Công an vào cuộc xác minh ngọn đồi sát dự án cao tốc Túy Loan – Hòa Liên bị khoét sâu
Ngọn đồi bị khai thác nằm cách mặt đường dự án cao tốc Túy Loan – Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, chỉ vài mét. Tại đây, các phương tiện cơ giới đã đào sâu vào sườn đồi và vận chuyển đất đi nơi khác.
Ngày 12/4, trao đổi với Người Đưa Tin, lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, lực lượng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng đang vào cuộc xác minh việc múc đất tại khu vực gần công trình dự án cao tốc Túy Loan – Hòa Liên, huyện Hòa Vang, ra khỏi địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Gần công trường cao tốc Túy Loan - Hòa Liên (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nhiều xe ben lấy đất từ khu đồi trồng keo, cách mặt đường dự án chỉ vài mét, nơi xe múc đào sâu vào sườn đồi.
Những ngày qua, tại khu vực gần công trường dự án cao tốc Túy Loan - Hòa Liên, thành phố Đà Nẵng, nhiều xe ben lấy đất tại khu vực đồi trồng keo thuộc địa phận xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, đoạn giao nhau giữa đường ĐH2 và cao tốc Túy Loan - Hòa Liên. Khu vực khai thác cách mặt đường dự án cao tốc chỉ vài mét. Tại đây, xe múc khoét sâu vào mỏm đồi.
Khi nhận xong đất, các xe ben phần lớn mang logo chữ C di chuyển theo đường nội bộ tiến ra dự án cao tốc Túy Loan - Hòa Liên để rẽ vào đường ĐH2. Sau đó di chuyển qua nhiều tuyến đường khác nhau của huyện Hòa Vang.

Đất được đưa lên xe để di chuyển khỏi ngọn đồi.
Điểm cuối cùng của các xe ben chứa đầy đất đi từ thành phố Đà Nẵng là một núi đất cao nằm cạnh lò gạch, thuộc xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Liên quan vấn đề này, ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Giám đốc Điều hành Dự án cao tốc Túy Loan - Hòa Liên,Ban quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, khẳng định: "Đất tặc lộng hành nghoài phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án. Ngoài đó thuộc phần dự án đường gom mở rộng của thành phố".

Các xe chở đất di chuyển theo đường nội bộ tiến ra dự án cao tốc Túy Loan - Hòa Liên.
Trong khi đó, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cho hay, hiện nay thành phố không có chủ trương cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi thành phố.
Tuy nhiên, do nhu cầu về khoáng sản tại thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã vận động, đề nghị các chủ mỏ cung cấp nguồn đá, đất đảm bảo cho việc san lấp các công trình, dự án trên địa bàn.
Theo ông Chương, đối với dự án cao tốc Túy Loan - Hòa Liên, có chiều dài 11,5km, đi qua địa phận của 3 xã của huyện Hòa Vang. Theo hồ sơ được phê duyệt và báo cáo của chủ đầu tư, nhu cầu đất san lấp là đơn vị tự cân đối trong khu vực dự án.

Bãi tập kết là một núi đất cao nằm cạnh lò gạch, thuộc xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Đối với đất thừa tại dự án cao tốc Túy Loan - Hòa Liên sau khi đã khai thác, không đảm bảo hoạt động san lấp, chủ đầu tư đã báo cáo và Sở Nông nghiệp và Môi trường thống nhất phê duyệt chủ trương theo hướng hoàn thổ 4 khu vực mỏ đã đóng cửa.
Trước đó, ngày 29/5/2024, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ký quyết định chấp thuận vị trí bãi đổ vật liệu dư thừa phục vụ thi công Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên – Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, UBND thành phố thống nhất cho phép Ban Quản lý Hồ Chí Minh và Liên doanh nhà thầu Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn – Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 – Công ty TNHH MTV 17, nhà thầu thi công Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên – Túy Loan được thỏa thuận bãi đổ thải vật liệu dư thừa không thể tận dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, được đổ vào 4 mỏ đá xây dựng để hoàn thổ cải tạo phục hồi môi trường.

Đất được đổ xuống bãi tập kết.
Mỏ đá xây dựng Hố Chuồn, xã Hòa Ninh, của Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng Dinco tiếp nhận khoảng 170.000 m3.
Mỏ đá xây dựng Trường Bản, xã Hòa Sơn, của Công ty TNHH Xây dựng Trường Bản tiếp nhận khoảng 100.000m3.
Mỏ đá xây dựng Hố Lưỡi Mèo 1, xã Hòa Ninh, của Công ty TNHH MTV Đông Sơn Hòa Ninh tiếp nhận khoảng 50.000 m3.
Sau cùng, mỏ đá xây dựng Hố Sâu, xã Hòa Nhơn, của Doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Đức May tiếp nhận khoảng 30.000 m3.

Cơ quan chức năng đã giăng dây, cấm các xe ra vào khu vực ngọn đồi bị khoét sâu.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Ban quản lý dự án Hồ Chí Minh và các đơn vị nhà thầu có trách nhiệm chỉ đổ thải phần khối lượng khoảng 350.000 m3 không thể tận dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng theo dự toán đã được duyệt.
Các đơn vị này cam kết vật liệu dư thừa phải đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đổ thải không gây ảnh hưởng đến môi trường; đồng thời chịu trách nhiệm khắc phục nếu việc đổ thải gây ra ô nhiễm môi trường tại khu vực.
Quá trình vận chuyển đi đổ thải phải đảm bảo phương tiện vận chuyển phù hợp, che chắn không làm rơi vãi, rò rỉ, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường trên tuyến đường vận chuyển và tại vị trí tiếp nhận.
Ngoài ra, các đơn vị tuân thủ, yêu cầu, biện pháp bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự.