Công an nói gì về thông tin 'bom' 200 đơn hàng đi chợ hộ?
Cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc xác minh thông tin hàng trăm đơn hàng bị 'bom' khi triển khai đi chợ hộ trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội. Tuy nhiên, hầu hết các lý do không nhận hàng đều chính đáng.
Chiều 8/9 tại cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, sau khi nhận phản ánh của các cơ quan báo chí về tình trạng “bom” hàng đi chợ hộ gây nhiều phiền hà, mất thời gian, công sức của lực lượng chức năng lực lượng công an đã vào cuộc xác minh.
Qua làm việc với các cơ quan quản lý shipper không phát hiện hành vi "bom" hàng hoặc khi xảy ra sự cố, đơn vị đã chủ động xử lý. Riêng tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, công an đã ghi nhận nhiều đơn hàng có nghi vấn người đặt hàng nhưng không chịu nhận. Cơ quan công an đã làm việc với 200 trường hợp đặt hàng theo thông tin trên đơn hàng và các dữ liệu cho thấy nhóm người trên đã không nhận hàng sau khi đặt.
Các nguyên nhân dẫn tới sự cố ngoài ý muốn của việc giao nhận hàng ban đầu được cơ quan công an xác định là do người dân không rành công nghệ, khi thao tác thì trùng đơn, không biết hủy và dữ liệu không chính xác hoặc tìm không ra địa chỉ.
Bên cạnh đó, người dân đặt nhưng hệ thống không cập nhật kịp, nên trao đổi không rõ. Ngoài ra, có trường hợp để đơn hàng quá lâu, cung cấp không đủ hàng, không đúng hàng, có người đặt mua gà nguyên con nhưng khi được giao thì chỉ có cánh gà và đùi gà nên người dân từ chối nhận, có trường hợp đã nhận được đơn hàng nhưng bên bán lại giao thêm lần thứ hai…
Theo Thượng tá Mạnh Hà, mặc dù chưa có trường hợp nào bị xử lý về việc giao nhận hàng không thành công nhưng cơ quan công an vẫn tiếp tục theo dõi. Trong trường hợp có những hành vi mang tính phá hoại gây phiền hà cho người dân và cơ quan chức năng trong việc giao nhận hàng hóa khi thực hiện phương án đi chợ hộ, lực lượng công an sẽ xử lý nghiêm.
Tại cuộc họp, đại diện Công an Thành phố cũng đã thông tin chi tiết về những giải pháp khi phát hiện F0 qua chốt. Theo đó, đối với chốt chặn có nhân viên y tế thì đây là nhân sự thực hiện nhiệm vụ khử khuẩn và liên hệ các địa phương xử lý theo quy trình khi phát hiện F0. Trường hợp không có nhân viên y tế, lực lượng chốt chặn sẽ thông báo với cơ quan y tế.
Nếu F0 có giấy đi đường, công an sẽ tiến hành thu hồi ngay và đưa lên hệ thống cảnh báo. Công an sẽ hỗ trợ y tế điều tra dịch tễ các F0 phát hiện qua chốt kiểm soát. Về việc triển khai camera quét mã QR trên diện rộng, từ ngày 8/9 thành phố bắt đầu triển khai 78 điểm để tăng cường giám sát di biến động dân cư. Tại những khu vực có lưu lượng giao thông cao, cơ quan chức năng sẽ tăng cường độ quét và tăng cường phân làn ôtô, xe máy tránh ùn ứ.