Con trai xin bảo lĩnh, bà Nguyễn Phương Hằng có được tại ngoại?
Theo luật sư, cần ít nhất 2 người đứng ra nhận bảo lĩnh cho bà Phương Hằng. Sau đó, cơ quan tố tụng sẽ xem xét nhân thân, lý lịch bị can để cân nhắc thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Ông Nguyễn Quang Tuấn (32 tuổi, con trai bị can Nguyễn Phương Hằng) đã làm đơn gửi các cơ quan tố tụng ở TP.HCM để xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt đồng thời xin bảo lĩnh cho mẹ được tại ngoại.
Lý do ông Tuấn đưa ra là bà Hằng có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội, đặc biệt ở giai đoạn đại dịch Covid-19. Ngoài ra, bà Hằng đang trong thời gian chữa bệnh. Ông Tuấn xin cho mẹ được tại ngoại để điều trị bệnh cho đến khi kết thúc vụ án.
Theo quy định của pháp luật, bà Hằng có cơ hội được tại ngoại trong trường hợp này không?
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hãng Luật Hưng Yên) cho biết bảo lĩnh là một trong số các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bên cạnh các biện pháp khác là giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh.
Điều 121 Bộ luật này quy định bảo lĩnh là một biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, VKS, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
Như vậy, biện pháp bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam và chỉ áp dụng đối với bị can hoặc bị cáo sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Biện pháp này được áp dụng căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của của bị can, bị cáo.
"Trong thực tế, biện pháp này thường được áp dụng đối với bị can, bị cáo thuộc trường hợp như có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ thành khẩn khai báo hoặc bị can, bị cáo phạm tội có tính chất nguy hiểm cao nhưng bị ốm đau, bệnh tật nặng... Đây sẽ là các yếu tố để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo trong vụ án", luật sư phân tích.
Nói về những cá nhân, tổ chức có quyền bảo lĩnh cho người bị tạm giam, ông Quynh cho biết cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Về phía cá nhân, những người từ đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trường hợp này, phải có ít nhất 2 người đứng ra bảo lĩnh.
Ngoài ra, Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ với họ gồm vợ, chồng; bố mẹ đẻ; bố mẹ chồng; bố mẹ vợ; bố mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; ông bà nội; ông bà ngoại; anh chị em ruột; cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
Ông Quynh đánh giá việc con trai nộp đơn xin bảo lĩnh cho bà Phương Hằng là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, để bà Hằng có thể được áp dụng biện pháp bảo lĩnh, cần thêm ít nhất một người thuộc nhóm "người thân thích" đứng ra bảo lĩnh cho bị can.
Luật sư Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway) cũng nhìn nhận biện pháp bảo lĩnh có thể được áp dụng thay thế cho tạm giam có thể được áp dụng sau khi cơ quan tố tụng xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can. Việc thực hiện biện pháp ngăn chặn này được hướng dẫn bởi Điều 21 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP của VKSND Tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Trường hợp cơ quan điều tra quyết định cho bị can được bảo lĩnh thì ngay sau khi ra quyết định, cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi VKS cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn. Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan công an mà cụ thể là Công an TP.HCM có quyền ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bà Hằng nếu xét thấy có thể áp dụng. Quyết định này phải được VKSND TP.HCM phê chuẩn.
Nếu biện pháp bảo lĩnh được chấp thuận, bị can sẽ được tại ngoại. Người đứng ra bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.
Trong giấy cam đoan, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can vi phạm các nghĩa vụ như có mặt theo giấy triệu tập; không bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hay không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật liên quan tới vụ án...
Nói thêm về việc người bị tạm giam được tại ngoại, ông Thắng cho biết theo quy định của pháp luật hình sự, bên cạnh biện pháp bảo lĩnh, 2 biện pháp ngăn chặn khác cũng có thể được áp dụng để thay thế cho tạm giam là đặt tiền để bảo đảm và cấm đi khỏi nơi cư trú.