Con trai tướng Hoàng Đan: Ba từng đạp xe 1.300km để về xin cưới vợ

Trước chiến dịch Thượng Lào, tướng Hoàng Đan đã xin rời đơn vị rồi đạp xe 1.300km từ Điện Biên về Nghệ An để gặp và xin cưới bà An Vinh

“Tình yêu của ba mẹ tôi, một người lính và một người cán bộ cách mạng là một tình yêu chung của cả thế hệ”- ông Hoàng Nam Tiến, con trai của tướng Hoàng Đan, tác giả cuốn sách Thư cho em, nói ngày 13-4.

Cuộc tình kéo dài hơn 40 năm

Thư cho em kể lại cuộc tình kéo dài hơn 40 năm của thiếu tướng Hoàng Đan – một trong những tướng nổi bật của Quân đội Nhân dân Việt Nam và vợ ông là bà An Vinh – nữ đại biểu Quốc hội những khóa đầu.

Tác phẩm bắt đầu bằng lời kể của tác giả Hoàng Nam Tiến về sự kiện tướng Hoàng Đan qua đời vào năm 2003. Mẹ của tác giả, bà An Vinh yêu cầu Hoàng Nam Tiến xếp đặt để những bức thư và nhật ký của hai ông bà sẽ đi theo ông Hoàng Đan về thế giới bên kia.

 Tác giả Hoàng Nam Tiến (giữa), con trai út của tướng Hoàng Đan chia sẻ về cuốn sách. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Tác giả Hoàng Nam Tiến (giữa), con trai út của tướng Hoàng Đan chia sẻ về cuốn sách. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Hoàng Nam Tiến đã “to gan trái lời mẹ” giữ lại thư từ của ba mẹ trong suốt 50 năm, từ những năm 1953, thuở mới quen, cho đến quãng thời gian sau này. Qua nhiều ngày tháng, mỗi lần đọc thư, hiểu về tình cảm ba mẹ, cùng với những ký ức về ba mẹ, tác giả đã cảm thấy nỗi thôi thúc phải viết xuống cuốn sách này.

“Khi ba mẹ đi xa, những đứa con có thể xây mộ cho ba mẹ mình, làm nhà thờ cho ba mẹ mình, dồn tiền cúng kiếng cho ba mẹ… tôi cũng làm tất cả việc đấy. Ba tôi mất, tôi đã xây một ngôi trường cho xã nhà, mẹ mất, tôi dồn tiền tặng phòng máy tính cho lớp học. Tôi muốn làm điều hơn thế nữa, và cuốn sách Thư cho em ra đời- tác giả Hoàng Nam Tiến nói.

Tự nhận mình là một người văn rất kém, ông Hoàng Nam Tiến bày tỏ: “Đây là cuốn sách đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi”.

Thư cho em đưa người đọc lên chuyến du hành thời gian quay về những năm đạn lửa của thế kỷ 20, khi cả nước đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vì chiến tranh, thời gian bên nhau của hai người rất ít ỏi.

 Những lá thư của tướng Hoàng Đan và vợ được gia đình tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Những lá thư của tướng Hoàng Đan và vợ được gia đình tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Trong khi vị tướng chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt, người vợ ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và phấn đấu vì sự nghiệp. Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi, cặp vợ chồng chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau.

Tháng 5-1954 kết thúc đánh Pháp, anh về cưới em. Nếu năm nay kết thúc chiến tranh, anh về sống bên em thì đúng mười tám năm em nhỉ. Mười tám năm xa nhau để làm nhiệm vụ đánh Mỹ. Xa nhau bao thương nhớ, nhưng nếu thắng lợi thì sự hy sinh đó cũng xứng đáng.

Anh vẫn khỏe, năm nay chiến đấu liên tục. Khá căng thẳng nhưng anh vẫn chịu đựng được..." (Thư ông Hoàng Đan gửi vợ An Vinh, cuối tháng 8-1972)

Những lá thư kéo dài qua bao dấu mốc lịch sử của dân tộc: chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Quảng Trị năm 1972, Sài Gòn năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, năm 1884... Những lá thư ấy cũng trở thành sợi dây buộc chặt tình yêu của hai người.

Câu chuyện của tướng Hoàng Đan và bà An Vinh vì vậy không chỉ là chuyện của một đôi trai gái, một đôi vợ chồng, mà là tình yêu của cả một thế hệ, một thời kỳ của đất nước.

Lùi lại gần một thế kỷ, nhịp bước của tình yêu cũng chậm lại với những ngày xa cách đằng đẵng của đôi trẻ, thời buổi không có phương tiện liên lạc gì ngoài những bức thư, những lần gặp mặt trực tiếp ít ỏi… giữa những khoảng thời gian ấy là nhớ thương vời vợi.

Vì vậy, người đọc được dịp chậm lại cùng tác giả, đi qua những ngày nỗi nhớ gieo mầm, nảy nở, tình cảm của hai nhân vật được bồi đắp qua những dòng thư tay, theo năm tháng đầy những mong chờ và lãng mạn dịu êm.

Tin rằng tình yêu có thật

Tác giả Hoàng Nam Tiến kể lại rằng trước chiến dịch Thượng Lào, ba ông đã xin rời đơn vị rồi đạp xe 1.300km từ Điện Biên về Nghệ An để gặp và xin cưới mẹ ông. Tuy nhiên, bà An Vinh đã từ chối vì lo rằng nếu đám cưới diễn ra bà phải sinh con, phải về quê.

 Khi từ đơn vị về xin cưới vợ, tướng Hoàng Đan đã đạp chiếc xe tương tự chiếc xe đạp này. Ảnh: VIẾT THỊNH.

Khi từ đơn vị về xin cưới vợ, tướng Hoàng Đan đã đạp chiếc xe tương tự chiếc xe đạp này. Ảnh: VIẾT THỊNH.

“Em sẵn sàng việc đó nhưng em không muốn thế”- bà nói. Theo ông Hoàng Nam Tiến, sau đám cưới, ba đêm tân hôn, tướng Hoàng Đan thức trắng, chỉ cầm tay vợ nói chuyện. “Ba tôi đã giữ lời cam kết ấy cho đến năm 1958, khi mẹ tôi được Chính phủ hợp lý hóa cho chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội, lúc đó anh tôi mới ra đời”- ông Tiến kể.

Tác giả cho biết khi đọc những bức thư, chính bản thân ông đã tìm thấy rất nhiều bài học từ tình yêu của ba mẹ. Đó là sự lắng nghe, thấu hiểu, là sự đồng hành sẻ chia, tình yêu là điểm tựa chắp cánh giúp ta hoàn thiện mình và vượt qua gian khó.

“Bởi vì đó là tình yêu thật sự, vì vậy nó thể sống cùng thời gian, thử thách. Nó có thể tồn tại ở những thể khác nhau nhưng nó vẫn là tình yêu. Giá mà tôi được đọc thư ba mẹ sớm hơn thì có lẽ tôi đã tránh được rất nhiều sai lầm và nỗi đau trong cuộc sống…

Tôi viết để lại một kỷ niệm cho mình, cho gia đình, và tôi viết để hiểu thêm về tình yêu. Tôi mong độc giả, nhất là các bạn trẻ, tin rằng tình yêu có thật.”- ông Tiến bày tỏ.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/con-trai-tuong-hoang-dan-ba-tung-dap-xe-1300km-de-ve-xin-cuoi-vo-post785448.html