Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế: Quyết liệt triệt xóa tội phạm 'tín dụng đen'

Để chiếm lĩnh, mở rộng địa bàn và thu hút người vay tiền, nhiều đối tượng cộm cán, có 'máu mặt' ở các tỉnh phía Bắc đã 'đổ xô' vào Huế móc nối, cấu kết với nhau để hình thành nên những đường dây hoạt động 'tín dụng đen', gây mất an ninh trật tự.

Với quyết tâm chặt đứt những đường dây này, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vào cuộc điều tra, xóa sổ nhiều băng nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi, trong đó có cả băng nhóm do đối tượng 9X cầm đầu.

Sóng ngầm

Những năm gần đây, ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tiếp nở rộ các dịch vụ cho vay tiền chỉ trong 24h với nhiều gói “ưu đãi”. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết cũng như nhu cầu vay tiền của một bộ phận người dân do gặp khó khăn trong kinh tế nên nhiều đối tượng ở các tỉnh, thành như Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh, TP Hà Nội... đã đến Huế tổ chức hoạt động cho vay tiền lấy lãi cao để thu lợi bất chính.

Hoạt động “tín dụng đen” của các băng nhóm này không những ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa bàn mà việc rải tờ rơi trên đường phố, dán thông tin quảng cáo cho vay tiền tại các biển hiệu công cộng, trụ điện, trạm chờ xe buýt, tường thành... đã gây mất mỹ quan đô thị TP Huế. Vào giờ cao điểm buổi trưa hoặc giờ tan sở buổi chiều, tại các ngã 3, ngã 4 trung tâm TP Huế, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những cô cậu thanh niên đầu đội mũ bảo hiểm, mặt bịt kín cầm tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền.

Khi người đi đường dừng xe trước cột đèn tín hiệu giao thông thì những cô, cậu này tiến đến dúi vào tay người đi đường những tờ quảng cáo như “Cho vay tiền nhanh”, “Vay tiền nhanh trong ngày không cần thế chấp” hoặc “Vay tiền trong 24h, chỉ cần có CMND, giấy phép lái xe”...

Cán bộ Công an đọc lệnh bắt giữ các đối tượng trong băng nhóm “tín dụng đen” do Hải Anh cầm đầu.

Cán bộ Công an đọc lệnh bắt giữ các đối tượng trong băng nhóm “tín dụng đen” do Hải Anh cầm đầu.

Tại ngã 4 đường Lê Lợi - Hà Nội, chúng tôi bắt gặp Nguyễn T. T. (19 tuổi, quê Hà Tĩnh), là sinh viên năm 2 của một trường đại học ở Huế đang phát tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền. Khi được hỏi, T. cho biết, vì muốn kiếm ít tiền để đóng học phí cho năm học mới nên sau khi được bạn bè giới thiệu, T. liền tìm đến một cửa hàng mua bán xe máy, ô tô đóng ở đường Điện Biên Phủ, TP Huế để xin việc.

“Tại đây, khi hỏi về việc tuyển nhân viên thì em được chủ cửa hàng trả lời là đã tuyển đủ người và chỉ còn một suất dành cho việc rải tờ rơi, quảng cáo. Thấy công việc này không mất nhiều thời gian mỗi ngày, lại được trả mức lương vừa phải nên em đồng ý nhận việc chứ không hề biết bản thân mình đã tiếp tay cho các đối tượng cho vay nặng lãi”, T. thổ lộ.

Không những T. mà còn rất nhiều sinh viên khác đã được các chủ cơ sở “tín dụng đen” tuyển đi làm quảng cáo, phát tờ rơi hoặc mồi chài người vay tiền. Từ một mẫu quảng cáo cho vay tiền trên đường phố, chúng tôi liên hệ với Đặng Đức B. theo số điện thoại được cung cấp trên tờ rơi.

Khi nghe chúng tôi nói cần vay tiền gấp, B. nhanh nhảu hỏi: “Anh có hộ khẩu ở Huế không? Vay từ 30 triệu đồng trở lên thì cần có hộ khẩu, nếu không thì giấy CMND nhưng chỉ vay được 10 triệu đồng thôi nhé”. Khi được hỏi vay 10 triệu đồng lãi suất thế nào, B. vội đáp: “Chỗ chúng tôi không tính lãi suất % như ngân hàng mà chỉ yêu cầu người vay đóng 300 ngàn đồng/ngày và đóng 40 ngày liên tục như thế...”.

