Vượt khó đưa các công trình giao thông trọng điểm về đích trong năm 2025
Hiện cả nước đang triển khai thi công 28 dự án/dự án thành phần đường bộ cao tốc, với tổng chiều dài khoảng 1.188km, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 để đạt mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng chính phủ chỉ đạo chậm nhất tới 31/12/2025 phải cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành. (Ảnh: ĐÌNH HUY)
Cùng với việc thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn tới Cà Mau; giai đoạn 1 sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cũng sẽ cơ bản hoàn thành. Bên cạnh các công trình đang nước rút hoàn thành các hạng mục cuối cùng thì vẫn còn nhiều khó khăn đang cản trở tiến độ về đích nhiều dự án.
Nước rút hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm đúng dịp 30/4/2025
Cao tốc đoạn Bùng-Vạn Ninh dài gần 49km qua địa phận tỉnh Quảng Bình được khởi công vào ngày 1/1/2023, theo hợp đồng ký kết, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 17/10/2025. Tuy nhiên, chủ đầu tư và các nhà thầu phấn đấu rút ngắn thời gian thi công 6 tháng để thông xe vào ngày 30/4/2025.
Đảm nhận thi công 17km tại dự án đoạn Bùng-Vạn Ninh (trong đó có gần 15km tuyến chính), Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành phần việc của đơn vị mình tại dự án cao tốc Bùng-Vạn Ninh từ trước Tết Nguyên đán và các nhà thầu cũng đang hoàn thành các hạng mục cuối cùng để bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 19/4/2025, bảo đảm thông xe đúng dịp 30/4 năm nay”.

Dự án cao tốc Bùng-Vạn Ninh sẽ thông xe vào dịp 30/4/2025. (Ảnh: ĐÌNH HUY)
Cùng với dự án cao tốc Vân Phong-Nha Trang dài 83km đi qua tỉnh Khánh Hòa, ba tuyến cao tốc gồm Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng và Bùng-Vạn Ninh dài 138km được thông xe trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là những mắt xích quan trọng trong việc kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực miền trung đầy tiềm năng.
Giải bài toán mặt bằng - nút thắt lớn nhất của dự án
Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên-Túy Loan đi qua địa bàn Thành phố Đà Nẵng có tổng chiều dài 11,5km là một trong những dự án gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, tính từ thời điểm khởi công dự án (tháng 8/2023).
Ông Phạm Đình Phi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hòa Sơn cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng tại xã Hòa Sơn là gần như toàn bộ các hộ dân nằm trong diện giải tỏa đều là đồng bào công giáo, có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo gần các nhà thờ như nhà thờ Phú Thượng và nhà thờ Phú Hạ. Vì vậy bà con mong muốn được tái định cư tại chỗ để bảo đảm an sinh và sinh hoạt tín ngưỡng.
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã xây dựng một tổ tuyên truyền vận động, trong đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm tổ trưởng, chia thành các đoàn trực tiếp tuyên truyền về ý nghĩa của công trình đường cao tốc khi được xây dựng sẽ giúp cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư số 6 và số 7, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tín ngưỡng của bà con”.
Ông Phạm Đình Phi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng (Video: LÊ TIẾN SỸ)
Ông Phi cũng chia sẻ về khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương mình, trong số các công trình cần giải tỏa có rất nhiều mồ mả của bà con giáo xứ, vì vậy xã đã phối hợp với Hội đồng giáo xứ, các linh mục, chức sắc tuyên truyền vận động bà con.
Cao tốc Hòa Liên-Túy Loan có tổng chiều dài 11,5km với quy mô 4 làn xe được đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2025. Đây là dự án quan trọng khi chính là khớp nối giữa cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và cao tốc La Sơn-Hòa Liên, giải quyết bài toán giao thông khu vực và là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố đáng sống Đà Nẵng.
“Chúng tôi biến khó khăn thành thuận lợi khi chính quyền địa phương có mối quan hệ thâm tình với các giáo xứ và linh mục, chúng tôi chủ động trao đổi và tranh thủ sự đồng thuận của các linh mục, các giáo xứ và bà con trên cơ sở bảo đảm tốt nhất lợi ích của người dân, phải làm sao cho bà con hiểu và đồng thuận cùng chính quyền”, ông Phi nói.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác vận động người dân đồng thuận di dời tạo mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến cao tốc, ông Trần Văn Hiếu, Phó Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang thừa nhận: “Công tác giải phóng mặt bằng hết sức nhạy cảm vì ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân, ban đầu chúng tôi còn lúng túng trong triển khai công tác này. Tuy nhiên qua các cuộc vận động của chính quyền huyện và xã, người dân đã hiểu tầm quan trọng của dự án vì vậy nhiều hộ dân đã đồng thuận, ủng hộ dự án.
Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang đã gặp gỡ các linh mục với mong muốn nhận được sự ủng hộ từ các giáo dân cho chủ trương xây dựng con đường tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Trong giai đoạn sắp xếp tinh gọn bộ máy của chính quyền hai cấp, chúng tôi đã báo thành phố để có kế hoạch bàn giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, bảo đảm công tác này không bị gián đoạn, bảo đảm quyền lợi và lợi ích chính đáng cho người dân. Như vậy, tính đến thời điểm Tết Nguyên đán 2025 công tác giải phóng mặt bằng mới cơ bản được hoàn thành".

