Công an Cần Đước niềm nở, tận tình, trách nhiệm với người dân
Sau hơn 2 năm triển khai, thực hiện mô hình Niềm nở khi tiếp xúc, tận tình khi hướng dẫn, trách nhiệm khi giải quyết công việc của Công an huyện Cần Đước, tỉnh Long An mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này vừa được UBND huyện Cần Đước nhân rộng trong toàn huyện.
Thân thiện, gần dân
Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, thời gian qua, huyện Cần Đước triển khai, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó, Công an huyện là một trong những đơn vị tích cực hưởng ứng thực hiện với mô hình Niềm nở khi tiếp xúc, tận tình khi hướng dẫn, trách nhiệm khi giải quyết công việc. Mô hình này được thực hiện gắn với mô hình Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.
Để thực hiện hiệu quả mô hình, trước hết, Ban Chỉ huy Công an huyện tập trung lãnh đạo, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, các chuẩn mực theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Theo đó, trong quá trình tiếp xúc, giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) luôn niềm nở, chuẩn mực, ứng xử văn hóa, khiêm tốn, cầu thị và tiếp thu ý kiến đóng góp.
Thượng úy Nguyễn Chí Hải - Đội Cảnh sát quản lý hành chính, trật tự xã hội, Công an huyện Cần Đước, chia sẻ: “Tôi đặt tiêu chí tạo sự hài lòng cho người dân lên hàng đầu. Vì vậy, tôi cùng CBCS trong Đội niềm nở khi tiếp xúc, tận tình hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính”.
Cùng với xây dựng, giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp, môi trường văn hóa, thân thiện, văn minh nơi công sở, Công an huyện còn xây dựng các panô, khẩu hiệu với nội dung “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ). Từ đó, CBCS cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, không xảy ra trường hợp người dân phản ánh về thái độ phục vụ của CBCS.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng chia sẻ: “Khi đến làm thủ tục hành chính tại Công an huyện, tôi được CBCS hướng dẫn tận tình. CBCS cũng rất thân thiện, gần gũi với người dân. Việc giải quyết thủ tục hành chính vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tạo thuận lợi cho người dân, nhất là đối với công nhân”.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm
Với phương châm “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, lực lượng Công an huyện nêu cao ý thức trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và hành vi vi phạm lĩnh vực an ninh, trật tự. Từ khi triển khai, thực hiện mô hình đến nay, lực lượng Công an huyện tập trung điều tra, làm rõ 4 vụ/4 đối tượng phạm tội về kinh tế; 87 vụ/174 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội; phát hiện, xử lý hình sự 38 vụ/43 đối tượng phạm tội về ma túy và triệt xóa 206 điểm tệ nạn xã hội; ra quyết định xử phạt hành chính 1.730 đối tượng vi phạm lĩnh vực an ninh, trật tự, với tổng số tiền trên 2,5 tỉ đồng; bắt 10 đối tượng truy nã, đưa 160 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Hàng năm, tỷ lệ điều tra, khám phá án chung đạt trên 85% (chỉ tiêu được giao trên 75%).
Trong công tác quản lý hành chính nhà nước về an ninh, trật tự, Công an huyện tham mưu UBND huyện tổ chức triển khai, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện kịp thời triển khai, thực hiện việc đăng ký, tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia. CBCS đều nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu thập phiếu thông tin dân cư và hoàn thành tốt các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm thông tin công dân “đúng, đủ, sạch, sống”. Qua đó, góp phần tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng; bảo đảm tiến độ cấp căn cước công dân và mã số định danh điện tử cho người dân.
Thượng tá Huỳnh Thanh Minh - Phó Trưởng Công an huyện Cần Đước, cho biết: “Mỗi CBCS nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc, vì nhân dân phục vụ; đồng thời, xây dựng tư thế, lễ tiết, tác phong, ứng xử văn hóa, văn minh, niềm nở khi tiếp xúc với người dân. Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của Công an nhân dân và tạo sự hài lòng với người dân”.
Nhằm tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, UBND huyện Cần Đước quyết định nhân rộng mô hình Niềm nở khi tiếp xúc, tận tình khi hướng dẫn, trách nhiệm khi giải quyết công việc trong toàn huyện. Đây được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong từng cơ quan, đơn vị, góp phần để huyện Cần Đước thực hiện tốt và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính./.