Công an TPHCM hỗ trợ cấp thẻ căn cước cho người khuyết tật cơ nhỡ
Ngày 4/8, Công an TPHCM (CATP) cho biết, đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức cấp thẻ căn cước cho 117 trường hợp bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (TP. Thủ Đức).
Phấn khởi nhận được tờ giấy chứng minh là công dân, ông Trương Hoàng Minh cho biết, trước đây vì không có giấy tờ tùy thân nên chỉ xin được việc làm bốc vác ở chợ đầu mối Bình Điền. Đến năm 2000, ông được Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh đưa về chăm sóc.
“Tôi chỉ biết tên mình, nhớ năm sinh vì hồi đó ba mẹ nói cho biết chứ cũng không có giấy tờ gì chứng minh. Suốt mấy chục năm nay, tôi không dám đi đâu, cũng không biết ra ngoài trung tâm thì làm gì để sống”, ông Minh bày tỏ.
Ông Trần Minh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh, cho biết hiện trung tâm đang nuôi dưỡng, trợ giúp 207 người khuyết tật. Đây là những người lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn TPHCM, được Nhà nước chăm sóc, nuôi dưỡng. Người nào có điều kiện, có thân nhân đồng ý bảo lãnh thì sẽ được hồi gia. Hầu hết những người đang sinh sống ở trung tâm đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt, không có giấy tờ tùy thân.
Theo ông Tâm, trong thời gian qua, khi thành phố thực hiện Đề án 06, Bộ Công an, Công an TPHCM và công an địa phương đều hết sức hỗ trợ trung tâm làm căn cước công dân/thẻ căn cước cho các hoàn cảnh này.
“Nhiều trường hợp nhận được căn cước đã rất xúc động. Trung tâm cũng thuận lợi hơn trong việc quản lý, trợ giúp, đăng ký bảo hiểm y tế cho người khuyết tật”, ông Tâm nói.
Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2, Phòng PC06 Công an TPHCM cho biết, sau hơn một năm triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố, đến nay đã cấp được gần 2.000 CCCD/thẻ căn cước cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt.
Theo trung tá Châu, do đa số những người ở trung tâm bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, không có hoặc khá ít thông tin nên việc tiến hành thu thập thông tin để cấp thẻ căn cước rất khó khăn. Dù vậy, lực lượng công an cũng như các sở, ban ngành luôn quyết tâm làm hết sức để không ai bị bỏ lại phía sau.
"Các cô chú, anh chị ở trung tâm đi lại khó khăn nên chúng tôi đến tận nơi làm thẻ căn cước giúp họ”, Trung tá Châu chia sẻ.
Thượng úy Phan Đình Linh, Ban Thanh niên Công an TPHCM cho biết, với phương châm “Lấy chuyên môn làm tình nguyện, lấy chuyên môn phục vụ cộng đồng”, Đoàn CATP phối hợp với các đơn vị thiết lập nhiều công trình, phần việc thanh niên ý nghĩa. Với việc thực hiện Đề án 06, từ tháng 10/2022, Đoàn CATP đã khởi động công trình thanh niên “Tuổi trẻ CATP xung kích trong thực hiện Đề án 06”, huy động nhiều nguồn nhân lực, vật lực nhằm đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thực hiện đề án này của lực lượng CATP trên toàn địa bàn thành phố.
Trong đó, Đoàn CATP huy động, tập hợp lực lượng đoàn viên thanh niên, đặc biệt là đội ngũ bí thư chi đoàn công an các xã, phường, thị trấn, tiến hành thu nhập thông tin để tra cứu, xác minh và tìm thân phận cho người yếu thế, người tàn tật đang sinh hoạt và điều trị tại trung tâm.
Tại buổi hoạt động, Đoàn Thanh niên Văn phòng Thành ủy TPHCM đã trao tặng 1 dàn máy tính trị giá 10 triệu đồng phục vụ chuyển đổi số dữ liệu và công tác chuyên môn của trung tâm; Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị CATP trao tặng 4 xe lăn trị giá 10 triệu đồng; Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV trao tặng 50 phần quà an sinh trị giá 5 triệu đồng.
Thời gian tới, với quyết tâm nỗ lực hết mình trong “hành trình đi tìm định danh cho người yếu thế”, tuổi trẻ CATP tiếp tục cùng các đơn vị có liên quan phấn đấu, hoàn thành sớm việc cấp thẻ căn cước đối với các nhân khẩu đặc biệt đang cư trú tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ khác trên địa bàn thành phố.