Công an tỉnh Tiền Giang: Khẩn trương triển khai lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Để tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang xây dựng Kế hoạch 168 ngày 12-4-2024 về tổ chức triển khai, thi hành trong lực lượng Công an tỉnh.

Công an xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt ứng dụng định danh điện tử VNeID mức độ 2.

Công an xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt ứng dụng định danh điện tử VNeID mức độ 2.

Theo đó, với vai trò chủ trì trong việc tổ chức thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Tiền Giang khẩn trương đề xuất UBND tỉnh Đề án Kiện toàn, thống nhất tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tuyển chọn thành viên; đề xuất trang cấp trang thiết bị hoạt động, tổ chức tập huấn, hướng dẫn toàn diện cho lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở; trang cấp trang phục, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, chính sách để lực lượng này yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Tiền Giang tổ chức tập huấn, quán triệt, hướng dẫn cho lực lượng Công an xã nắm vững các quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các quy định hiện hành để có căn cứ hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Luật quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, với 6 nhóm nhiệm vụ được giao, bao gồm:

1. Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự;

2. Hỗ trợ xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”;

3. Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

4. Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội;

5. Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở;

6. Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.

(Quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10, 11, 12)

Tiêu chuẩn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

1. Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã.

2. Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.

4. Đang thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 15 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở còn có quy định ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư hoặc đã từng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đối với các trường hợp này, phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

5. Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Một trong những yếu tố thu hút công dân tham gia và gắn bó lâu dài với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tựở cơ sở là chế độ, chính sách. Nội dung này được quy định tại Điều 23 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo đó, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ; được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và các điều kiện bảo đảm hoạt động khác quy định tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Để tổ chức triển khai thi hành nghiêm túc Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 145/KH-UBND và triển khai đến các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo UBND các địa phương nhằm quán triệt thực hiện đúng các nội dung, tiến độ, quy trình đề ra, thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trong đó, quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Kế hoạch 145 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, thiết thực và hiệu quả.

Kế hoạch 145 đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các đơn vị có liên quan. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương có liên quan đến việc triển khai thi hành Luật.

Công an tỉnh là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự, số lượng thành viên, chính sách hỗ trợ và khẩn trương chuẩn bị các điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, pháp luật ngay sau khi kiện toàn thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

THANH DUY

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202405/cong-an-tinh-tien-giang-khan-truong-trien-khai-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-1011152/