'Con tôm ôm cây lúa' và những mô hình giúp nông dân Kiên Giang làm giàu, không còn lo bão hạn mặn
Sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, việc canh tác lúa 2 vụ/năm gần như không còn mang lại hiệu quả, người dân xã Đông Thái (An Biên, Kiên Giang) bắt đầu chuyển đổi sang mô hình 'con tôm ôm cây lúa', mang lại kết quả đầy bất ngờ.
Ông Phòng, nông dân liên kết của HTX nông nghiệp Nam Quý, xã Đông Thái, cho hay sau khi chuyển đổi sang mô hình lúa tôm, ông đưa giống lúa ST25 vào sản xuất, đồng thời tự tin đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chi phí giảm, hiệu quả kinh tế liên tục gia tăng.
Hiệu quả lúa - tôm
“Với sự hỗ trợ từ HTX, chúng tôi được doanh nghiệp bao tiêu lúa giá bình quân 8-10 nghìn đồng/kg, đổi lại, các hộ phải sản xuất theo hướng hữu cơ, không phát hiện có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo đạt tất cả các yêu cầu chỉ số theo tiêu chuẩn”, ông Phòng chia sẻ.
Vụ Đông Xuân vừa qua, theo ông Phòng, năng suất lúa trên cánh đồng lớn của HTX Nam Quý đạt bình quân 6,5-7 tấn/ha, chi phí sản xuất khoảng 9 triệu đồng, lợi nhuận đạt trên dưới 56 triệu đồng. Việc sản xuất hữu cơ cũng là cơ sở để thành viên HTX, nông dân kết hợp nuôi tôm.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, mô hình sản xuất lúa - tôm ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện An Biên, và HTX Nam Quý là một trong những “lá cờ đầu”.
Xuất phát điểm với chưa đầy 20 ha vào năm 2020, đến nay HTX đã có tổng diện tích hơn 75 ha, đồng thời trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu của hàng trăm thành viên, nông dân trong và ngoài HTX.
Từ khi đi theo hướng canh tác mô hình tôm - lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, các thành viên HTX Nam Quý đã có sự chuyển biến lớn về tư duy, tiếp cận với các thành tựu khoa học tiên tiến, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập.
Qua hơn 3 năm hoạt động, lợi nhuận của HTX Nam Quý tăng gấp 3 lần so với năm đầu triển khai. Lợi nhuận bình quân của mô hình “con tôm ôm cây lúa” hiện đạt gần 160 triệu đồng/năm, gấp 4 lần so với canh tác lúa truyền thống trước đây.
Thúc đẩy chuỗi liên kết
Không chỉ có ở An Biên, quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đang được thúc đẩy ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Điển hình như ở Giồng Riềng, mô hình lúa tôm cũng đang cho thấy những kết quả đầy tích cực, mở hướng đi mới cho hàng trăm hộ sản xuất.
2 năm qua, cứ sau vụ Đông Xuân, các thành viên HTX Thuận Lợi, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng, không cấy vụ tiếp theo như trước đây mà cải tạo ruộng triển khai mô hình nuôi tôm, cá theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm thích ứng với mùa nước lũ và xâm nhập mặn.
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc HTX Thuận Lợi, cho biết kể từ vụ Đông Xuân 2022-2023, HTX chuyển từ sản xuất lúa vụ 3 sang mô hình “Nuôi cá trên ruộng lúa, trong mùa nước lũ” trên tổng diện tích 256 ha, được huyện hỗ trợ trên 400 kg cá giống.
Hoạt động hiệu quả của HTX trở thành điểm tựa cho nhiều nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ngọc Thuận vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Anh Nguyễn Thum, người dân tộc Khmer, xã Ngọc Thuận, chia sẻ so với trước đây, năng suất lúa hiện tại tăng gần 1 tấn/ha, giá bán tăng 1-3 nghìn đồng/kg, lợi nhuận theo đó tăng gần gấp đôi, do chi phí sản xuất giảm.
“Giờ chúng tôi chỉ trồng 2 vụ lúa, vụ thứ 3 chuyển sang nuôi cá, hiệu quả rất cao. 2 năm qua, mỗi năm tôi thu về từ 30 – 40 triệu đồng từ nuôi cá, cộng với lợi nhuận từ 2 vụ lúa, mỗi năm lời trên dưới 200 triệu đồng”, anh Thum phấn khởi nói.
Theo tìm hiểu, mô hình “Nuôi cá trên ruộng lúa, trong mùa nước lũ” được huyện Giồng Riềng triển khai thực hiện trên diện tích 500ha, tại 19 xã, thị trấn. Các hộ nuôi được hỗ trợ một phần kinh phí, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt
Giồng Riềng là huyện thuần nông, nằm ở vùng Tây Sông Hậu của tỉnh Kiên Giang. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... đời sống người nông dân, đặc biệt là người nông dân dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện.
Đáng chú ý, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, huyện đã thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, trong đó có thúc đẩy vai trò của HTX, tổ hợp tác, quá đó hình thành chuỗi liên kết, nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân.
Đa dạng cây trồng, vật nuôi
Có thể thấy, mô hình canh tác lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm, cá, đang trở thành điểm nhấn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở Kiên Giang. Tuy nhiên, bên cạnh lúa tôm, lúa cá, nhiều mô hình khác cũng tạo được chuyển biến mạnh mẽ và cho hiệu quả cao.
Đơn cử, ở xã Thuận Yên, TP. Hà Tiên, những ngày này đang vào vụ thu hoạch thanh trà. Toàn xã hiện có hơn 100 hộ dân trồng loại cây này, tập trung ở hai ấp Xoa Ảo và Hòa Phầu. Vụ thanh trà kéo dài trong tháng 4 và tháng 5.
Có hơn 30 năm trồng cây thanh trà, theo ông Trịnh Quốc Toản, ngụ ấp Xoa Ảo, xã Thuận Yên, việc chăm sóc cây thanh trà không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Mùa xuân, cây thanh trà ra hoa trắng muốt, tỏa hương thơm dịu nhẹ, thu hút ong bướm. Khi hoa tàn, thanh trà kết trái và chuyển sang màu vàng ươm khi chín. Cây thanh trà ưa khí hậu ấm áp, nhiều nắng và phát triển tốt trên các loại đất thịt pha cát.
“Việc tưới nước, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cần được thực hiện thường xuyên để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh và ra trái tốt. Năm nay, thanh trà có giá, thương lái đến tận vườn thu mua giá 120-150 nghìn đồng/kg. Nhà có ít thì thu 20-30 triệu đồng, nhiều thì lên tới vài trăm triệu”, ông Toản hồ hởi nói.
Có thể thấy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ, quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại Kiên Giang những năm qua vẫn cho thấy hiệu quả tích cực. Cùng với cây lúa, các nhóm cây trồng như rau - quả thực phẩm, cây ăn trái,… trên địa bàn tỉnh cũng mang lại giá trị ổn định.
Trong thời gian tới, để khai thác tối đa tiềm năng, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh tiếp tục chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy phát triển “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất theo cơ chế và nhu cầu thị trường, chú trọng về chất lượng và giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, hướng tới nâng cao thu nhập, làm giàu bền vững cho người dân.