Con trai mua tiết lợn dàn dựng bị bắt cóc, tống tiền mẹ có phạm tội cưỡng đoạt tài sản?

Liên quan đến vụ con trai mua tiết lợn cùng người yêu bịa đặt, dàn dựng việc bị bắt cóc để tống tiền mẹ đẻ, theo các chuyên gia pháp lý, hành vi này có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù.

Như ANTĐ đã đưa tin, Đ.M.H (SN 1988, trú tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) do không có công việc ổn định nên xin gia đình đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Ngày 12-9, H vay mẹ là bà P.T.M 50 triệu đồng để nộp phí nhưng bị từ chối. Do đó, H đã bàn với bạn gái là P mua tiết lợn bôi lên đầu rồi giả như bị trói và đánh đập dẫn đến chảy máu đầu. Sau đó P chụp ảnh H gửi cho bà M và dựng chuyện H bị chủ nợ bắt giữ, hành hung và đòi 130 triệu đồng để chuộc.

Bà M sau đó đã trình báo vụ việc với Công an huyện Ba Vì. Kết quả xác minh ban đầu của cơ quan công an cho thấy, H và P đã dựng hiện trường giả để tống tiền bà M. Hiện Công an huyện Ba Vì đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý 2 cá nhân về hành vi này.

Bát tiết lợn - dụng cụ "hóa trang" của D.M.H

Bát tiết lợn - dụng cụ "hóa trang" của D.M.H

Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, dù việc bị bắt giữ, hành hung là dàn dựng, song nó được sử dụng để đe dọa uy hiếp tinh thần của người mẹ nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi có dấu hiệu cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS 2015.

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, hành vi này thực hiện do lỗi cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác. Nó được hiểu là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo Khoản 1 Điều 170, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc của tội phạm này. Nếu người phạm tội chưa gây ra hậu quả nhưng chỉ cần có ý thức chiếm đoạt tài sản, đồng thời đã có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác để buộc người quản lý tài sản giao tài sản thì khi đó tội phạm đã hoàn thành.

Điều này cũng có nghĩa, người thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản chỉ cần có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để uy hiếp nhằm chiếm đoạt tài sản đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản mà không cần xác định số tiền người này chiếm đoạt được là bao nhiêu hay thậm chí là đã lấy được tài sản chưa.

Trường hợp gây ra hậu quả thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt từ 1-20 năm tù - Luật sư Thanh Hà nhấn mạnh.

Với vụ việc trên, cơ quan điều tra tiến hành xác minh và nếu có đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Với Tội cưỡng đoạt tài sản, việc cơ quan điều tra tiến hành khởi tố sẽ không bị ảnh hưởng nếu người bị hại (người mẹ) có yêu cầu hủy tố cáo.

Bên cạnh đó, thông tin ban đầu cho thấy, H và P đã có sự bàn bạc, nên cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng này có tổ chức hay không? Bởi theo Khoản 2 Điều 170, trường hợp phạm tội cưỡng đoạt tài sản có tổ chức sẽ bị phạt tù từ 3-10 năm.

Ở góc độ đạo đức, Luật sư Thanh Hà cho rằng, hành vi của người con dàn dựng việc bị bắt cóc để tống tiền mẹ ruột là rất đáng trách, cần bị lên án. Đây cũng là bài học đắt giá cho những cá nhân còn trẻ nhưng lười lao động, thiếu hiểu biết và coi thường pháp luật.

L.H

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/con-trai-mua-tiet-lon-dan-dung-bi-bat-coc-tong-tien-me-co-pham-toi-cuong-doat-tai-san-post517773.antd