Công an giúp dân nâng cao kĩ năng phòng chống Covid-19 vùng dân tộc thiểu số
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp gây ra, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch. Trong đó, giải pháp nâng cao kĩ năng phòng chống cho từng người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Gia Lai chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh là rất phức tạp. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch cho người dân, đặc biệt là trong vùng dân tộc thiểu số.
Ông Rơ Châm Dỡn (làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) chia sẻ: Chính quyền đã kết hợp các cuộc họp làng, những lần vận động thanh niên nhập ngũ để tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Đồng thời, hướng dẫn bà con phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi, không tụ tập chỗ đông người...
Từ đó, người dân đã hiểu và chấp hành tốt. Trong đợt tiễn con em địa phương lên đường nhập ngũ vừa qua, dân làng chỉ thực hiện tiễn tân binh tại xã chứ không tập trung lên huyện như trước đây. Làng cũng đã thống nhất dời lễ Pơ Thi qua giai đoạn sau dịch để đảm bảo an toàn cho bà con trong làng.
Tương tự, già làng Yêr (làng Đê Klanh, xã Đak Krong, Đak Đoa) cho hay: “Làng tôi 100% là người Bah Nar. Do đó, khi có thông tin về dịch bệnh và được UBND xã hướng dẫn, tôi cùng ông Mroi- Trưởng nhóm Tin lành làng Đê Klanh đã tập hợp bà con, hướng dẫn các kĩ năng phòng dịch đã được phổ biến.
Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tổ chức phun thuốc khử trùng kết hợp hướng dẫn đảm bảo vệ sinh nhà ở, ăn chín, uống sôi… Nhờ cán bộ hướng dẫn, dân làng đã biết đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng cũng như vệ sinh nhà ở để không bị nhiễm bệnh”.
Về phía chính quyền địa phương, ông Vũ Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đak Krong, Đak Đoa thông tin: Địa phương có 1.497 hộ với 5.664 khẩu, chủ yếu là đồng bào Bah Nar sinh sống. Ngay sau khi có thông tin tình hình dịch bệnh, địa phương đã có khuyến cáo người dân không đến các vùng có dịch. Đồng thời, mời các già làng, chức sắc tôn giáo lên tuyên truyền về công tác phòng chống dịch trong cộng đồng.
Ngoài ra, lực lượng Công an cũng đã hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý lưu trú. Từ đó, theo dõi chặt chẽ tình hình công dân đi-đến địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Những kết quả đã đạt được trong công tác chống dịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã ghi nhận những đóng góp tích cực của lực lượng Công an nhân dân.
Không chỉ thực hiện tốt công tác nắm địa bàn, quản lý lưu trú, công an các địa phương trên địa bàn tỉnh còn phối hợp hiệu quả với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận biết, chủ động phòng chống dịch bệnh.
Trung úy Nguyễn Thị Minh Hạnh, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy, Công an huyện Đak Đoa chia sẻ: Được sự chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, các đội thuộc Công an huyện đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách phòng chống dịch. Các hoạt động này đặc biệt hướng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hướng dẫn bà con đảm bảo vệ sinh nhà ở, rửa tay phòng dịch, đeo khẩu trang đúng cách…
Từ đó, nâng cao nhận thức cũng như kĩ năng phòng chống Covid-19 cho bà con. Đây là trách nhiệm, cũng là nhiệm vụ của lực lượng Công an chung tay cùng cộng đồng chống dịch.
Theo Sở Y tế Gia Lai, từ khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 7 ca có biểu hiện ho, sốt bất thường nên được tiến hành cách li, điều trị theo phác đồ. Đến nay, 4 ca đã qua 14 ngày cách li, tình trạng sức khỏe tốt; 3 ca được lấy mẫu gửi đi xét nghiệm đã cho kết quả âm tính với Covid-19 và hiện đang được cách li, theo dõi đúng thời gian quy định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai thông tin thêm: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đang có diễn biến phức tạp, khó lường. Trong các giải pháp phòng chống dịch bệnh thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc phòng chống Covid-19 là rất cần thiết, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, nhận thức bà con về loại virus nguy hiểm này đã tăng lên đáng kể. Điều đó đã giúp ích rất nhiều cho công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trên địa bàn.