Công an các tỉnh miền Trung giúp dân trước nguy cơ 'lũ chồng lũ'

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của trên, Công an các địa phương đang khẩn trương triển khai phương án ứng phó mưa lớn và áp thấp nhiệt đới theo phương châm '4 tại chỗ'; không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn của nhân dân là trên hết.

Như Báo CAND đã dẫn nguồn tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia từ sáng sớm nay, trong 24 giờ qua, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa nhiều nơi trên 70mm như: thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) 94.8mm, Sông Hinh (Phú Yên) 72.2mm…

Dự báo, trong 24 giờ đến 48 giờ tới, mưa to và giông tiếp tục diễn ra từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rất to.

Tổng lượng mưa theo dự báo từ Bình Định đến Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk vào khoảng 100-250mm, có nơi trên 300mm. Khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi tổng lượng mưa từ 300-500mm, có nơi trên 700mm. Khu vực Quảng Bình, Khánh Hòa lượng mưa ở mức 80-150mm, có nơi trên 200mm.

Mưa lớn ở khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng còn kéo dài đến hết ngày 16/10. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng thấp.

Trước thực tế vừa kể, từ sáng 14/10, Công an huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu lực lượng CSGT, Công an các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các phương án để ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, sẵn sàng di dời số hộ dân ở vùng xung yếu, thấp trũng.

CSGT Công an huyện Quảng Điền rào chắn, cấm người dân lưu thông trên tuyến tỉnh lộ 19.

CSGT Công an huyện Quảng Điền rào chắn, cấm người dân lưu thông trên tuyến tỉnh lộ 19.

Là vùng “rốn lũ” của tỉnh, hàng chục ngàn hộ dân ở huyện vùng trũng Quảng Điền đang đứng ngồi không yên trước dự báo nguy cơ lũ lớn. Từ sáng sớm 14/10, trên địa bàn tỉnh bắt đầu có mưa to trên diện rộng.

Công an xã Quảng Lợi giúp ngư dân kéo các loại ghe nhỏ vào bờ.

Công an xã Quảng Lợi giúp ngư dân kéo các loại ghe nhỏ vào bờ.

Người dân vùng trũng Quảng Điền đã khẩn trương sơ tán tài sản, ghe thuyền, ngư lưới cụ vào bờ. Hàng ngàn hộ dân nuôi trồng thủy sản đã giằng chống ao hồ để hạn chế thấp thiệt hại khi lũ lớn.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, trưa 14/10, Công an huyện Quảng Điền đã tỏa ra nhiều hướng để giúp ngư dân đưa ngư lưới cụ, kéo các ghe thuyền nhỏ vào bờ neo đậu an toàn, di chuyển các kho lương thực, lúa, gạo…

Nhiều trụ sở cơ quan, trường học trên địa bàn xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền đã ngập nước.

Nhiều trụ sở cơ quan, trường học trên địa bàn xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền đã ngập nước.

Trung tá Võ Tiến Thảo, Trưởng Công an xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 500 hộ dân làm nghề ngư nghiệp tập trung ở các thôn: Ngư Mỹ Thạnh, Hà Sơn, Hà Công và Cư Lạc. Hiện, Công an xã phối hợp với người dân giúp neo đậu 121 ghe thuyền đánh bắt thủy sản, 171 đò rô le.

Theo ghi nhận, hiện 3 tuyến tỉnh lộ từ Thừa Thiên-Huế về huyện Quảng Điền đã có 2 tuyến tỉnh lộ (tỉnh lộ 4 và tỉnh lộ 19) bị cắt đường do nhiều nơi nước ngập sâu từ 0,5m đến 0,8m. Đặc biệt, đoạn qua xã Quảng Thành, nhiều khu vực bị chia cắt hoàn toàn.

Hướng dẫn người dân quay đầu xe, lưu thông tuyến đường khác để đảm bảo an toàn.

Hướng dẫn người dân quay đầu xe, lưu thông tuyến đường khác để đảm bảo an toàn.

Hiện, chỉ còn tuyến tỉnh lộ 11 vẫn đang lưu thông được. Để đảm bảo ATGT, hiện CSGT Công an huyện Quảng Điền cũng đã rào chắn, canh gác và cấm người dân, phương tiện không lưu thông trên các tuyến tỉnh lộ bị chia cắt.

