Công an Ðiện Biên hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân

Ðại tá Tráng A Tủa Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh ĐBP - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: 'Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân'. Hơn 75 năm qua, lực lượng Công an nhân dân luôn khắc ghi lời Bác dạy: 'Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn'; 'Công an nhân dân là từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ, dựa vào Nhân dân mà làm việc'.

Công an các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tập trung triển khai cấp căn cước công dân cho công dân từ 14 tuổi trở lên trong toàn tỉnh. Trong ảnh: Công an huyện Tủa Chùa làm căn cước công dân cho người dân thị trấn. Ảnh: Lan Phương

Ðặc thù địa bàn biên giới, miền núi, khó khăn như Ðiện Biên, thì việc đưa công an xuống gần dân hơn lại càng trở nên quan trọng. Với hơn 80% quần chúng nhân dân là đồng bào dân tộc thiểu số, mật độ dân cư thưa, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng. Ðây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn phức tạp về ANTT trên địa bàn. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở ở nhiều địa bàn còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chính vì vậy, việc đưa công an xuống cơ sở, bám dân, bám bản, chủ động nắm chắc tình hình, trực tiếp làm công tác vận động quần chúng, góp phần bảo đảm ANTT là chủ trương đúng đắn, hết sức cần thiết và phù hợp với yêu cầu chính trị của địa phương.

Từ năm 2000, chủ trương tăng cường cơ sở (TCCS), thực hiện 3 cùng với nhân dân của Ðảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh được xác định là khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Từ chủ trương ấy, việc TCCS đã phát triển thành phong trào thi đua “Công an Ðiện Biên hướng về cơ sở, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân” và đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, được lãnh đạo Bộ Công an cũng như cấp ủy chính quyền địa phương ủng hộ, đánh giá cao.

Tăng cường cơ sở được Công an Ðiện Biên triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, gắn với nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, cấp bách trong từng thời gian cụ thể bằng nhiều hình thức như: Tăng cường định kỳ, theo chuyên đề, có thời hạn, không thời hạn, hoặc luân chuyển, điều động CBCS nhận công tác tại cơ sở. Từ năm 2000 đến nay, Công an Ðiện Biên đã tăng cường hơn 30 nghìn lượt CBCS xuống cơ sở, kết quả công tác TCCS đã được thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực công tác.

Ðiển hình như cuộc vận động giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé năm 2017; cuộc vận động xóa tụ điểm phức tạp về ma túy tại xã Na Ư (huyện Ðiện Biên) và tại các xã: Pú Nhi, Pú Hồng, Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) năm 2018...

Tăng cường xuống cơ sở CBCS đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, kịp thời đấu tranh, bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng lập “Nhà nước Mông”, hoạt động tuyên truyền tôn giáo trái pháp luật, nhất là các loại tà đạo, đạo lạ; giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay tại cơ sở các vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện trong nhân dân, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, hình thành điểm nóng về ANTT...

Thực hiện việc cấp căn cước công dân, với phương châm “làm hết việc không hết giờ”, các tổ lưu động thực hiện thu nhận hồ sơ 5 ca trên ngày (liên tục từ 6 giờ sáng đến khi không còn công dân đến làm thủ tục trong ngày) việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho công dân, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, toàn lực lượng đã huy động hơn 1.000 CBCS tham gia 32 chốt kiểm dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trực tiếp truy vết, đưa đi cách ly 220 trường hợp F1, 4.332 trường hợp F2; phát hiện 24.616 người trở về từ nước ngoài và các tỉnh có dịch để phân loại và áp dụng biện pháp y tế kịp thời. Bên cạnh đó CBCS công an còn hỗ trợ nhân dân làm đường liên bản, làm cầu qua suối, khai hoang ruộng nương; giúp dân xây dựng, sửa chữa nhà ở; tham gia xây dựng phòng học, vận động trẻ em đến trường... Trong năm 2019 - 2020, từ nguồn xã hội hóa, Công an Ðiện Biên đã tăng cường hàng trăm CBCS với hàng ngàn ngày công tham gia hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 1.762 hộ nghèo huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, qua đó giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng Mường Nhé, Nậm Pồ thành “điểm sáng” cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, trở thành “phên giậu”, “thành trì” bảo vệ vững chắc vùng biên giới trọng yếu của Tổ quốc.

Thực hiện có hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, từ năm 2016 đến nay, Ðiện Biên đã chuyển hóa được 32 địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT thành địa bàn có tình hình ANTT ổn định. Ðã phát hiện, bồi dưỡng và giúp đỡ hơn 1.300 quần chúng ưu tú trở thành đảng viên, góp phần xóa 114 bản trắng về đảng viên, qua đó giúp củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở.

Sau nhiều năm thực hiện chủ trương TCCS, Công an tỉnh đã xây dựng được nguồn cán bộ có bản lĩnh chính trị, có năng lực công tác, am hiểu địa bàn và kinh nghiệm thực tiễn, phù hợp bố trí đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Ðến nay, đã bố trí mỗi xã từ 5 công an chính quy trở lên (hoàn thành 100% chỉ tiêu Bộ Công an giao).

Qua thực hiện phong trào “Công an Ðiện Biên hướng về cơ sở, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”, Công an Ðiện Biên rút ra nhiều bài học kinh nghiệm.

Ngoài làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng CBCS, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 04 của Bộ Công an về đổi mới nâng cao chất lượng phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy trong tình hình mới gắn liền với việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” bằng những khẩu hiệu hành động, mô hình, phần việc cụ thể. Mỗi CBCS nêu cao tinh thần rèn luyện, xây dựng hình ảnh người CBCS công an trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân. Hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, “lời nói phải đi đôi với việc làm”. Phải thực hiện thật tốt phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân”. Luôn bám sát địa bàn, kiên trì, lắng nghe, nắm bắt tâm lý, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, hiểu phong tục tập quán của quần chúng nhân dân để kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết hiệu quả.

Công tác TCCS phải gắn với nhiệm vụ chính trị nổi lên tại từng thời điểm, phải nghiên cứu kỹ địa bàn. CBCS được tăng cường phải có trình độ, nhiệt tình, kinh nghiệm, được tập huấn kỹ về công tác dân vận và nhất là phải bố trí cán bộ biết tiếng dân tộc, cán bộ dân tộc tham gia vào các tổ công tác để thuận lợi hơn trong công tác vận động quần chúng.

Xác định một trong những tiêu chuẩn của việc bổ nhiệm cán bộ chỉ huy, nhất là ở các đơn vị nghiệp vụ là phải trải qua công tác ở cơ sở; cơ sở là môi trường bồi dưỡng, giới thiệu quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Quan tâm đào tạo và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chế độ chính sách để cán bộ TCCS yên tâm công tác. Ðịnh kỳ tiến hành sơ kết đánh giá kết quả đã làm được, những thiếu sót, tồn tại, rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh và có các giải pháp phù hợp, vừa mang tính đột phá vừa mang tính chiến lược đối với chủ trương tăng cường cán bộ xuống cơ sở.

Kịp thời biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, hình ảnh đẹp của cán bộ TCCS gương mẫu, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/186553/cong-an-%C3%B0ien-bien-het-long-het-suc-phuc-vu-nhan-dan