Con trâu và văn hóa châu Á

Trong văn hóa đại chúng, hình tượng con trâu phổ biến và gắn bó với cuộc sống người dân phương Đông, đặt biệt là khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Con trâu là một trong 12 con giáp, gọi là Sửu, đứng ở vị trí thứ 2, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (gồm: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn), có vai trò cực kỳ quan trọng trong nông nghiệp lúa nước.

Vật sở hữu giá trị nhất

Ở Việt Nam, trâu thường là vật sở hữu giá trị nhất của người nông dân. Chúng được coi như một thành viên trong gia đình. Có câu: “Chồng cày, vợ gieo, trâu kéo cày là bạn của con”. Trâu đã trở thành linh vật của SEA Games 22 năm 2003 và hình tượng trâu vàng từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam. Hình ảnh con trâu kéo cày trên ruộng đồng trồng lúa, đứng gặm cỏ hay đầm mình trong vũng ao hồ nước luôn quen thuộc, gợi lên cảm giác thanh bình của miền quê Việt Nam.

Trâu cũng hiện diện trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam như truyện “Trí khôn của ta đây”. Tượng trâu bằng đất nung được giới khảo cổ học tìm thấy trong di chỉ Đồng Đậu cách đây hơn 3.000 năm. Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ. Nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng ở buổi đầu dựng nước. Truyền thuyết ở Việt Nam có sự tích hồ Trâu Vàng là Hồ Tây ở Thủ đô Hà Nội…

Môn thể thao yêu thích của người Minangkabau ở Tây Sumatra, Indonesia là chọi trâu.

Môn thể thao yêu thích của người Minangkabau ở Tây Sumatra, Indonesia là chọi trâu.

Trong các lĩnh vực nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, phim ảnh, hình tượng con trâu cũng luôn được nhắc đến như biểu tượng cho sức khỏe và sự chăm chỉ. Đặc biệt, năm 2006, khi bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh mang tên “Mùa len trâu” (Buffalo Boy) giành thêm một giải thưởng quốc tế tại Liên hoan phim Palm Springs (California, Mỹ), thì hình ảnh và quan niệm về con trâu ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của công chúng thế giới.

Nghệ sĩ Bruce Newman đã viết trên tờ San Jose Mercury News như sau: "Nước ở khắp mọi nơi trong phim “Mùa len trâu” - một câu chuyện về tuổi mới lớn dựa trên tuyển tập truyện ngắn "Hương rừng Cà Mau" của nhà văn Sơn Nam. Đối với bất kỳ ai chưa quen với cuộc sống ở nông thôn Việt Nam thời Pháp thuộc, những cảnh mở đầu của phim có vẻ gần như hài hước, với tất cả những cuộc thảo luận nghiêm túc giữa hai cha con về sức khỏe và hạnh phúc của hai con trâu nước trong gia đình. Nhưng họ không đùa đâu. Những con trâu đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của họ và là “vật kéo” trong nền kinh tế tự cung tự cấp”.

Lễ hiến tế linh thiêng

Một số dân tộc thiểu số như Batak và Toraja ở Indonesia và Độc Long ở Trung Quốc sử dụng trâu nước hoặc kerbau (được gọi là horbo ở Batak hoặc tedong ở Toraja) làm động vật hiến tế tại các lễ hội. Chẳng hạn, người Toraja sống ở vùng cao nguyên và miền núi Nam và Trung Sulawesi hay tổ chức lễ hiến tế trâu và hài cốt của người quá cố được đặt vào quan tài rồi đưa đến một hang động rỗng bên vách đá bằng một đám rước linh đình. Một số người cho rằng ngôi nhà truyền thống của họ tượng trưng cho đầu và sừng trâu. Người Toraja trang trí nhà của họ với hình ảnh của những con trâu và con gà trống.

Trâu là biểu tượng của thanh thế và gà trống là sứ giả sang thế giới bên kia. Trâu cũng là biểu tượng của sức mạnh, khả năng sinh sản và thịnh vượng. Người giàu được xác định bằng cách họ sở hữu bao nhiêu con trâu. Trong đám tang có nhiều người được chôn cất cùng hàng trăm con trâu. Con cháu còn sống được thừa kế tài sản nhưng cần phải hiến tế một con trâu trong đám tang để chứng thực quyền thừa kế. Theo truyền thống, trâu được người Toraja nuôi để chiến đấu và hiến tế. Lợn và gà cũng bị giết để làm nghi lễ nhưng trâu là loài có vị trí quan trọng nhất.

Tương truyền, nhà triết học Trung Quốc Lão Tử đã rời Trung Quốc qua đèo Han Gu cưỡi một con trâu nước. Theo truyền thuyết Hindu, thần chết Yama cưỡi trên một con trâu đực.

Sức mạnh hội chọi trâu

Người Minangkabau ở Tây Sumatra cũng sùng bái loài trâu. Những mái nhà của họ được thiết kế trũng sâu ở giữa và chếch lên về phía đầu hồi, giống hình sừng trâu. Môn thể thao yêu thích của họ là chọi trâu. Đó là cuộc chiến giữa hai con trâu đực có kích thước tương đương nhau. Chúng khóa sừng và xô đẩy nhau, con nào bỏ cuộc thì bị coi là thua cuộc. Các trận chọi trâu lớn nhất được tổ chức ở các làng Kota Bari và Batagak.