Theo chính quyền huyện Quảng Điền, để ứng phó với nguy cơ ngập sâu do mưa lớn và các thủy điện điều tiết xả lũ, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó ưu tiên giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về tài sản và con người. Do mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ, trên địa bàn huyện Quảng Điền đã có nhiều nơi ngập sâu từ 0,5-1m.

Công an huyện Quảng Điền giúp ngư dân chằng chống ghe thuyền.

Công an huyện Quảng Điền giúp ngư dân chằng chống ghe thuyền.

Thượng tá Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết, từ sáng 14/10, Công an huyện đã yêu cầu lực lượng CSGT, Công an các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các phương án để ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ; sẵn sàng di dời số hộ dân ở vùng xung yếu, thấp trũng; di dời, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân...

Lực lượng Công an đã vận động, cấm tất cả người dân không được chèo ghe thuyền ra phá Tam Giang để đánh bắt thủy sản và vớt củi từ trên thượng nguồn đổ về, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Tại Quảng Trị, chiều 14/10, công tác giúp dân ứng phó bão số 5 của Công an tỉnh Quảng Trị và Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh đã được tích cực, khẩn trương thực hiện trên 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Công an các xã biển Gio Việt, Gio Hải và Triệu An giúp dẫn di chuyển tàu thuyền vào nơi trú tránh bão.

Công an các xã biển Gio Việt, Gio Hải và Triệu An giúp dẫn di chuyển tàu thuyền vào nơi trú tránh bão.

Tại địa bàn các huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, Công an các đơn vị phối hợp Công an xã cắt cử CBCS ứng trực tại các nơi có nguy cơ sạt lở đất, đá; xảy ra lũ quét, lũ ống để kịp thời thông báo, điều động lực lượng di dời dân đến nơi an toàn.

Bên cạnh, lực lượng ứng trực tại các điểm ngầm, tràn trên các tuyến đường giao thông, khu dân cư thường bị ngập lũ để kịp thời hướng dẫn người dân, phương tiện tham gia giao thông không được qua lại những nơi nguy hiểm này.

Thượng tá Hồ Sỹ Nhung, Trưởng Công an huyện Hướng Hóa cho biết, bình quân mỗi điểm ứng trực có 3 CBCS Công an huyện phối hợp với 1-2 CBCS Công an xã và thanh niên xung kích. Do lực lượng mỏng nên các đơn vị ưu tiên những khu vực có nguy cơ xảy ra thiệt hại cao, với tinh thần giúp dân đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng; bảo vệ tài sản gia đình; sẵn sàng vận chuyển đến những nơi cao ráo, an toàn đối với những tài sản có thể vận chuyển được.

Công an huyện Gio Linh và Triệu Phong giúp dân đằn mái nhà ứng phó bão số 5.

Công an huyện Gio Linh và Triệu Phong giúp dân đằn mái nhà ứng phó bão số 5.

Thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng Công an huyện Đakrông cũng cho hay, từ buổi sáng 14/10, đơn vị đã cử lực lượng 14 CBCS đến địa bàn các xã Ba Lòng, A Vao, Đakrông (nằm ven sông Đakrông) để giúp dân chủ động ứng phó bão số 5. Đây là những địa bàn thường bị ngập lũ mỗi khi bị ảnh hưởng bão và có mưa lớn.

Tại các xã biển Gio Việt, Gio Hải, Trung Giang và thị trấn biển Cửa Việt, huyện Gio Linh, vào buổi chiều 14/10, các lực lượng Công an xã, thị trấn đã tích cực hỗ trợ bà con ngư dân di chuyển tàu thuyền vào các điểm tập kết, neo đậu trú tránh bão.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện Triệu Phong cho hay, lực lượng đơn vị cũng đã khẩn trương phối hợp Công an các xã biển, ven sông Thạch Hãn, gồm Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu An và Triệu Độ để hỗ trợ bà con kịp thời ứng phó bão số 5, nhất là việc di chuyển tàu thuyền đến các nơi neo đậu, bảo quản cũng như phối hợp các lực lượng địa phương bảo vệ tài sản ngoài trời cho người dân.

Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị, đến thời điểm hiện tại, ở các vùng núi và ven biển của tỉnh, công tác chằng chống nhà cửa, sẵn sàng di dời dân khỏi khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, đá; kêu gọi tàu thuyền của bà con ngư dân vào các nơi neo đậu trú tránh bão, đã được thực hiện kịp thời và hoàn thành.

UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành địa phương để tiến hành công tác ứng phó bão lũ kịp thời, trong đó chỉ đạo các lực lượng gồm Công an, Bộ đội, Bộ đội Biên phòng làm nồng cốt, khẩn trương, kịp thời phối hợp chính quyền cơ sở, các lực lượng tại chỗ để giúp dân ứng phó bão lũ hiệu quả, kịp thời với quyết tâm cao nhất không để xảy ra thiệt hại về người; giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước trên địa bàn do bão lũ gây ra.

Tại Đà Nẵng, chiều tối 14/10, do ảnh hưởng bão số 5, mưa lớn kéo dài làm cho nhiều tuyến đường ở TP Đà Nẵng bị ngập nước, có đoạn ngập sâu từ 50cm đến 70cm, khiến nhiều ôtô, xe máy bị chết máy. Các CBCS lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng làm nhiệm vụ tuần tra đã nỗ lực hướng dẫn phương tiện tham gia giao thông đi theo những đoạn đường ngập ít; đồng thời sử dụng xe cứu hộ cẩu kéo các ôtô, xe máy bị chết máy ở những đoạn đường bị ngập sâu đến những điểm sửa chữa...

Lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng hỗ trợ các phương tiện tham gia giao thông qua những đoạn bị ngập trên tuyến QL14B.

Lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng hỗ trợ các phương tiện tham gia giao thông qua những đoạn bị ngập trên tuyến QL14B.

Trung tá Phạm Hồng Hải, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, tại Km 21 + 400, tuyến đường Trường Sơn (Quốc lộ 14B), mưa lớn đã khiến nhiều đoạn ngập sâu từ 70cm - 1m. Để đảm bảo ATGT, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đã huy động CBCS, phối hợp với Công an các quận, huyện, phường, xã túc trực hỗ trợ hướng dẫn người dân điều khiển phương tiện đi theo các lối cao, tránh xe bị chết máy; đồng thời điều hàng trăm lượt xe cứu hộ đến để cẩu kéo các phương tiện bị ngập nước hư hỏng.

Ghi nhanh của PV Báo CAND, do mưa lớn kéo dài, nước mưa thoát không kịp nên hiện những tuyến đường thấp, nằm ở trung hiện TP Đà Nẵng bị ngập cục bộ. Tại các tuyến đường chính của TP Đà Nẵng như Hoàng Diệu, Lê Duẩn, Chi Lăng, Trần Phú, Cô Giang, Nguyễn Văn Linh... có đoạn ngập hơn nửa bánh xe ôtô.

Để chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lớn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng tiếp tục ban hành Công điện số 09/CĐ-PCTT, đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Chiều 14/10, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Định cho biết, hiện tại, Cục cứu hộ, cứu nạn (CHCN), Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Tham mưu đã điều tàu BP 48-01-06 của Hải đoàn BP 48 xuất phát ra hỗ trợ tàu cá ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị hỏng máy, phá nước có nguy cơ bị chìm trên biển.

Thông tin từ BĐBP tỉnh Bình Định cho biết, tàu cá QNg-92821TS, công suất 612CV, do ông Lê Vinh Nhân (trú xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ, ông Lê Tấn Đức ở cùng địa phương làm thuyền trưởng xuất bến tại Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, hành nghề lưới rê.

Lúc 21h tối ngày 13/10, tàu cá QNg-92821TS đang đánh bắt hải sản ở vùng biển cách Đông Bắc Quy Nhơn khoảng 32 hải lý thì bị hỏng máy, phá nước có nguy cơ chìm, thuyền trưởng đề nghị hỗ trợ khẩn cấp. Lúc này, trên tàu có 4 lao động.

Nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Đài trực canh phòng chống thiên tai của đơn vị thường xuyên liên lạc với tàu cá bị nạn, nắm bắt thông tin, thông báo cho BĐBP tỉnh Quảng ngãi và các cơ quan cấp trên để có biện pháp hỗ trợ tàu bị nạn.

Hiện tại, Cục CHCN, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Tham mưu đã điều tàu BP 48-01-06 của Hải đoàn BP 48 xuất phát rời bến ra hỗ trợ tàu cá bị nạn.

Báo CAND đang tiếp tục cập nhật nỗ lực của lực lượng CAND trong hỗ trợ, giúp dân ứng phó với nguy cơ "lũ chồng lũ".

Hải Lan - Ngọc Thi- Anh Khoa- Thanh Bình-Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-cac-tinh-mien-trung-giup-dan-truoc-nguy-co-lu-chong-lu-i670922/