt cái gọi là "Kênh đầu tư doanh nghiệp công nghệ" vào tháng 5 vừa qua để tạo điều kiện thuận lợi phê duyệt hồ sơ IPO cho các công ty công nghệ và công nghệ sinh học chuyên ngành, đặc biệt là những công ty đã niêm yết tại Trung Quốc đại lục.
"Chính sách khuyến khích các công dân doanh nghiệp hàng đầu niêm yết tại Hồng Kông đã đem lại một cú hích rất cần thiết" trong việc phục hồi hoạt động IPO tại thị trường này, theo Perris Lee, giám đốc thị trường vốn cổ phần tại Dealogic.
Một động lực khác thúc đẩy sự bùng nổ lần này của thị trường Hồng Kông là thanh khoản dồi dào do các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục đổ xô vào cổ phiếu Hồng Kông, theo đuổi cơn sốt trí tuệ nhân tạo bùng nổ do những đột phá của Deepseek và khai thác các giao dịch huy động vốn lớn.
Theo Wind Information, dòng vốn ròng chảy xuống phía Nam, được theo dõi thông qua chương trình kết nối chứng khoán xuyên biên giới Stock Connect, đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong quý II/2025, kể từ khi chương trình này được triển khai vào năm 2014.
Trái lại, chỉ số chứng khoán CSI 300 của Trung Quốc đại lục gần như không thay đổi trong năm nay với tăng 0,2% tính đến thời điểm hiện tại, theo dữ liệu của tập đoàn chứng khoán London (LSEG).
Điều đó đã thúc đẩy các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục đổ tiền vào cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông, thúc đẩy dòng vốn chảy xuống phía Nam và đóng góp gần một nửa doanh thu cổ phiếu hàng ngày của Hồng Kông, theo ông Sun.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/con-sot-tren-thi-truong-ipo-hong-kong-dang-tro-lai-d321098.html