Tiếp tục lần theo một số điện thoại khác được dán ở bảng quảng cáo dựng bên vỉa hè, chúng tôi nghe giọng một phụ nữ từ phía đầu dây: “Dịch vụ cho vay tiền N. K xin nghe!”. Khi hỏi về thủ tục vay, người này cho biết: “Nếu vay khoảng 20 triệu đồng trở lại thì lãi suất chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng, miễn em có giấy CMND, giấy tờ xe hoặc dùng sim mạng Viettel từ 6 tháng trở lên là được...”.

Khi được hỏi “Tại sao vay số tiền như vậy nhưng lại không làm hợp đồng...?” thì người phụ nữ này trả lời: “Khi vay tiền em chỉ cần nộp lại giấy CMND, giấy đăng ký xe nhưng bên chị sẽ tính số tiền lãi phải trả khi vay 20 triệu đồng trong 100 ngày là 4 triệu đồng. Nếu em muốn vay tiền nhanh thì phải viết giấy bán xe máy của mình với giá 20 triệu đồng... Thủ tục nó như thế, em cần tiền thì đến chị giải quyết nhanh cho mà lấy tiền tiêu”.

Liên hệ thêm một vài số điện thoại mới biết được rằng, hoạt động “tín dụng đen” như sóng ngầm đang diễn ra rộng khắp ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế và chỉ cần một cuộc gọi, người vay tiền sẽ được đáp ứng ngay dịch vụ này.

Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Nguyễn Đắc Hải Anh.

Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng Nguyễn Đắc Hải Anh.

Đại tá Hoàng Long, Trưởng Công an TP Huế cho biết, tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn do các đối tượng tổ chức hoạt động ngày càng tinh vi, biến tướng và không ít vụ việc gây mất an ninh trật tự đã xảy ra. Cách đây không lâu, 4 người trong gia đình bà Lê T. Q. (74 tuổi, ở phường Phú Hội, TP Huế) bất ngờ bị nhóm thanh niên lạ mặt, xăm trổ đến đòi nợ, sau đó kéo cửa sắt nhà bà Q. và dùng ổ khóa để khóa bên ngoài, nhốt gia đình bà Q. bên trong.

Nguyên nhân vụ việc là do một thành viên trong gia đình bà Q. vay “tín dụng đen” nhưng vì chậm trả tiền lãi nên bị các đối tượng đến đòi nợ. Phải đến khi lực lượng công an đến phá cửa thì gia đình bà Q. mới được “giải cứu”.

Theo thống kê của Cơ quan công an, phần lớn các cơ sở hoạt động theo hình thức “tín dụng đen” đều do những người ở ngoại tỉnh đứng tên và đều có đăng ký kinh doanh. Điều đáng nói, khi có người đến vay tiền, các cơ sở cho vay chỉ làm hợp đồng dân sự mua bán tài sản chứ không có hợp đồng vay vốn. Ví như người vay tiền có xe máy thì sẽ được cơ sở cho vay làm “hợp đồng mua bán xe”, sau đó thực hiện hình thức cho vay tiền bằng cách cho chủ nhân chiếc xe thuê lại xe của chính mình với giá cao ngất ngưởng nhằm lách luật.

Vì thế mà trong quá trình điều tra, cơ quan Công an rất khó có thể xử lý dù đây là hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi suất cao vi phạm pháp luật. Và với hình thức cho vay này, không ít gia đình lâm vào cảnh “vỡ nợ” do lãi mẹ đẻ lãi con hoặc phá sản, vợ chồng ly tán, thậm chí nhiều người tìm đến cái chết do không thể trả hết nợ dù số tiền vay mượn không hề lớn.

Xóa sổ băng nhóm “tín dụng đen” do đối tượng Hải Anh cầm đầu

“Tín dụng đen” gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, không những ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự mà còn khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, việc điều tra, xử lý các đối tượng này không phải dễ dàng do các đối tượng hoạt động tinh vi, luôn có sự liên kết ngầm giữa nhiều cá nhân, băng nhóm, đồng thời lợi dụng sơ hở trong hệ thống pháp luật để hoạt động cho vay nặng lãi.

Với quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn không để “tín dụng đen” hoành hành, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh đã tổ chức rà soát, qua đó phát hiện trên địa bàn tỉnh có 21 ổ nhóm và 114 đối tượng đang hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, từ năm 2018, ở địa bàn nổi lên băng nhóm do đối tượng Nguyễn Đắc Hải Anh (SN 1999, trú tại TP Hà Nội) cầm đầu hoạt động cho vay nặng lãi rất manh động, sẵn sàng dùng hung khí gây thương tích đối với con nợ chậm trả tiền lãi. Vì thế, Phòng CSHS đã xác lập chuyên án đấu tranh, làm rõ để bắt giữ các đối tượng.

