Còn tình trạng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, xu hướng 'thương mại hóa' chậm khắc phục…
Điều này được Thạc sỹ Đỗ Công Định, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh tra chỉ ra khi chủ trì Hội thảo 'Thực trạng quản lý báo chí, xuất bản và thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí, xuất bản', chiều 8/6.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp bộ “Vai trò của cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí, xuất bản" do Thạc sỹ Đỗ Công Định làm chủ nhiệm.
Trách nhiệm của các cơ quan chủ quản chưa rõ ràng
Thạc sỹ Đỗ Công Định cho biết, những năm qua, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật để cơ quan báo chí hoạt động, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện sứ mệnh cách mạng của mình ngày càng được hoàn thiện.
Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí thực hiện theo nguyên tắc “một đầu mối”, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, bảo đảm để báo chí giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm cũng được đẩy mạnh; triển khai các biện pháp kỹ thuật, tích cực đàm phán, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, phản động, sai sự thật, quảng cáo vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, việc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp cũng được các cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã triển khai đồng bộ, bài bản các giải pháp để xử lý quyết liệt tình trạng “báo hóa” tạp chí.
Bên cạnh những ưu điểm còn tồn tại nhiều hạn chế như: Quy định và quá trình thực thi pháp luật chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; Luật Báo chí có nhiều bất cập, chậm sửa đổi, bổ sung; còn “e dè” trong thực hiện các quy định tại Nghị định số 119-NĐ/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Vai trò của cơ quan quản lý hoạt động báo chí trong hỗ trợ hoạt động kinh tế báo chí chưa rõ rệt. Trong các nguồn thu của cơ quan báo chí, quảng cáo từ các doanh nghiệp/ tập đoàn chiếm phần lớn. Tuy nhiên, thị trường quảng cáo đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, tác động mạnh tới doanh thu của các cơ quan báo, đài. Trong bối cảnh này, vai trò của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý chưa thể hiện sự dẫn dắt, hỗ trợ rõ rệt đối với các hoạt động khác của cơ quan báo chí.
Trách nhiệm của các cơ quan chủ quản báo chí chưa rõ ràng. Pháp luật về báo chí đã quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, nhưng thực tế nhiều cơ quan chủ quan “khoán trắng” cho cơ quan báo chí tự hoạt động, thể hiện vai trò, trách nhiệm “mờ nhạt”. Nhiều cơ quan chủ quản báo chí buông lỏng vai trò chủ quản, chưa thực sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin cũng như đầu tư cho hoạt động của cơ quan báo chí; không có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.
Việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí, trong một số trường hợp, còn thiếu chặt chẽ, chưa coi trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, dẫn đến phản ứng, thậm chí khiếu nại, tố cáo với cơ quan chủ quản. Đặc biệt, có trường hợp người đứng đầu cơ quan báo chí mất uy tín lãnh đạo trầm trọng, nhưng cơ quan chủ quản không có phương án thay thế kịp thời.
Ngoài ra, nhiều cơ quan chủ quản chưa quan tâm nghiên cứu sâu quy định, pháp luật về công tác báo chí để chỉ đạo, định hướng cơ quan báo chí; vẫn để xảy ra tình trạng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, xu hướng “thương mại hóa” chậm khắc phục…
Đối với công tác quản lý hoạt động xuất bản, tuy có nhiều đổi mới và chủ động nhưng một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật; ý thức chấp hành báo cáo của các doanh nghiệp còn thấp, việc cung cấp số liệu chưa chuẩn xác, gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là trong điều kiện các cơ quan quản lý hạn chế về số lượng nhân sự.
Các cơ quan quản lý phải thường xuyên đôn đốc nhưng chưa có được kết quả như yêu cầu.
Một số cơ quan chủ quản chưa thực sự chú trọng giám sát hoạt động của nhà xuất bản, dẫn đến việc phát hiện và xử lý vi phạm của nhà xuất bản, đặc biệt là vi phạm nội dung xuất bản phẩm chưa kịp thời…
Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực báo chí xuất bản ngày càng được tăng cường
Về công tác thanh tra quản lý hoạt động báo chí xúat bản, Ban Chủ nhiệm cho biết, những năm qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực báo chí ngày càng được tăng cường cho thấy rõ vai trò của các cơ quan thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí.
