Con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể lại nỗi đau trong 100 ngày mất cả bố lẫn mẹ
Gần 6 năm kể từ khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời, con trai ông – nhạc sĩ Phan Hồng Hà vẫn nghẹn ngào xúc động khi nhớ lại nỗi mất mát lớn lao này. Nỗi đau còn nhân đôi với những người ở lại khi người bạn đời của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sau đó đúng 100 ngày cũng vĩnh viễn ra đi.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924, mất năm 2015, được biết đến là một trong những tên tuổi hàng đầu của dòng nhạc Cách mạng và nhạc trữ tình Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Ông còn được mệnh danh là “con chim vàng của nền nhạc Việt” với rất nhiều sáng tác có sức sống vượt thời gian như: Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương…Những năm tháng cuối đời, vị nhạc sĩ gạo cội vẫn miệt mài dành trọn thời gian và cảm hứng sáng tác cho nghệ thuật.
6 năm kể từ ngày nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời, mới đây xuất hiện trong buổi ghi hình một chương trình talkshow, con trai ông – nhạc sĩ Phan Hồng Hà nghẹn ngào hồi tưởng về những ký ức và kỷ niệm không thể nào phai về người cha vĩ đại, cũng là bậc tiền bối trong sự nghiệp sáng tác của anh. Nhạc sĩ Phan Hồng Hà thẳng thắn bày tỏ, anh rất tự hào về bậc thân sinh ra mình và luôn dành cho ông sự ngưỡng mộ tuyệt đối, thế nên trong công việc anh luôn xác định phải “xách dép” chạy theo ông.
Con trai của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể, cha anh viết nhạc từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ đến khoảng thời gian xây dựng đất nước khi hòa bình trở lại. Một điểm dễ nhận thấy ở những sáng tác của ông là dù viết nhạc ở thời kỳ nào, âm nhạc của ông vẫn luôn thấm đẫm chất trữ tình, ngay cả khi viết về tình cảm lứa đôi thì vẫn gắn liền với tình yêu Tổ quốc và vận mệnh đất nước.
Trong đó nổi bật nhất vẫn là tình yêu con người và yêu cuộc sống. Sau này khi anh nối nghiệp cha, học nhạc và sáng tác, lần đầu tiên anh đưa bài hát mà mình viết cho ông xem nhưng không dám đứng lại chờ nghe ông góp ý mà vội chạy đi ngay. Một tuần sau, ông gọi anh lên và chỉnh sửa lại bài hát. Tới giờ anh vẫn giữ bản thảo và những bút tích của bản sửa này. Có lẽ cũng bởi cái bóng của người cha quá lớn nên phải đến hơn 40 tuổi, anh mới dám mon men bước trên con đường sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp.
Nói thêm về các sáng tác của cha mình, nhạc sĩ Phan Hồng Hà tâm sự, mỗi ca khúc được bậc thân sinh của anh viết ra đều gắn với một câu chuyện rất đời thực. Trong đó, anh nhớ nhất là câu chuyện làm nên sáng tác “Những ánh sao đêm” mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết vào khoảng năm 1962-1963, khi đất nước vẫn còn chia cắt hai miền Nam – Bắc. Lúc bấy giờ, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đang sống trong khu tập thể của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hà Nội và mỗi tối thì mọi người lại rủ nhau lên sân thượng để ngắm nhìn phố xa. Nhìn những ánh sáng chớp nhoáng từ tia lửa hàn phát ra từ khu tập thể Kim Liên đang được xây dựng ở phía đối diện, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bất chợt có cảm hứng viết nên những ca từ và giai điệu đầu tiên của “Những ánh sao đêm”, lồng ghép vào đó là cảm xúc của những người con xa quê luôn mơ một ngày được trở về để xây dựng miền Nam.
Nhắc đến tổ ấm bình dị, giản đơn mà giàu tình cảm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người con trai của ông kể, năm 1945 ông đi theo Cách mạng và sau đó khoảng 2 năm thì về dạy học tại một ngôi trường ở Quảng Ngãi. Tại đây, ông đã gặp người con gái mà sau mà trở thành bạn đời của mình – một cô học trò theo học tại trường. Nhạc sĩ Phan Hồng Hà chia sẻ, sau nhiều năm gắn bó thì chuyện tình cảm của bố mẹ anh tiến đến cái kết có hậu là cuộc hôn nhân vào năm 1949 tại Quảng Ngãi. Cũng theo nhạc sĩ Phan Hồng Hà, khi cha anh quay trở lại chiến trường vào năm 1964 thì mẹ anh ở nhà một mình nuôi dạy 4 người con nhỏ. Khoảng cách giữa tiền tuyến và hậu phương được nối liền bằng những lá thư tay khi đều đặn hàng tháng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đều viết thư gửi về cho vợ con ở nhà. Đến năm 1970 thì ông trở về đoàn tụ cùng với gia đình. Nhạc sĩ Phan Hồng Hà tiết lộ, khi các con khôn lớn trưởng thành thì cha mẹ anh không sống cùng với ai cả nhưng vẫn luôn dõi theo chặng đường của từng người con. Không chỉ dành sự ngưỡng mộ tuyệt đối cho người cha của mình, nhạc sĩ Phan Hồng Hà còn rất kính nể mẹ bởi trong mắt anh, bà là người phụ nữ tuyệt vời, luôn thể hiện nét tính cách người phụ nữ Việt Nam, yêu thương, san sẻ, chăm sóc chồng con.
“Tôi thường nhớ chất giọng Quảng Nam của cha, tính cách hài hước, hòa đồng, dù phải đối diện với những khoảnh khắc khó khăn nhưng ông luôn khiến mọi người xung quanh thoải mái bởi sự tươi vui, lạc quan”- nhạc sĩ Phan Hồng Hà chia sẻ.
Nhạc sĩ Phan Hồng Hà nghẹn ngào nhớ lại, cha anh qua đời vào tháng 6-2015 vì tuổi cao sức yếu. Khi ấy, mẹ anh đang bị bệnh về huyết áp và tai biến liệt nửa người. Vì thế mọi người trong gia đình sau khi bàn bạc với nhau đã quyết định giấu bà về sự qua đời của ông. Tuy nhiên, thời điểm nhìn thấy các con trở về đông đủ, trong đó có cả người con trai đang ở Đức cũng có mặt thì bà đã òa khóc vì đoán ra ông đã ra đi. Sau khi được các con đưa ra tang lễ của chồng, bà chỉ im lặng, không nói năng gì, thậm chí đến khi đưa ông đi hỏa táng bà cũng không khóc nổi. Sự im lặng trong vô vọng ấy kéo dài đến đúng dịp cúng 100 ngày nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mất, bỗng dưng bà rất vui, phấn khởi trò chuyện cùng mọi người, khiến các con cứ ngỡ rằng bà đã khỏe hơn. Không ngờ chỉ đến trưa hôm sau thì bà cũng vĩnh viễn ra đi.
“Từ năm 1949, khi ông bà gặp nhau cho đến khi ông mất, rồi 100 ngày sau bà cũng ra đi theo ông, tôi nghĩ tình cảm ông bà dành cho nhau quá lớn, đến mức chẳng thể chia lìa được. Đó là số phận, là định mệnh gắn cuộc đời của ông bà với nhau” - nhạc sĩ Phan Hồng Hà nghẹn ngào tâm sự.