Con trai Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Quân đội là môi trường để rèn luyện con người

Con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gia nhập quân đội từ khi 15 tuổi. Vào chiến trường, ông sống cuộc đời người lính gian khổ, từng trải qua lằn ranh giữa cái sống và cái chết.

Dấu mốc kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam là dịp để mỗi người nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của một đội quân anh hùng của một dân tộc anh hùng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; một lực lượng chính trị đặc biệt, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Mới đây, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Hà Nội) đã công bố khối tài liệu lưu trữ mới được giải mật liên quan đến quá trình thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Có mặt tại buổi công bố tư liệu, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rưng rưng xúc động, ngón tay ông cẩn thận đưa theo nét chữ ký của cố Thủ tướng trên các văn bản quan trọng về tổ chức bộ máy, cán bộ Bộ Quốc phòng và việc gọi tên Quân đội Nhân dân Việt Nam…

Cần phát huy giá trị tài liệu lưu trữ

- Thưa Thiếu tướng, tiếp cận các tài liệu liên quan đến Quân đội Nhân dân Việt Nam hôm nay, đặc biệt là các tài liệu có bút tích, chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông có cảm xúc như thế nào?

 Những văn bản có chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Những văn bản có chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương: Trước tiên là tôi rất xúc động khi nhìn thấy chữ ký của ba tôi. Trong suốt nhiều năm, chữ ký của ông không thay đổi, duy chỉ có sau này khi mắt kém đi thì nét chữ có hơi nghuệch đi một chút nhưng về cơ bản thì ông vẫn ký như thời trẻ.

Thứ hai, tôi xúc động khi được tiếp cận những tư liệu gốc rất quý giá. Mặc dù tôi gắn bó lâu năm trong quân đội, từng là Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tiếp cận các văn bản này.

Có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố mà cơ quan lưu trữ phải mất nhiều năm để giải mật. Các tài liệu chứa đựng những thông tin tin cậy về quá trình thành lập, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, chính sách quốc phòng và chặng đường dài phát triển của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong số đó phải kể đến: Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tháng 12/1944; Diễn văn của đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đọc ngày 22/12/1944 trong khu rừng Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám nhân ngày thành lập Đội giải phóng quân đầu tiên; hay Công văn số 400-TTg ngày 23/9/1954 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc gọi tên Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là “Quân đội Nhân dân Việt Nam.”

Trước đây, tôi đã được tiếp cận nội dung nhiều văn bản nhưng chỉ là trích dẫn lại từ tài liệu khác. Khi xem các tài liệu gốc, tôi có cảm giác rất khác. Đó là sự trân trọng và tin cậy tuyệt đối về tính chính xác của văn bản.

- Theo ông, việc công bố, giới thiệu khối tài liệu này có ý nghĩa như thế nào trong công tác giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc?

- Theo ông, việc công bố, giới thiệu khối tài liệu này có ý nghĩa như thế nào trong công tác giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc?

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương: Việc công bố các tài liệu lưu trữ rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh lan truyền thông tin dễ dàng nhưng cũng rất dễ “tam sao thất bản” hiện nay, có không ít thông tin chưa chính xác về Quân đội Nhân dân.

Các văn bản trước đây rất ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, phù hợp tình hình bối cảnh lịch sử lúc đó. Đây là cách soạn thảo văn bản mà chúng ta cần học tập.

Theo tôi, các cơ quan liên quan cần phát huy giá trị để các tư liệu, tài liệu này đi vào cuộc sống, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, vừa nghiên cứu lịch sử, vừa giáo dục truyền thống cách mạng.

 Thiếu tướng Phạm Sơn Dương chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

- Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ở địa điểm mới đã thu hút rất đông khách tham quan, trong đó có nhiều người trẻ. Có thể thấy rằng họ vẫn rất quan tâm và yêu lịch sử nước nhà. Qua đây, ông có gợi ý nào về cách trưng bày, giới thiệu tư liệu, hiện vật để có thể kể câu chuyện về lịch sử một cách hấp dẫn giới trẻ?

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương: Tôi nghĩ là phải kết hợp giữa trưng bày và thuyết minh thông tin. Hiện nay, người trẻ thường sử dụng Internet, vậy chúng ta phải có một trang thông tin lịch sử thật chính thống, chính xác để cung cấp những tài liệu lịch sử, để người xem không lẫn lộn, phân vân giữa nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Ngày trước, tôi rất thích xem báo, nghe đài. Ngày nay, các bạn trẻ thường xem Facebook, TikTok, ở đó có nhiều thông tin sai, rất nguy hiểm về mặt tư tưởng. Do đó, chúng ta cần một nguồn thông tin chính thống, chuẩn mực để người dân có thể kiểm chứng.

