Cơn sốt vàng khắp thế giới
Trong bối cảnh kinh tế bất ổn, đồng USD tăng giá, nhu cầu vàng đã tiếp tục tăng cao kể cả khi giá kim loại quý này đã đạt mức cao kỷ lục.
The New York Times dẫn số liệu của Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho thấy tiêu thụ vàng ở quốc gia này tăng 6% trong quý I. Trước đó, nhu cầu vàng trang sức tại Trung Quốc trong năm 2023 đã tăng 10%, vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia mua vàng trang sức nhiều nhất thế giới.
Tại Trung Quốc, đầu tư vàng đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết trong bối cảnh bất động sản vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán chưa hoàn toàn trở lại.
Nhu cầu tăng vọt khắp nơi
Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã đổ xô đi mua những "hạt đậu vàng" nặng khoảng 1/30 ounce, giá khoảng 80-87 USD. Việc sưu tầm 1 gram vàng đựng trong lọ thủy tinh đang trở thành xu hướng của giới trẻ nước này. Các chủ cửa hàng trực tuyến theo đó cũng ráo riết rao bán "hạt đậu vàng".
Từ phía chính phủ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng liên tục mua vàng kể từ tháng 11/2022, đưa tổng dự trữ lên 2.264 tấn. Dù vậy, lượng mua trong tháng 4 đã giảm so với 2 tháng trước đó. Trong tháng 2 và 3, PBOC mua thêm lần lượt 390.000 ounce và 160.000 ounce vàng.
Còn tại Hàn Quốc, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất nước này là CU đã hợp tác với Tổng công ty đúc tiền, bảo mật in ấn Hàn Quốc (KOMSCO) để cung cấp vàng miếng mini. Mặt hàng này đang bán rất chạy, theo CNBC.
Nhiều loại vàng miếng có trọng lượng từ 0,1 đến 1,87 gram đã được bày bán tại các cửa hàng tiện lợi của CU kể từ tháng 4. Một thanh 1,87 gram vàng được bán với giá 225.000 won (tương đương 165 USD) và thanh 0,5 gram có giá 77.000 won (khoảng 56,5 USD). Theo truyền thông địa phương, những thanh vàng miếng 1 gram giá 113.000 won (83 USD) đã cháy hàng chỉ trong hai ngày mở bán.
Nhu cầu về vàng thỏi và tiền xu vàng ở Hàn Quốc đã tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 5 tấn trong quý đầu năm nay trong bối cảnh kim loại quý tăng giá mạnh, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Đây là mức tăng theo quý mạnh nhất ở Hàn Quốc trong hơn 2 năm qua.
Theo trang tin tức Mining, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đang xem xét phương án tăng cường dự trữ vàng trong trung và dài hạn. Trước đó, nhóm quản lý Dự trữ của ngân hàng này cũng đã nêu bật lợi ích của vàng như một rào cản chống lại lạm phát và một giải pháp thay thế cho đồng USD.
Trong khi đó, tại Mỹ, từ tháng 10 năm ngoái, chuỗi siêu thị bán sỉ Costco đã bắt đầu bán các sản phẩm vàng miếng trọng lượng 1 ounce qua kênh trực tuyến. Khách hàng ngay lập tức đổ xô đặt mua.
Nhờ vậy mà mỗi tháng, doanh thu từ việc bán vàng miếng của Costco tại Mỹ đạt tới 200 triệu USD. Trong khi vào năm 2023, doanh thu bán vàng của họ chỉ đạt 100 triệu USD mỗi quý.
Không riêng các quốc gia trên, nhu cầu vàng trên toàn cầu đã tăng mạnh mẽ trong quý I khi giá vàng liên tục phá đỉnh. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong 3 tháng đầu năm đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.238 tấn, đánh dấu quý I tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.
"Trung Quốc đang thúc đẩy giá vàng"
Trên thế giới, giá vàng giao ngay đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại mức khoảng 2.360 USD/ounce, tăng 59 USD so với cuối tuần trước.
Thực tế, giá vàng đã tăng vọt bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu rằng sẽ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn và ngay cả khi giá USD tăng.
Theo The New York Times, có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại quý lớn nhất thế giới - là “trung tâm” của sức tăng phi thường đó. Thị trường vàng không còn bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế mà bởi nhu cầu của người mua và nhà đầu tư Trung Quốc.
Ross Norman - Giám đốc điều hành của MetalsDaily.com, một trang thông tin về kim loại quý có trụ sở tại London, Anh - nhấn mạnh rằng Trung Quốc chắc chắn đang thúc đẩy giá vàng. Thị trường chứng khoán và bất động sản ảm đạm khiến người dân Trung Quốc tìm đến loại tài sản này.
Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng các nước đã thấy được tầm quan trọng của vàng trong việc ứng phó với khủng hoảng, khả năng duy trì giá trị và đa dạng hóa danh mục tài sản. Ngoài ra, năm 2024, thế giới dường như vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn kinh tế chính trị.
Trong bối cảnh đó, gia tăng sở hữu vàng vẫn là chiến lược phù hợp. WGC nhận định vàng là thành phần quan trọng trong khối dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời. Đây là ba mục tiêu đầu tư cơ bản của các ngân hàng trung ương.
Vì vậy, các cơ quan này cũng là nhóm nắm giữ vàng lớn của thế giới, chiếm 20% số vàng được khai thác trên toàn cầu đến nay.
Nguồn Znews: https://znews.vn/con-sot-vang-khap-the-gioi-post1475008.html