Người Minangkabau đôi khi còn mô tả Tây Sumatra là vùng đất của chữ V. Cái tên V có nghĩa là con trâu chiến thắng. Nhà truyền thống của họ được gọi là nhà V. Tên của chúng được cho là kết quả của cuộc chiến giữa một con trâu đực Minangkabau và một con trâu đực Java khổng lồ.

Trong khi đó, ở Assam (Ấn Độ), lễ hội chọi trâu nước Moh juj được tổ chức hằng năm tại Bhogali Bihu. Ahotguri ở Nagaon cũng nổi tiếng về lễ hội chọi trâu. Còn lễ hội chọi trâu Ma'Pasilaga Tedong ở Tana Toraja Regency của đảo Sulawesi (Indonesia) là một sự kiện rất phổ biến. Lễ hội chọi trâu Ko Samui của Thái Lan thường được tổ chức vào những dịp đặc biệt như Tết Dương lịch vào tháng 1 và Tết Songkran vào giữa tháng 4.

Với người nông dân Việt Nam, “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Với người nông dân Việt Nam, “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Tại Việt Nam, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức hằng năm vào ngày 9 tháng 8 âm lịch tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Công tác chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu này bắt đầu từ trước đó hai đến ba tháng. Những con trâu thi đấu được chọn lọc và huấn luyện bài bản trước hằng tháng trời. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu.

Trò chơi giải trí đua trâu

Các cuộc đua trâu nước Kambala ở Karnataka (Ấn Độ) diễn ra từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Các cuộc đua được tiến hành bằng cách cho trâu chạy trên những con mương dài song song, nơi chúng được điều khiển bởi những người đàn ông đứng trên ván gỗ do trâu kéo. Mục tiêu của cuộc đua là về đích đầu tiên và cũng là một môn thể thao nông thôn. Các cuộc đua Kambala được sắp xếp có cạnh tranh cũng như không có cạnh tranh và như một phần để tạ ơn thần linh, diễn ra ở khoảng 50 ngôi làng ven biển Karnataka.

Còn ở lễ hội đua trâu Chonburi (Thái Lan), hàng nghìn người đổ về khu vui chơi giải trí ở trung tâm thành phố Chonburi, cách Thủ đô Bangkok 70km về phía Nam. Khoảng 300 con trâu đua theo nhóm 5 hoặc 6 con, được thúc đẩy bởi những người đàn ông lưng trần, cầm gậy gỗ dưới sự chứng kiến của hàng trăm khán giả cổ vũ.

Theo người dân địa phương, lễ hội này bắt đầu hơn 100 năm trước khi hai người đàn ông tranh cãi về con trâu của ai nhanh nhất và kết thúc bằng một cuộc đua. Lễ hội giúp ích rất nhiều trong việc bảo tồn số lượng trâu vốn đang bị suy giảm ở mức báo động. Trâu đua bây giờ được nuôi chỉ để đua và chúng không hoạt động gì cả. Trâu ở trang trại còn tham gia cuộc thi “Buffalo Beauty Pageant”, một cuộc thi sắc đẹp dành cho trâu và một cuộc thi trang phục cho trâu... Lễ hội này thể hiện một cách hoàn hảo thái độ sống vui vẻ được yêu thích của người Thái.

Tại Malaysia, lễ hội đua trâu nước Babulang là lễ hội lớn nhất hoặc hoành tráng nhất trong nhiều nghi lễ và lễ hội của cộng đồng Bisaya (Borneo) truyền thống của Limbang, Sarawak. Riêng Campuchia, mỗi năm, hàng triệu người thăm đền thờ Phật giáo trên khắp đất nước để tưởng nhớ những người thân yêu đã chết. Trong một khoảng thời gian 15 ngày này (thường được gọi là Lễ hội dành cho người chết) ở làng Vihear Suor, cách Thủ đô Phnom Penh 35km về phía Đông Bắc, người dân tổ chức lễ hội bằng một cuộc đua trâu.

Và các sản phẩm từ trâu

Người Ấn Độ thường ăn thịt trâu, thịt cừu hoặc thịt gà vì ăn thịt lợn là xúc phạm người Hồi giáo và ăn bò là xúc phạm người theo đạo Hindu. Ở nhiều địa phương Ấn Độ, việc cày bừa do trâu thực hiện. Sữa trâu được làm thành bơ trâu. Người Ấn Độ nhận được nhiều chất đạm và chất béo từ sữa trâu, sữa chua, bơ, pho mát trâu. Ấn Độ là một trong ba nước sản xuất sữa hàng đầu thế giới và phần lớn trong số đó là sữa trâu. Khi không có dầu gội, phụ nữ Ấn Độ gội đầu bằng hỗn hợp bơ sữa trâu. Ở Ấn Độ, trước khi hỏa táng, thi thể người chết được xức bằng bơ sữa trâu. Đồ dùng da ở Ấn Độ được làm bằng da trâu, thậm chí là cả thuyền.

Theo các nhà nghiên cứu, từ xa xưa, trâu du nhập vào châu Âu, châu Mỹ, Địa Trung Hải đều có nguồn gốc từ Ấn Độ và luôn xuất hiện cùng ngựa hoang. Còn 150.000 trâu rừng hoang dã đang sinh sống ở phía Bắc Australia được cho là du nhập từ Indonesia vào những năm 1820-1830. Đến nay, duy nhất có trâu rừng châu Phi là chưa xác định được rõ ràng về nguồn gốc tổ tiên. Loài trâu này được xác định không có họ hàng gần với trâu hoang dã của châu Á và rất hung hăng, chưa bao giờ được thuần hóa.

Sông Thương

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/con-trau-va-van-hoa-chau-a-630223/