Công an, Tòa án vào cuộc gỡ vướng khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật BHXH

Cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ, trong đó đã có 4 vụ khởi tố theo Điều 214 về hành vi lập hồ sơ BHXH, BHTN trong đó có giấy tờ, tài liệu giả để thanh toán các chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí...

Ngày 26-11, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn công tác tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN với sự tham dự của đại diện Bộ Công an, TAND Tối cao.

Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chính sách BHXH nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định chính trị-xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Do đó, những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT cần phải xử lý nghiêm.

Ông Ánh cho biết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành BHXH Việt Nam đã gặp một số khó khăn, đặc biệt là tình trạng trục lợi quỹ, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để xử lý tình trạng này.

BHXH Việt Nam tập huấn về công tác tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN- Ảnh: Thanh Hằng

BHXH Việt Nam tập huấn về công tác tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN- Ảnh: Thanh Hằng

"Với chức năng được giao, trong gần 2 năm thực hiện Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia kiến nghị khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, nhưng vẫn có rất ít đơn vị bị xử lý"- ông Ánh nói. Do đó cần xác định rõ và đúng các hành vi vi phạm; lắng nghe khó khăn của các địa phương để cùng nhau tháo gỡ; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc xử lý tố tụng hình sự đối với các hành vi vi phạm.

Theio đại diện Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam), sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, BHXH nhiều địa phương đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng và giảm nợ đọng BHXH, BHYT.

Tính đến 30-9, cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ, trong đó đã có 4 vụ được khởi tố theo Điều 214. Như vậy, có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, ngoài 4 vụ việc đã có quyết định khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, thì hiện chưa có vụ việc nào bị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện TAND Tối cao cũng giới thiệu về các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan các tội danh trong lĩnh vực BHXH: Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215); tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ (Điều 216) cũng như hướng dẫn áp dụng các điều luật này trong Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Đồng thời, nghe đại diện Bộ Công an trao đổi kinh nghiệm về thu thập tài liệu, chứng cứ trong việc thụ lý hồ sơ kiến nghị khởi tố theo các tội danh quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự.

Đại diện TAND Tối cao đề nghị xử lý nghiêm hành vi trốn đóng BHXH-Ảnh: Thanh Hằng

Đại diện TAND Tối cao đề nghị xử lý nghiêm hành vi trốn đóng BHXH-Ảnh: Thanh Hằng

Tại đây, đại diện BHXH Việt Nam nêu 4 vấn đề lớn mà các địa phương phản ánh gồm: Cơ quan Công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác; về dấu hiệu "đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm"; về số tiền tính lãi thời gian chậm đóng có được tính làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không; đối với hành vi chậm đóng mà đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người, số tiền phải đóng nhưng không đóng (lý do phía đơn vị đưa ra là do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có thủ đoạn gian dối), cơ quan điều tra có ý kiến "đơn vị nợ do khó khăn, đề nghị khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật".

Theo đại diện BHXH TP HCM việc địa điểm tiếp nhận hồ sơ phía Công an yêu cầu lại là quận, huyện- điều này chưa có sự thống nhất. Ngoài ra, cơ quan Công an cũng yêu cầu BHXH cung cấp số liệu hồ sơ như HĐLĐ, bảng lương… Trong khi đó những yêu cầu này, phía cơ quan BHXH rất khó có thể cung cấp được.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh mong muốn, thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục được sự hỗ trợ của phía Bộ Công an và TAND Tối cao trong việc gỡ vướng quá trình xử lý DN vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất trong việc kiến nghị khởi tố các đơn vị vi phạm là đòi lại quyền lợi chính đáng cho người tham BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các địa phương trước khi gửi hồ sơ sang phía cơ quan Công an cần trao đổi, nắm bắt thông tin để việc xử lý dễ dàng nhất. "Đối với một số trường hợp cố tình vi phạm, cần bổ sung hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý một cách nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, qua đó làm gương cho những DN có dấu hiệu vi phạm"- ông Ánh nói.

Xử lý nghiêm để có thể răn đe

Theo đại diện Bộ Công an, các hành vi vi phạm trong Điều 216 hiện đang bị nhầm lẫn hoặc khó xác định, do có tính chất cố ý và vô ý. Do đó, để thực hiện hiệu quả công tác tố tụng ban đầu, phía cơ quan BHXH cần nắm rõ thông tin, trao đổi với phía cơ quan Công an và chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình DN, từ đó có quyết định đúng khi chuyển hồ sơ sang Công an. Nếu đơn vị nào cố tình vi phạm sẽ chuyển hồ sơ để khởi tố"- đại diện Bộ Công an chia sẻ.

Đề cập tới trách nhiệm của từng cơ quan, đại diện TAND Tối cao khẳng định, hành vi trốn đóng BHXH là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ cũng như sự phát triển kinh tế đất nước. Các trường hợp này cần xử lý nghiêm để có thể răn đe.

D.Thu

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cong-an-toa-an-vao-cuoc-go-vuong-khoi-kien-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-bhxh-20201126191246613.htm