Giai đoạn 2 năm Covid-19 diễn biến phức tạp, để phục vụ phòng chống dịch, Thanh tra Bộ TT-TT, Thanh tra ngành TT-TT và các cơ quan liên quan đã tập trung giải quyết những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm như làm rõ những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quy hoạch báo chí, tình trạng “báo hóa” tạp chí, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, những tồn tại trong quá trình tác nghiệp của phóng viên, quản lý văn phòng đại diện…
Qua thanh tra cho thấy, các cơ quan báo chí đã nghiêm túc nhận ra những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động; rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.
Các tạp chí thể hiện cụm từ “tạp chí” hoặc “tạp chí điện tử” trên giao diện trang chủ bảo đảm phù hợp với quy định, tránh gây nhầm lẫn giữa tạp chí và báo. Đồng thời, gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích.
Cơ quan chủ quản báo chí cũng nhận thấy có những buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí, cam kết sẽ chỉ đạo các tạp chí khắc phục những vi phạm, khuyết điểm đã chỉ ra và thực hiện đúng các quy định.
Cơ quan chủ quản báo chí buông lỏng quản lý, có hiện tượng giao khoán cho cơ quan báo chí (không ban hành quy chế hoạt động, không có chế độ làm việc định kỳ), thiếu kiểm tra, định hướng tuyên truyền. Khi cơ quan báo chí vi phạm, cơ quan chủ quản chưa làm hết chức trách của mình.
Đối với thanh tra trong lĩnh vực xuất bản, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật đã được nâng lên một bước, góp phần quan trọng vào đấu tranh, ngăn chặn tình trạng in lậu, phát hành sách lậu, xâm phạm bản quyền sách, bảo vệ chủ thể sáng tạo và các đơn vị xuất bản.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của nhà xuất bản của cơ quan chủ quản theo thẩm quyền được thực hiện đầy đủ, đúng quy định.
Tuy nhiên, theo Ban Chủ nhiệm, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản có lúc, có nơi còn chậm. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa có tác dụng răn đe. Một số cơ quan có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát với lực lượng mỏng, kiêm nhiệm, chồng chéo chức năng dẫn đến hạn chế về chất lượng và hiệu quả công tác...
Cho ý kiến vào chủ đề, các đại biểu đánh giá chủ đề đã mô tả thực trạng hoạt động báo chí xuất bản phong phú, đầy đặn, các số liệu cụ thể, chi tiết; đã đưa ra được quan niệm quản lý Nhà nước trong hoạt động báo chí xuất bản từ Bộ TT-TT, UBND các tỉnh, huyện và cơ quan chủ quản báo chí xuất bản; đánh giá được nhiều nội dung thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí xuất bản.
Tuy nhiên, với chủ đề “Thực trạng quản lý báo chí xuất bản và thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí xuất bản”, Ban Chủ nhiệm cần bổ sung quy định của thanh tra về lĩnh vực quản lý hoạt động báo chí xuất bản; phân tích thêm đối tượng thanh tra trong quản lý hoạt động báo chí xuất bản; bổ sung thực trạng pháp luật về hoạt động báo chí xuất bản.
Bên cạnh đó, cần đánh giá thêm nội dung thanh tra trách nhiệm cơ quan quản lý hoạt động báo chí xuất bản gồm cả các cơ quan chủ quản, nêu nổi bật hơn những cơ chế quản lý bất cập trọng pháp luật, công tác quản lý đối với hoạt động báo chí xuất bản trong thời gian quan; lồng ghép xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý và vi phạm của cơ quan báo chí (trách nhiệm, vai trò của cơ quan thanh tra được thể hiện như thế nào trong quản lý hoạt động báo chí xuất bản).
Ngoài ra, cần đánh giá thực trạng trách nhiệm các cơ quan chủ thể phía Đảng. Đồng thời, bổ sung công tác chủ động của thanh tra trong hoạt động báo chí xuất bản.
Để hoàn thiện chủ đề, Ban Chủ nhiệm cần rút ra 1 phần đánh giá chung về thanh tra trong quản lý hoạt động của cả 2 lĩnh vực báo chí xuất bản.