Công an vạch mặt chiêu trò hù dọa, lừa đảo

Gọi điện thoại tự xưng là công an hay người của viện kiểm sát để dọa dẫm, lừa đảo tiền tỉ là một chiêu không mới của tội phạm song nhiều người vẫn mắc bẫy, trong đó có cả cán bộ.

Liên tục trong khoảng một tuần, Công an TP.HCM tiếp nhận thông tin về sáu vụ lừa đảo qua điện thoại. Trong số này, năm vụ được ngăn chặn kịp thời, một vụ nạn nhân đã bị lừa mất 500 triệu đồng. Đây là thông tin Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng cảnh sát hình sự (PC02, Công an TP.HCM), cho biết.

Theo ông, tình trạng lừa đảo qua điện thoại là một thực tế đã xảy ra trên địa bàn cả nước nhưng trong đợt dịch COVID-19 thì phức tạp hơn. Nạn nhân là một bộ phận người dân chưa hiểu biết pháp luật, cá biệt có cả cán bộ nhà nước.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Nhiều trường hợp lừa đảo thành công vì các nhóm tội phạm đã sử dụng phần mềm giả số điện thoại của trung tâm bưu chính hoặc cơ quan nội chính để gọi đến. Nạn nhân nghe máy thì máy hiện tiếng nhạc tự động, y hệt trung tâm bưu chính viễn thông đang hướng dẫn bấm số bất kỳ để gặp tổng đài viên.

Thông thường, kịch bản sau đó là những số máy này báo nạn nhân có bưu phẩm ở bưu điện, đề nghị cung cấp thêm thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ… để đối chiếu.

Nhiều người nhẹ dạ đã làm theo, tiếp đó nhóm lừa đảo viện cớ người có bưu phẩm đang nợ cước viễn thông, tiền nợ ngân hàng hoặc đang bị khởi kiện… nên chưa thể nhận bưu phẩm.

Chờ khổ chủ phản ứng rằng không có chuyện đó, nhóm này sẽ thông báo “có cán bộ công an làm việc ở đây, chúng tôi sẽ nối máy để gặp…”.

Kế đến, một giọng khác tự giới thiệu là điều tra viên hoặc người của VKSND Tối cao, nói nạn nhân đang liên quan đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy hoặc cầm đầu một số vụ án. Những tấm ảnh chụp lệnh khởi tố hay bắt tạm giam được gửi qua điện thoại đến người nghe máy.

Người nghe điện thoại vì nhìn giấy giống của cơ quan chức năng, lại thấy tên tuổi, địa chỉ của mình rất đúng nên hoang mang, lo sợ. Từ đó, họ ngoan ngoãn thực hiện yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản vào địa chỉ mà “điều tra viên” hướng dẫn với lý do “phong tỏa tài khoản, lúc nào điều tra xong sẽ trả lại”. Khi thực hiện yêu cầu, số tiền này coi như đã vào tay nhóm lừa đảo bởi nó lập tức đi qua nhiều tài khoản thông qua Internet banking nhằm xóa dấu vết.

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng PC02, Công an TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng PC02, Công an TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Thông tin trong điện thoại bị đánh cắp trong 6 giây

Qua điều tra, công an xác định đứng đằng sau những nhóm lừa đảo này đều là người nước ngoài. Họ dùng thủ thuật công nghệ để khi gọi điện thoại qua máy nạn nhân thì hiện ra đầu số của cơ quan công quyền. “Chỉ cần 6 giây chúng ta nghe điện thoại thì toàn bộ thông tin đăng ký cá nhân của thuê bao di động đã bị lén sao chép, chụp lại để sử dụng cho mục đích phạm tội, hăm dọa nạn nhân” - Thượng tá Nguyễn Đăng Nam nói về phương thức tinh vi này.

Người dân hay cán bộ nếu có liên quan đến pháp luật thì đều được giải quyết theo trình tự, có giấy mời được gửi. Các cơ quan tiến hành tố tụng không bao giờ được gọi điện thoại để đưa ra các quyết định bắt, tạm giam.

PC02 Công an TP.HCM

Vị trưởng phòng PC02 lắc đầu thở dài vì nhiều vụ việc mất tiền một cách rất cay đắng. “Có những người chuyển nhiều lần, có những vụ án số tiền chuyển đến hàng chục tỉ đồng. Hay có em đi dạy thêm, không dám ăn tiêu, mãi mới tích cóp được mấy trăm triệu đồng. Chúng gọi điện thoại đe dọa tiền này là do buôn ma túy, cứ chuyển để kiểm tra, nếu không phạm tội thì trả ngay. Thế là nạn nhân chuyển sạch, khi biết mình bị lừa thì đòi tự tử” - ông Nam nói.

Dẫn thêm một số trường hợp, ông cho hay không chỉ người dân có hạn chế về hiểu biết mà nhiều cán bộ cũng bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu nói trên.

Để hạn chế tiến tới triệt xóa hình thức lừa đảo qua điện thoại, trưởng Phòng PC02 cho hay ngoài công tác điều tra, tới đây công an sẽ có những buổi làm việc với phía ngân hàng. Theo đó, đề nghị ngân hàng nếu thấy các lệnh chuyển tiền bất thường chỉ trong 3 phút đã chuyển đi số tiền lớn thì tiến hành hoãn giao dịch lại chừng vài phút hoặc nửa tiếng để công an phối hợp xác minh. Bởi phần lớn những lệnh chuyển tiền ngay lập tức như thế này đều có tính chất mờ ám.

Bên cạnh đó, việc sử dụng CMND giả để lập các tài khoản ngân hàng không khó, do vậy công an cũng sẽ đề nghị siết chặt việc mở tài khoản.

Nhờ người thân hiểu biết nên thoát bẫy

Một trường hợp lừa đảo tương tự xảy ra tại Hà Nội, theo đó, hồi đầu tháng 2 năm nay, chị ĐTNL (29 tuổi, trú Hà Nội) đang ngủ thì nhận được cuộc gọi. Quá trình nghe máy, một người đàn ông tự xưng là cán bộ của Bộ Công an nói có bằng chứng chị L. đã bán tài khoản của mình với giá 200 triệu đồng cho người tại ngân hàng để sử dụng vào mục đích rửa tiền. “Cán bộ” này dọa chị L. bị tình nghi tham gia vào đường dây trên, sẽ bị di lý từ Hà Nội vào Đà Nẵng để phục vụ điều tra…, từ đó đưa ra những yêu cầu nghe có vẻ rất chính đáng.

Quá hoang mang, chị L. tắt máy. Liền đó, chị gọi cho nhiều người thân kể về sự việc và được khẳng định đó là lừa đảo. Đến lúc này chị mới yên tâm.

Công an TP Hà Nội cho biết trường hợp của chị L. là một trong rất nhiều phản ánh của người dân gửi tới cơ quan này, từ đó đưa ra các khuyến cáo để người dân tránh mắc bẫy.

TUYẾN PHAN

NGUYỄN TÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/cong-an-vach-mat-chieu-tro-hu-doa-lua-dao-904127.html