Còn ý kiến khác nhau về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa
Các nội dung liên quan đến thời giờ làm việc bình thường, mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về việc nâng tuổi nghỉ hưu... đã được các đại biểu quan tâm, phân tích.
Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Các nội dung liên quan đến thời giờ làm việc bình thường, mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về việc nâng tuổi nghỉ hưu... đã được các đại biểu quan tâm, phân tích.
Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất hai phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Phương án 1 quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.
Phương án 2, nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ. Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng, nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
Một số ý kiến ủng hộ phương án 2 và cho rằng đây là khung giờ để người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận với nhau. Người lao động có quyền lựa chọn làm thêm hoặc từ chối làm thêm, chỉ giới hạn với rất ít ngành nghề đặc thù và ở lúc mùa vụ cao điểm.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), thời gian làm thêm theo quy định hiện hành là không phù hợp với tính chất thời vụ của những ngành, nghề đặc thù. Như đối với ngành thủy sản, mà chế biến tôm là một ví dụ điển hình, nguồn cung ứng nguyên liệu chỉ nhiều nhất trong khoảng 3 đến 5 tháng. Đây là khoảng thời gian các doanh nghiệp chế biến cần làm thêm giờ để có thể thu mua hết sản phẩm của nông dân.
Trong khi đó, nhiều đại biểu tán thành với phương án 1 và chỉ rõ, cần phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ. Đó là vì tiền lương, thu nhập hiện nay của người công nhân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Dẫn chứng về cuộc sống thực tế của người công nhân hiện nay, tâm thế làm việc của họ khi phải gửi con về quê để làm việc, ý kiến này nhấn mạnh cần phải nghĩ đến trách nhiệm của người sử dụng lao động, đặc biệt là tình người với người lao động.
Liên quan đến vấn đề thời giờ làm việc bình thường, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay, quy định làm việc 48 giờ/tuần của Việt Nam là quá nhiều so với các quốc gia trên thế giới. Việc này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống tinh thần của người lao động. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, muốn tăng năng suất lao động, phải đầu tư vào máy móc, khoa học công nghệ chứ không phải tăng giờ làm.
Thảo luận về chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, các đại biểu nhận định việc tăng tuổi ghỉ hưu là hợp lý trong bối cảnh tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam ngày càng cao. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhằm giữ được nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm, còn đủ sức khỏe cống hiến cho xã hội. Có ý kiến đề nghị việc tăng tuổi nghỉ hưu phải cân nhắc đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và thiết kế một cách linh hoạt.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại.
Theo đó, với điều kiện như thế, những đối tượng này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm, thậm chí có thể nghỉ sớm tới 10 năm. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi Bộ luật Lao động vừa phải đáp ứng quyền lợi hợp pháp của người lao động, đáp ứng yêu cầu dân chủ cơ sở, nhưng vẫn phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh, an toàn xã hội./.