Còn thiếu doanh nghiệp phù hợp để hợp tác đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế
Một trong những khó khăn rất lớn của nước hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về kinh doanh quốc tế.
Trong xu thế hội nhập và phát triển mạnh mẽ hiện nay, theo đánh giá từ lãnh đạo các khoa, bộ môn đào tạo, sự phát triển và mở rộng của thị trường kinh tế đã khiến cho không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà cả nước ngoài đều có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực ngành Kinh doanh quốc tế. Đây là một trong trong những ngành học xu hướng với mức lương khởi điểm khủng cùng cơ hội việc làm rộng mở, đa dạng.
Một trong những ngành có mức lương khởi điểm cao nhất
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phùng Nam Phương – Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) bày tỏ, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Cô Nam Phương cho biết, tính đến tháng 7 năm 2021, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), với dấu ấn là việc tham gia các FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)... Đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2045 là thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Và cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics là một trong năm lĩnh vực mũi nhọn mà thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển.
Đáng nói, theo CareerBuilder, nhân sự chuyên về kinh doanh quốc tế tại Việt Nam chỉ mới đáp ứng hơn 50% nhu cầu của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, các chiến lược, mục tiêu phát triển trên đã đặt ra nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung trong việc sở hữu kiến thức chuyên môn vững vàng và hiểu biết sâu rộng về kinh doanh quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, có các kỹ năng mềm để thích nghi và làm việc độc lập, sáng tạo trong môi trường đa văn hóa.
Cô Nam Phương chia sẻ, cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế vô cùng rộng mở.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ có cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các công ty/doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các vị trí như chuyên viên nghiên cứu thị trường, chuyên viên hoạch định tài chính quốc tế, chuyên viên marketing quốc tế, chuyên viên tư vấn đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế cũng có thể làm việc tại các công ty xuất nhập khẩu và logistics (nhân viên nghiệp vụ xuất nhập khẩu, nhân viên khai báo hải quan, nhân viên thu mua, nhân viên sales…); các tổ chức nghiên cứu thị trường và truyền thông, các tổ chức tài chính-ngân hàng.
Ngoài ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế có thể làm việc trong các cơ quan chính phủ, các cơ quan phi chính phủ và hiệp hội ngành nghề với các vị trí việc làm liên quan đến kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu, logistics,…; hoặc có thể trở thành những nhà nghiên cứu, giảng viên cho các cơ sở đào tạo về kinh doanh, kinh doanh quốc tế, đặc biệt là ngoại thương.
Chia sẻ thêm về thực tế trong tuyển sinh của khoa, cô Nam Phương cho hay, trong những năm gần đây, ngành Kinh doanh quốc tế (chuyên ngành Ngoại thương) luôn là một trong những ngành có mức điểm tuyển sinh đầu vào cao nhất tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên cũng là một trong những đơn vị đào tạo ngành học Kinh doanh quốc tế. Chia sẻ từ Tiến sĩ Đoàn Quang Huy – Trưởng bộ môn Kinh doanh quốc tế, khoa Marketing-Thương mại – Du lịch của nhà trường cho hay, trong quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa hiện nay, kinh doanh quốc tế có một vai trò hết sức quan trọng và là hướng đi tất yếu của mọi quốc gia.
Bởi, nó không chỉ quyết định sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước mà của cả toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Mặt khác, thầy Huy cho rằng, xu thế hội nhập quốc tế cũng là hướng đi tất yếu của mọi doanh nghiệp trong thời đại hiện nay. Với số lượng khoảng hơn 895.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về ngành kinh doanh quốc tế chắc chắn là rất lớn.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn rất lớn của nước ta hiện nay là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về các vấn đề quốc tế nói chung và kinh doanh quốc tế nói riêng. Đây đang là một trong những bài toán khó khăn cần phải được giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Là một trong những ngành đào tạo thuộc nhóm ngành kinh doanh, vậy nên, theo thầy Huy, vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế khá đa dạng, gồm 02 nhóm chính:
Nhóm thứ nhất là tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, văn phòng đại diện, tập đoàn quốc tế, Ngân hàng: Nhân viên và cán bộ phòng kinh doanh, chuyên viên nghiên cứu thị trường, xuất nhập khẩu, kinh doanh forwarder, logistics, Marketing quốc tế, quản lý phân phối, quản trị chuỗi cung ứng, quản lý thương mại quốc tế, kinh doanh quốc tế, đầu tư quốc tế, đại diện bán hàng,...nhân viên, Cán bộ phòng thanh toán quốc tế, phòng kinh doanh trong các ngân hàng thương mại,...Qua quá trình công tác và tích lũy kinh nghiệm, người học có triển vọng trở thành giám đốc kinh doanh, giám đốc bán hàng, giám đốc chi nhánh,...và các chức danh quản lý khác;
Nhóm thứ hai là làm việc tại các sở, ban, ngành, cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp: chuyên viên các Sở, ban, ngành của nhà nước có liên quan đến hoạt động thương mại, hợp tác quốc tế, ...chuyên viên xúc tiến thương mại, tư vấn kinh doanh quốc tế, ...
