Công an nói về thủ đoạn đưa người vượt biên từ đường mòn, lối mở
Để xóa dấu vết hành trình nhập cảnh trái phép, các đối tượng tổ chức đường dây sẽ thu giữ hết tài sản, điện thoại của người muốn vượt biên vào Việt Nam và ngược lại.
Nhập cảnh từ phía Bắc đi chuyển vào Nam để qua Campuchia
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh ở Campuchia diễn biến phức tạp, số người mắc COVID-19 liên tục tăng. Một số nơi ở nước láng giềng này bị phong tỏa. Tuy nhiên, thị trường tuyển dụng lao động và nhu cầu tìm kiếm việc làm của công dân Trung Quốc tại Campuchia đang tăng cao. Mặt khác, có dấu hiệu người ở Campuchia muốn rời nước này để lánh dịch. Từ đó, xuất hiện tình trạng xuất - nhập cảnh trái phép.
Mới đây, vào sáng ngày 26/4, Công an huyện Hớn Quản (Bình Phước) phát hiện tại khu vực vườn điều thuộc địa bàn tổ 4, ấp An Tân, xã An Phú có 9 đối tượng người Trung Quốc chuẩn bị xuất cảnh sang Campuchia.
Khi bị phát hiện và bắt giữ, nhóm người này khai trước đó nhập cảnh vào Việt Nam từ khu vực biên giới phía Bắc, sau đó di chuyển bằng xe khách vào TP.HCM rồi đi taxi đến Bình Phước để qua Campuchia thì bị phát hiện.
Tương tự, tối ngày 12/4, người dân ấp An Tân, xã An Phú, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước phát hiện 2 xe taxi có dấu hiệu nghi vấn chở người nước ngoài nhập cảnh trái phép nên đã trình báo chính quyền địa phương.
Thấy lực lượng chức năng xuất hiện, 2 tài xế vội điều khiển xe bỏ chạy về hướng huyện Lộc Ninh để tìm đường tẩu thoát. Khi chúng chạy đến địa bàn ấp Sóc Rul, xã An Phú, huyện Hớn Quản thì bị lực lượng chức năng chặn lại. Trên hai xe, lực lượng chức năng phát hiện có 5 người Trung Quốc nên đưa đi cách ly y tế tập trung. Những người này khai đều vượt biên từ miền Bắc đi xe khách vào TP.HCM rồi đi taxi đến Bình Phước để qua Campuchia.
Tổ chức đưa người vượt biên rất tinh vi
Nói về các vụ phát hiện, bắt giữ người nước ngoài nhập cảnh trái phép, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước cho biết hầu hết các đối tượng người Trung Quốc đều nhập cảnh trái phép từ các tỉnh phía Bắc sau đó đi xe đến Bình Phước để qua Campuchia.
Các vụ xuất, nhập cảnh trái phép đều có tổ chức nhưng rất tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Qua các vụ việc và lời khai của người nhập cảnh trái phép, công an nhận định, người Trung Quốc ở Campuchia không ngừng tìm mọi cách móc nối, lôi kéo người Việt Nam để tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và ngược lại.
Sau khi nhập cảnh trái phép từ các tỉnh biên giới phía Bắc, các đối tượng người Trung Quốc sẽ di chuyển bằng xe vào TP. Hồ Chí Minh, sau đó đi đến các tỉnh biên giới, trong đó có Bình Phước để chờ thời cơ tìm đường xuất cảnh qua Campuchia.
Hoạt động của các đối tượng đứng sau rất tinh vi. Chúng thành lập một đường dây gồm đối tượng cầm đầu là người Trung Quốc ở Campuchia chuyên sử dụng mạng xã hội để tuyển dụng công dân tại Trung Quốc sang làm việc cho các công ty, doanh nghiệp, casino Trung Quốc tại Campuchia.
Sau khi có người đồng ý đi Campuchia, chúng chi trả tiền và chỉ đạo các “chân rết” ở Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia tổ chức đưa những công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch rừng núi hiểm trở để vượt biên sang Campuchia. Tại biên giới sẽ có các đối tượng dẫn đường là người địa phương. Chúng thống nhất về thời gian, địa điểm, lợi dụng lúc lực lượng chức năng sơ hở để đưa công dân Trung Quốc xuất cảnh trái phép qua Campuchia.
Người xuất, nhập cảnh trái phép sẽ bị thu giữ hết điện thoại, tiền, tài sản để không có dữ liệu chứng minh được hành trình nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đi Campuchia. Do đó, dù bắt được người nhập cảnh cũng khó bắt được tổ chức đường dây. Do bị thu tài sản, giấy tờ tùy thân nên người nhập cảnh phụ thuộc và làm theo hướng dẫn của tổ chức đường dây.
Lực lượng chức năng còn khó khăn hơn, khi tổ chức đường dây đưa người nhập cảnh trái phép thanh toán tiền công cho các thành viên, “chân rết” ở Việt Nam bằng giao dịch điện tử quốc tế. Do đó, cơ quan điều tra gặp khó trong việc chứng minh động cơ vụ lợi của chúng.
Để kiểm soát tốt tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước phối hợp các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp. Là địa phương có đến 260km giáp biên giới Campuchia, Bình Phước thành lập 62 tổ, chốt cố định, 11 tổ cơ động thực hiện nhiệm vụ liên tục 24/24 giờ mỗi ngày với hơn 1.243 lượt và 10.375 cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, truy quét. Ngoài ra, công an các địa phương trên toàn tỉnh Bình Phước tăng cường lực lượng tuần tra để kịp thời phát hiện đối tượng trước khi chúng đến khu vực biên giới.
Tại Bình Phước, từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã phối hợp bắt giữ, đưa đi cách ly và xử lý 82 vụ/206 đối tượng xuất - nhập cảnh trái phép (13 công dân Trung Quốc, 2 công dân Campuchia). Trong đó, khởi tố 3 vụ/8 đối tượng; xử phạt 79 vụ/183 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 130 triệu đồng.