Đại tá Phạm Văn Toàn, Phó Trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, với mục đích nhanh chóng bắt gọn các đối tượng trong đường dây “tín dụng đen”, các trinh sát của đơn vị nhanh chóng được “tung” về địa bàn nắm thông tin, lai lịch của các đối tượng, kết hợp thu thập tài liệu chứng cứ phạm tội. Qua đó cơ quan Công an xác định, đối tượng Nguyễn Đắc Hải Anh từ Hà Nội vào Huế và thuê nhà ở (phòng 210 tòa nhà CT2, chung cư Aranya, phường Xuân Phú).

Để có tay chân phục vụ cho công việc, Hải Anh thu nạp 4 đàn em gồm Võ Bá Đạt (SN 1996), Nguyễn Tiến Đại (SN 1998), Đàm Quang Trung (SN 1999, cùng trú tại TP Hà Nội), Nguyễn Đức Giang (SN 1998, trú tại tỉnh Bắc Giang) và bố trí chỗ ăn ở cho các đối tượng này tại khu trọ số 61/3 đường Dương Văn An, phường Xuân Phú, TP Huế). Sau đó Hải Anh phân chia cho Đạt, Đại, Trung, Giang mỗi người phụ trách mỗi địa bàn huyện, thị và TP Huế để hoạt động cho vay nặng lãi.

Toàn bộ số tiền để băng nhóm này hoạt động “tín dụng đen” do một số đối tượng ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chuyển vào tài khoản và giao cho Hải Anh trực tiếp quản lý, điều hành đường dây “tín dụng đen” tại Huế.

Rất nhiều tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền được dán tại nơi công cộng.

Rất nhiều tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền được dán tại nơi công cộng.

Để thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi, Hải Anh sử dụng mạng xã hội quảng cáo hoạt động cho vay tín dụng với thủ tục đơn giản; đồng thời chỉ đạo đàn em rải tờ rơi quảng cáo, dán lên tường, cột điện, ngã tư đèn xanh đèn đỏ và các vị trí đông người trên địa bàn TP Huế và các khu vực lân cận. Hải Anh còn phân công mỗi đối tượng phụ trách địa bàn phải có trách nhiệm thẩm định tình hình khả năng tài chính người vay tiền, thực hiện các thủ tục cho vay và đòi nợ khi cần.

Từ những thông tin, tài liệu và chứng cứ thu thập được, sáng 25-8, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Công an TP Huế đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng tại địa chỉ trên. Cơ quan công an phát hiện, thu giữ hơn 100 triệu đồng, 4 thùng đựng sổ sách, tài liệu thể hiện việc cho vay tiền; 2 con dao; 2 tuýp sắt, 1 khẩu súng nhựa được các đối tượng dùng để đe dọa đòi nợ và 1 xe máy trộm cắp.

Tang vật vụ án Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế thu giữ được.

Tang vật vụ án Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế thu giữ được.

Tại Cơ quan công an, Hải Anh và các đối tượng khai nhận, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt, băng nhóm này đã cho hơn 950 lượt người ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế vay tiền với hơn 11 tỷ đồng. Không theo bất cứ quy định nào, các đối tượng đã áp mức lãi suất “cắt cổ”, từ 180%/năm đến hơn 200%/năm đối với người vay, qua đó thu lợi bất chính số tiền lãi hơn 1,8 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, cơ quan Công an phát hiện nhóm đối tượng này còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như trộm cắp xe máy, giao cấu với trẻ em.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tiến hành tạm giữ hình sự Nguyễn Đắc Hải Anh cùng các đối tượng để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng liên quan theo quy định pháp luật. Theo Đại tá Phạm Văn Toàn, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế còn có nhiều băng nhóm đến hoạt động “tín dụng đen” để cho vay nặng lãi.

Lực lượng Công an tỉnh đã tích cực đấu tranh quyết liệt nhưng các văn bản hướng dẫn xử lý còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực thu thập các tài liệu, chứng cứ, hiện Cơ quan công an đã có đủ căn cứ truy tố trước pháp luật băng nhóm do Nguyễn Đắc Hải Anh cầm đầu và các nhóm đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi.

Việc phá thành công chuyên án, triệt xóa băng nhóm “tín dụng đen” có nhiều đối tượng 9X tham gia đã thể hiện tinh thần kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm “tín dụng đen” nói riêng của lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế. Qua đó nhằm phòng ngừa, răn đe, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa bàn, xây dựng được lòng tin của quần chúng nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương đối với lực lượng công an.

Anh Khoa

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/cong-an-tinh-thua-thien-hue-quyet-liet-triet-xoa-toi-pham-tin-dung-den-560230/