Về mức lương của ngành kinh doanh quốc tế, thầy Huy cho hay, theo thống kê của VietnamSalary, ViecLam24h và các đơn vị khác, kinh doanh quốc tế là một trong những ngành có mức lương khởi điểm cao nhất.
Tuy nhiên, tùy thuộc trình độ, kinh nghiệm, vị trí làm việc, quy mô công ty mà mức lương sẽ có sự khác biệt nhất định. Theo đó, mức lương khởi điểm của nhân lực ngành kinh doanh quốc sẽ dao động từ 8 triệu đồng đến 35 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế sẽ có lợi thế là có thể làm việc các công ty FDI hoặc các tập đoàn nước ngoài với thu nhập khủng mỗi tháng.
Ngành hot nhưng vẫn chưa hút được nhiều người học
Mặc dù Kinh doanh quốc tế đang là một ngành hot, thế nhưng, theo thầy Huy, đây là một ngành mà Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2020.
Do đó, với quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 30-40 sinh viên/khóa trong thời điểm hiện tại vẫn chưa đạt được theo kỳ vọng của khoa cũng như nhà trường.
Lý giải về nguyên nhân gây ra tồn tại trên, thầy Huy bày tỏ, hiện vẫn chưa nhiều phụ huynh và học sinh biết tới ngành học mới này và cần thời gian để khẳng định thương hiệu.
Chính vì vậy, để có thể phát triển được ngành học Kinh doanh quốc tế trong thời gian tới, khoa sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường chuyên sâu kiến thức, áp dụng những phương pháp hiện đại trong giảng dạy, đặc biệt triển khai ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong việc thực hành, thực tế, làm việc tại doanh nghiệp. Vì chất lượng đào tạo chính là yếu tố quan trọng số một để phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, thầy Huy cho biết thêm, khoa cũng sẽ tăng cường đẩy mạnh quảng bá và giới thiệu ngành học tới các phụ huynh, các em học sinh và toàn xã hội.
Mặt khác, theo thầy Huy, số lượng doanh nghiệp thực sự phù hợp để hợp tác tại Thái Nguyên chưa thật sự nhiều. Do đó, tới đây, khoa cũng như nhà trường đang hướng tới việc sẽ ký kết hợp tác với các doanh nghiệp ở tỉnh bạn để cho các em sinh viên đi thực tế, thực tập tại các khu vực lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh,...; tiếp tục triển khai quyết liệt việc phối hợp cùng doanh nghiệp để đào tạo cả về mặt kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ công việc.
Việt Nam hiện đang hội nhập sâu rộng với môi trường quốc tế thông qua việc ký kết một các hiệp định thương mại đa phương và song phương trong thời gian gần đây như EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu).
Trong bối cảnh thị trường trong nước đã dần bão hòa, cạnh tranh vô cùng gắt gao, việc thâm nhập và kinh doanh tại thị trường quốc tế là hướng đi bắt buộc cho mọi doanh nghiệp. Do đó, nhu cầu nhân lực về kinh doanh quốc tế sẽ vô cùng lớn trong thời gian tới và chúng ta cần phải chuẩn bị cho điều đó.
Để làm được điều này, thầy Huy mong rằng, Chính phủ cần tích cực hơn nữa trong việc tăng cường đầu tư cho giáo dục, thực hiện tốt việc quy hoạch giáo dục đào tạo, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các cơ sở đào tạo, nhất là đối với các ngành trọng điểm. Đặc biệt, cần khẩn trương cải cách và có chính sách đặc thù về tiền lương nhằm tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Hiện nay, vấn đề giữ được người giỏi là một bài toán nan giải của các cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ sinh viên học đại học như cho vay ưu đãi, các chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp, ... nhằm thu hút người học trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, đặc biệt là đối với những ngành học trọng điểm như Kinh doanh quốc tế.
Ngoài ra, thầy Huy cũng mong rằng, nhà trường sẽ đầu tư hơn nữa cho ngành học Kinh doanh quốc tế để chương trình đào tạo này phát huy đúng với tiềm năng của ngành.