Công an các địa phương giúp dân tránh bão Talim
Bão số 1 đổ bộ miền Bắc có cường độ lớn nhất trong 3-5 năm trở lại đây, gây mưa rất lớn. Bắc Bộ mưa khoảng 200-400 mm, có nơi trên 500 mm. Trước diễn biến của bão Talim, cơn bão đầu tiên của năm nay với dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh phía Bắc, lực lượng Công an các địa phương đã tăng cường lực lượng thường ứng trực, phối hợp với các ngành chức năng khác vận động, hỗ trợ người dân phòng, chống bão, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh,ngay sau khi nhận được thông tin đầu tiên về bão Talim, Công an tỉnh đã chỉ đạo xây dựng phương án, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương triển khai lực lượng hỗ trợ người dân.
Tiên phong là Phòng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, đã điều động phương tiện và lực lượng, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn.
Đồng thời, tới từng phương tiện vận chuyển khách du lịch, yêu cầu các phương tiện tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn, tuân thủ các văn bản chỉ đạo về phòng, chống bão của lãnh đạo tỉnh và các địa phương liên quan.
Cùng với đó, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh cũng huy động 100% lực lượng sẵn sàng thường trực chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, bố trí phương tiện tăng cường tuần tra, hướng dẫn các phương tiện vận tải hàng hóa về nơi tránh trú trước khi bão đổ bộ và xử lý các tình huống phát sinh.
Tại huyện Đầm Hà (Quảng Ninh), Công an huyện đã tổ chức trực 100% quân số, huy động 7 xe ô tô, 51 xe mô tô, 2 tàu, xuồng cùng một số vật tư, trang thiết bị khác để phục vụ công tác phòng, chống bão và đảm bảo ANTT.
Lực lượng Công an huyện cũng vận động, hướng dẫn 218 hộ dân có nhà ở thuộc diện tiềm ẩn nguy cơ thực hiện các biện pháp phòng chống bão, lũ và sẵn sàng phương án để di dời, sơ tán các hộ dân đến nơi tránh, trú bão an toàn.
Trên tuyến biển, Công an huyện Đầm Hà đã phối hợp thông báo, tuyên truyền cho người dân gia cố tổng số 1.233 ô lồng bè nuôi trồng thủy sản, di dời 63 hộ dân với 126 lao động và 138 hộ nuôi nhuyễn thể với 320 lao động, đồng thời tuyên truyền, kêu gọi và tất cả tổng số 417/417 tàu, thuyền trên địa bàn huyện đã về bờ và nơi tránh, trú bão an toàn.
Cá biệt, trên địa bàn huyện Đầm Hà hiện có 13 điểm tràn có nguy cơ xảy ra lũ, Công an các xã, thị trấn đã tham mưu chính quyền cơ sở lập barie, bố trí lực lượng canh gác không cho người qua lại khi xảy ra lũ, cùng với bố trí lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Trong khi đó tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), Công an thị xã đã huy động 100% CBCS tăng cường xuống các địa bàn trọng điểm, xung yếu, khu vực neo đậu tàu, thuyền phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng di chuyển vào khu vực tránh trú bão. Tính đến cuối giờ sáng ngày 18/7, Đội Cảnh sát GT-TT Công an thị xã đã kêu gọi gần gần 200 phương tiện tàu, thuyền và người lao động vào neo đậu tránh trú bão an toàn.
Tại TP Hải Phòng,thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phòng, chống cơn bão Talim, lãnh đạo Công an TP Hải Phòng cũng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai 100% lực lượng thường, ứng trực, phối hợp với các lực lượng khác kịp thời hỗ trợ người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng) Công an quận đã triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện các phương án đảm bảo ANTT, ATGT, PCCC&CNCH, chủ động thời gian cả trước, trong và sau bão theo dự báo, nhất là các địa bàn xung yếu như các phường Hải Sơn, Vạn Hương và khu vực kè biển thường xảy ra sự cố.
Lực lượng Công an quận Đồ Sơn cũng đồng thời phối hợp theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền, bằng mọi biện pháp thông báo cho các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Tại huyện Cát Hải (Hải Phòng), huyện đảo lớn nhất và cũng tập trung mật độ rất cao các dạng hình hoạt động gồm ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch… lực lượng Công an huyện đã tập trung 100% quân số, tiến hành kiểm soát chặt chẽ tình hình để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Riêng về hoạt động trên biển, lực lượng Công an huyện đã phối hợp vận động, hướng dẫn 1.404 phương tiện thủy với hơn 4.150 lao động, cùng 134 cơ sở với 336 lao động nuôi thủy sản lồng bè về nơi tránh trú an toàn và triển khai các biện pháp phòng, chống bão.
Đặc biệt, hiện trên đảo Cát Bà còn hàng nghìn khách du lịch cả trong và ngoài nước lưu trú, Công an huyện đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai hướng dẫn, chuẩn bị phương tiện, vật dụng sinh hoạt, đảm bảo an toàn cho các cơ sở dịch vụ cũng như du khách, sẵn sàng xử lý những tình huống phát sinh.
Tại Thanh Hóa,theo dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền núi, ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp trũng, ven sông, suối.
Theo đó, ngày 17/7, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã có Điện số 605 chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị Công an trong tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp, phương án bảo đảm ANTT, bảo đảm an toàn các công trình, mục tiêu trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Quân đội, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tích cực tham gia phòng, chống bão.
Công an các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1, chủ động tổ chức chằng, chống nhà cửa, doanh trại, cây xanh, bảo quản tài sản, hồ sơ tài liệu, phương tiện, máy móc thiết bị tại trụ sở làm việc, nhất là Trại tạm giam, Nhà giam giữ; thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” để phòng, chống bão lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ những trường hợp bị mất tích, cô lập do mưa bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đối với khu vực đất liền, bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các ngành, lực lượng có liên quan tại cơ sở tiến hành rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét… để chủ động sơ tán, di dời, cảnh báo bảo đảm an toàn; bảo đảm an ninh, an toàn hồ đập, đê điều; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho người dân…
Tại các xã ven biển, lực lượng Công an các huyện, các xã ven biển đã tích cực tham mưu, phối hợp với các lực lượng chức năng trực tiếp xuống địa bàn, gặp gỡ tuyên truyền, vận động Nhân dân không chủ quan lơ là, mất cảnh giác; chủ động các phương án phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức chằng chống nhà cửa, hướng dẫn người dân neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão an toàn.