Công an Tp.HCM: Siết chặt giấy đi đường nhằm góp phần kiểm soát dịch bệnh
Công an Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, việc thẩm tra chặt chẽ giấy đi đường nhằm góp phần kiểm soát dịch bệnh chứ không cố tình gây khó khăn.
Chiều 25/8, UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức họp báo về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn. Tại đây, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi cho đại diện Công an Tp. Hồ Chí Minh về việc cấp giấy đi đường.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Tp. Hồ Chí Minh thừa nhận có xảy trường hợp xe vận chuyển hàng hóa đã có mã QR nhưng lực lượng kiểm soát chốt vẫn yêu cầu xuất trình giấy đi đường và không cho lưu thông.
“Khi nhận được phán ảnh, tôi đã chỉ đạo, yêu cầu trưởng Công an quận đó phải quán triệt lại cho cán bộ, chiến sĩ về quy định kiểm tra”, ông Hà nói.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, các lực lượng của Công an Tp. Hồ Chí Minh chấp hành nghiêm và kiểm tra lưu giao thông theo quy định của UBND Tp. Hồ Chí Minh.
Theo đó, xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu đã được cấp mã QR thì được phép lưu thông theo khu vực và thời gian được cấp phép mà không phải kiểm tra giấy đi đường.
Đại diện Công an Tp. Hồ Chí Minh cũng nhận được câu hỏi vì sao không cấp đúng số lượng giấy đi đường đã đăng ký từ các cơ quan, sở ngành, quận huyện mà lại cắt giảm.
Thượng tá Lê Mạnh Hà trình bày, với chỉ đạo của Chính phủ và UBND Tp. Hồ Chí Minh, việc kiểm soát giao thông theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ với phương châm “ai ở đâu ở đó”.
Do yêu cầu giãn cách xã hội nên Công an Tp. Hồ Chí Minh phải cân nhắc kỹ trong việc cấp giấy đi đường, và cũng có một số đơn vị chưa nghiêm chỉnh chấp hành.
“Những người được cấp phép đi đường phải là đối tượng thật sự thực hiện nhiệm vụ, công tác cần thiết chứ không thể thả nổi, mất kiểm soát”, thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Sau khi thẩm định, Công an Tp. Hồ Chí Minh phát hiện có một số doanh nghiệp đăng ký hơn 60 giấy đi đường. Trong khi những công việc cần thiết về hậu cần, tài chính thì chỉ cần 2 – 3 người, thậm chỉ chỉ 1 người là đủ.
“Chúng tôi phải xem xét, đánh giá kỹ từng trường hợp. Nếu cần thiết sẽ có điều chỉnh, Công an Tp. Hồ Chí Minh không tự ý quyết định, mà số lượng giấy cấp ra đều có báo cáo UBND Tp. Hồ Chí Minh, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định”, thượng tá Lê Mạnh Hà nhận định.
Đối với các cơ sở kinh doanh gas bán lẻ phản ánh không được cấp giấy đi đường, Công an Tp. Hồ Chí Minh cho rằng sự phối hợp giữa các sở ngành, quận huyện chưa nhịp nhàng nên còn bất cập.
Trong khi đó, đại diện sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng lên tiếng về trục trặc, khó khăn cấp giấy cho đối tượng này.
Ngày 23/8, sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã nỗ lực cấp 80.000 giấy lưu thông cho các hệ thống phân phối, các đối tượng liên quan trong đó có cả gas, logistic, shipper.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết: “Tuy nhiên, theo tiến độ và năng lực, chúng tôi thấy rằng sở Công Thương không đủ sức cấp phát toàn bộ giấy đi đường cho tất cả các loại hình hoạt động kinh doanh nên đã kiến nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh phân cấp lại”.
Theo văn bản 2800 của UBND Tp. Hồ Chí Minh thì sở chỉ cấp giấy đi đường cho ba loại hình gồm: Nhân viên giao hàng của hệ thốnng phân phối; nhân viên phục vụ của hệ thống phân phối, nhân viên điện lực; nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đến ngày 24/8, do mẫu giấy đi đường có thay đổi từ Công an Tp. Hồ Chí Minh nên sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng như các cơ quan khác phải cấp lại từ đầu.
“Chúng tôi nhận được số lượng đăng ký là hơn 100.000 đề nghị, trong khi đó chỉ nhận được 40.000 form mẫu giấy từ phía Công an Tp. Hồ Chí Minh”, Phó Giám đốc Nguyễn Nguyên Phương trình bày.
Do đó, sở Công Thương đã tính toán lại, quyết định cắt giảm số lượng cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, có những đơn vị không thể cắt giảm như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cung ứng hàng hóa cho người dân.
“Ví dụ mỗi siêu thị cần 100 người thì phải đủ nhân sự. Nếu cắt giảm thì tối đa chỉ 10% chứ không thể hơn để tránh ảnh hưởng hoạt động của họ. Bên cạnh đó là cân nhắc kỹ các loại hình ưu tiên”, ông Phương chỉ ra.
Tính đến 25/8, sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh chỉ mới giải quyết được 831 hồ sơ, điều phối 352 hồ sơ trong tổng số gần 104.000 hồ sơ nhận được.
“Toàn bộ cán bộ của sở Công Thương đã dành hết thời gian nỗ lực giải quyết hồ sơ. Nhưng buộc lòng phải kiến nghị Công an Tp. Hồ Chí Minh cấp thêm form mẫu giấy để giải quyết cho một số loại hình hoạt động cần thiết”, phó Giám đốc Nguyễn Nguyên Phương phân trần.