Một lịch sử hào hùng - một đội quân anh hùng

- Dù là con trai Thủ tướng, có nhiều cơ hội đi học nước ngoài nhưng ông lại vào quân đội khi mới 15 tuổi và gắn bó với quân đội trong suốt cuộc đời mình. Xin ông chia sẻ lý do vì sao như vậy?

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương: Lớn lên trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, tôi cũng như bao thanh thiếu niên cùng thời rất mong muốn chiến đấu vì Tổ quốc. Ba tôi thấu hiểu và rất ủng hộ nguyện vọng của tôi, cho tôi vào trường thiếu sinh quân từ năm 15 tuổi, rồi theo học Trường Quân chính quân khu Tả Ngạn.

Tôi nhập ngũ và về Bộ tư lệnh Thông tin, Viện Kỹ thuật quân sự (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự).

 Một số tài liệu lưu trữ về Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Một số tài liệu lưu trữ về Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Khi cả nước tổng lực cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tôi muốn ra chiến trường cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc nhưng vì tôi là con một, theo quy định phải có ý kiến của gia đình.

Tôi xin phép ba theo đoàn công tác đầu tiên của Viện Kỹ thuật Quân sự vào chiến trường và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết lá thư giới thiệu, cho người con trai duy nhất của mình đi B2.

“Môi trường quân đội là môi trường tốt nhất để rèn luyện con người,” tôi nhớ mãi lời ba tôi dạy như vậy.

- Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành nhiều tình cảm và sự quan tâm cho quân đội. Có những phẩm chất, tính cách nào của cố Thủ tướng đã ảnh hưởng đến phẩm chất người lính của Thiếu tướng Phạm Sơn Dương?

 Thiếu tướng Phạm Sơn Dương xúc động xem các tài liệu có chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương xúc động xem các tài liệu có chữ ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương: Sẽ thật là chủ quan và không thỏa đáng nếu tôi nói về tính cách, phẩm chất của bản thân mình. Tôi chỉ chia sẻ thế này.

Trước khi qua đời, ba tôi nói: “Ba không có tài sản gì để lại cho con. Ba chỉ để lại một sự nghiệp để tiếp tục. Ba yêu cầu con chăm sóc má con, chăm lo dạy bảo các con của con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, xứng đáng là người sỹ quan của quân đội ta.”

Đức tính chân thực, tận tụy, bình dị và hết mực yêu thương nhân dân của cha tôi đã luôn thôi thúc và ảnh hưởng lớn đến nhân cách của tôi.

Vào chiến trường, sống cuộc đời người lính gian khổ, từng trải qua lằn ranh giữa cái sống và cái chết, từng ngủ trên bãi mìn mà không hề hay biết, nhưng tôi thấy cuộc sống-cái chết thật nhẹ nhàng.

Kỷ niệm thì có rất nhiều nhưng tôi nhớ nhất là tình cảm chân thành giữa những người lính với nhau. Tôi có những người bạn trên khắp cả nước, đi đâu tôi cũng có bạn bè. Những người bạn khi gặp nhau lại ôn kỷ niệm quân ngũ, đều rất vui và xúc động.

- Ở dấu mốc lịch sử 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông có suy nghĩ như thế nào về đội quân cách mạng của dân tộc ta?

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương: Tôi cho rằng Việt Nam có một lịch sử hào hùng và có một đội quân anh hùng. Có thể nói chiến tranh đã tôi luyện con người để những người lính có nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh chiến đấu và có lý tưởng hy sinh cao đẹp.

Chúng ta chiến đấu với kẻ địch có tiềm lực quân sự lớn hơn rất nhiều mà vẫn đánh thắng. Đó không phải là sự tương quan lực lượng mà là sức mạnh tinh thần, ý chí và sự sáng tạo của quân đội ta trong cách đánh. Tất nhiên để có được thành quả đó là phải có sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, cùng với tinh thần quyết chiến-quyết thắng của Bác Hồ, của Trung ương và quân dân ta. Đó là bài học sâu sắc cho thế hệ ngày hôm nay.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/con-trai-thu-tuong-pham-van-dong-quan-doi-la-moi-truong-de-ren-luyen-con-nguoi-post1003391.vnp