Còn tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần
Sáng 22/10, thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn (Bình Định), đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua mà theo ông đó là 'điều mừng', nhưng 'điều lo' đó chính là tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần, gây bất ổn trong hệ thống.
Đại biểu lo lắng lãi suất tăng cao ảnh hưởng tới sản xuất
Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, năm 2023 và một số vấn đề quan trọng khác.
“Tâm trạng của tôi với tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vừa mừng vừa lo. Mừng vì những kết quả đạt được trong 9 tháng, kinh tế sau 2 năm suy giảm bởi đại dịch đã tăng trưởng ở mức cao và vượt kế hoạch năm. Sau rất nhiều năm, kinh tế tăng trưởng vượt so với kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, kinh tế-xã hội phục hồi nhanh chóng, nhiều địa phương khởi sắc. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và các cấp được củng cố”- ĐB Lê Kim Toàn- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Định- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trải lòng.
Nhiều ĐBQH phát biểu trước đó cũng đã đồng tình đánh giá cao các kết quả đạt được trong thời gian qua. Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp tài khóa tiền tệ và các chính sách khác để đưa nền kinh tế phục hồi, kinh tế tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới, có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, theo ĐB Lê Kim Toàn, bên cạnh những điều mừng, kinh tế - xã hội đã xuất hiện nhiều khó khăn, có khó khăn trước mắt, có khó khăn tiềm ẩn lâu dài.
“Thời gian gần đây, hoạt động của hệ thống tín dụng, ngân hàng chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, như: lãi suất tăng cao (sau thời gian dài giữ ổn định); không đáp ứng nhu cầu về vốn; tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các NHTMCP chưa được xử lý dứt điểm, gây bất ổn trong hệ thống. Vừa qua, việc bắt giữ 1 doanh nhân gây tâm lý lo lắng cho xã hội, có tình trạng đổ xô vào rút tiền. Dù đã có chủ trương ngăn tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau nhưng vẫn còn, người dân lo lắng không phải là không có cơ sở”- ĐB Lê Kim Toàn nói.
Những lo lắng của vị ĐB cũng vẫn còn, như: Tỷ giá hối đoái, giá vàng tăng cao sau nhiều năm ổn định. Giá tự do của đồng đô la Mỹ tăng cao, giá vàng cũng tăng rất cao, dễ gây ra xu hướng tình trạng đô la hóa, vàng hóa tiền tệ và giữ ổn định của đồng tiền Việt Nam, ảnh hưởng lớn cho sản xuất. Tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài có xu hướng gia tăng, là dấu hiệu đáng lo lắng trong thời gian tới.
Từ tình hình tại địa phương, ĐB cho biết, sản xuất của một số ngành hàng khó khăn. Giá trị hợp đồng ký của năm nay thấp hơn nhiều so với giá trị hợp đồng các năm trước, thấp từ 30-50%. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm, giao vốn chậm, điển hình là các chương trình mục tiêu quốc gia. Mặc dù đến nay đã giao được 92%, nhưng thời gian thi công kéo dài, đội vốn.
“Tuyến đường sắt Hồ Chí Minh, vốn đội nhiều lần, thời gian tiếp tục kéo dài, chất lượng công trình kém, các đại biểu góp ý nhiều. Có những công trình đầu tư xong, chậm đưa vào sử dụng, Thủ tướng Chính phủ phải đi kiểm tra, đôn đốc, gây tình trạng lãng phí, sử dụng không hiệu quả”- ĐB Lê Kim Toàn nói.
Đảm bảo cung cầu hàng hóa, tránh lạm phát tăng cao
Thảo luận tại tổ, nhiều ĐBQH bày tỏ lo lắng về những tác động của lạm phát tới đời sống người dân.
Theo các ĐB, hiện nay có tình trạng giá cả vật liệu đầu vào tăng, một số hàng thiết yếu giá không ổn định, giá xăng dầu tăng cao, khan hiếm, gây ảnh hưởng tới sản xuất và an ninh trật tự.
ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cho biết, vẫn còn một số vấn đề bà còn trăn trở. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi, tổng cầu tăng nhanh, nhưng chiến sự Nga-Ukrainer đang làm nhiều nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.
Nữ ĐB đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần theo dõi chặt diễn biến giá cả, đặc biệt là tình hình lạm phát trên thế giới ảnh hưởng tới nước ta. Nghe điều chỉnh tăng lương, giá cả đã rục rịch tăng, do đó cần linh hoạt trong bình ổn giá, nhất là giá xăng dầu, điện và những mặt hàng thiết yếu.
ĐB Lê Kim Toàn đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh các giải pháp giữ ổn định tài chính tiền tệ, tránh gây bất ổn, gây đổ vỡ nền kinh tế và trật tự xã hội; có chính sách thuế, vốn, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm cho xã hội; có chính sách bình ổn giá thị trường, đảm bảo cung cầu, nhất là các hàng hóa dịch vụ thiết yếu, không để khan hiếm như tình trạng vừa mới xảy ra.
Ngoài ra, các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần khắc phục các bất cập về giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo an toàn trật tự xã hội; kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính, đảm bảo hoạt động hiệu lực hiệu quả, nghiên cứu xây dựng khung biên chế cho các địa phương./.
Mua sắm thuốc giải quyết không quá khó nhưng xử lý còn chậm
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, Chính phủ cần tuyên bố hết đại dịch, chuyển giai đoạn chống dịch để có những giải pháp phù hợp.
Theo ĐB, hiện các tỉnh chi một số tiền rất lớn để cho các khoản phòng chống dịch, dự phòng, nhiều thiết bị như máy thở, ecmo lọc máu cần được thống kê, tránh nơi thừa nơi thiếu, nếu không dùng sẽ hỏng nên ĐB đề nghị nên có cơ chế để chia cho các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đang rất khó khăn.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị các bệnh nhân Covid sẽ khám chữa bệnh theo bảo hiểm như các bệnh thông thường.
“Những khó khăn trong mua sắm thuốc men, tôi là giám đốc bệnh viện thấy rằng giải quyết không quá khó nhưng xử lý còn quá chậm, gây hệ lụy khôn lường. Những vướng mắc trong mua sắm chính là các quy định mới được ban hành vào năm 2020, 2021, như Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định về nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Tôi cho rằng, cần quay lại cách làm cũ, giao trực tiếp cho các đơn vị sử dụng thực hiện. Chứ như hiện nay thì bộ khó đằng bộ, sở khó đằng sở”- ĐB Nguyễn Lân Hiếu nói.
ĐB cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có quy định cụ thể, tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu để thực hiện. Có tình trạng đưa giá vào tiêu chuẩn, gây khó khăn cho các bệnh viện. Đây là vấn đề nghiêm trọng, làm suy giảm chất lượng của hệ thống y tế./.