Thi công xuyên đêm trên công trường xây dựng cao tốc Hòa Liên-Túy Loan. (Ảnh: ĐÌNH HUY)
Xử lý dứt điểm thiếu nguồn vật liệu thi công
Bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng, việc có đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án cũng là bài toán tốn nhiều tâm huyết của những người đảm nhiệm thi công các dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam hiện nay.
Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: “Thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 10 mỏ đá. Vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án chủ yếu là nguồn cấp phối đá dăm, 2 mỏ trên địa bàn Đà Nẵng công suất khai thác hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu của Dự án”.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 cho biết: “Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan hội tụ đầy đủ những khó khăn của một dự án giao thông, đây là dự án nâng cấp, mở rộng trên đường cũ, vừa làm vừa bảo đảm giao thông tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn, mất hơn 1 năm chúng tôi mới có mặt bằng sạch thi công. Nguồn vật liệu đặc biệt nguồn đá và vật liệu bê-tông nhựa rất hiếm. Đến thời điểm này thời gian không còn nhiều để chúng tôi đưa dự án về đích đúng hẹn.
Cũng nằm trong những khó khăn về mặt bằng thì dự án Hoài-Quy Nhơn mà chúng tôi là nhà thầu thi công chính cũng vướng 2,46km đất rừng, phải mất gần 2 năm mới có thể giải quyết, cuối tháng 11/2024 chúng tôi mới nhận được mặt bằng. Chúng tôi đang tập trung 5 mũi thi công để giải phóng 2,46km đất rừng này. Thậm chí chúng tôi phải phải vận chuyển đá từ Khánh Hòa về công trường với cự ly rất xa 350km cả đường bộ và đường biển. Vừa qua, chúng tôi tổ chức phát động thi đua đột phá 90 ngày đêm hoàn thành dứt điểm các khó khăn đưa các dự án về đích”.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 (Video: Thu Hà)
Cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm 2025
Những ngày đầu tháng 4/2025, trên công trường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau rộn ràng tiếng máy xe cơ giới thực hiện công đoạn dỡ tải. Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc điều hành Ban điều hành Trường Sơn Nam, từ giữa tháng 3/2025, đơn vị đã bắt đầu dỡ tải tại 2 vị trí, với tổng chiều dài khoảng 2,2km; đã dỡ tải được khoảng 400m và cấp phối đá dăm được khoảng 200m.
Nhà thầu tổ chức 5 mũi thi công, mỗi mũi thi công được huy động ít nhất 10 xe tải, xe lu chuyên dụng. Cùng với đó, chỉ đạo các công nhân tăng ca, làm ngày làm đêm, bảo đảm đến ngày 30/4 sẽ xong 2,2km đường này, bao gồm cả việc thảm bê tông nhựa. Đây là cam kết của đơn vị trong đợt thi đua “50 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau” do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án phát động.
Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chia sẻ: Tính đến cuối tháng 3/2025, sản lượng thi công toàn dự án Cần Thơ-Cà Mau đạt hơn 63,6%. Trong đó, phần tuyến chính, tổng chiều dài cần xử lý đất yếu theo phương án gia tải là 84,22km; đã hoàn thành bằng các phương pháp gia tải đạt và đã dỡ tải cùng các biện pháp xử lý khác để rút ngắn tiến độ. Về phần cầu, toàn bộ 95 cầu trên tuyến chính đang được nhà thầu triển khai thi công, trong đó, đã có 86 cầu đã xong bản mặt cầu và đã có 14 cầu lớn (không bố trí cầu tạm) đã cho thông xe kỹ thuật.
“Để bảo đảm đưa cao tốc Cần Thơ-Cà Mau về đích đúng tiến độ, chúng tôi đặt mục tiêu từ nay đến ngày 30/4 sẽ hoàn thành toàn bộ phần bê tông bản mặt cầu tuyến chính, dỡ tải toàn bộ tuyến chính trong tháng 10/2025; sau đó, thi công kết cấu mặt đường và thảm bê-tông nhựa, hoàn thành dự án trong tháng 12/2025” - Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin thêm.

Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau có chiều dài hơn 110km, đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. (Ảnh: ĐÌNH HUY)
Các dự án sân bay chờ ngày cất cánh
Sau gần hai năm xây dựng, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được khởi công xây dựng đã cơ bản hoàn thiện, dự kiến khánh thành dịp 30/4, sớm hơn kế hoạch hai tháng. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối gồm đường bộ, cầu vượt đang định hình rõ rệt hơn, chờ thông toàn tuyến với thời điểm vận hành ga.
T3 là nhà ga phục vụ khách nội địa lớn nhất nước với 20 triệu hành khách, nâng tổng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, khởi công cuối năm 2022, trong đó gói thầu chính là xây dựng ga hành khách bắt đầu triển khai từ tháng 8/2023.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có có hai nhà ga T1 (nội địa) và T2 (quốc tế) với công suất thiết kế ban đầu từ 28-30 triệu lượt khách/năm. Hiện lượng khách qua đây liên tục vượt ngưỡng 40 triệu lượt mỗi năm gây áp lực lớn lên hạ tầng. Khi nhà ga T3 hoạt động sẽ đảm nhận khoảng 80% lượng khách nội địa, giúp giảm áp lực cho nhà ga T1 đã quá tải nghiêm trọng.
Khởi công ngày 5/1/2021, đến nay sau hơn 1.500 ngày triển khai xây dựng dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang dần được giải quyết các nút thắt về nguồn vật liệu đá phục vụ cho thi công công trình này.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: ĐÌNH HUY)
Theo đại tá Nguyễn Mai Đô, Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC, đơn vị thi công: “Khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nguồn cát đắp vì hầu hết hạng mục quan trọng của sân bay Long Thành hiện nay nhu cầu về đá san lấp rất lớn, khoảng 4,9 triệu m3. Trong đó, gói thầu sân đỗ cần khoảng hơn 2 triệu m3 đá, gói đường giao thông kết nối cần khoảng hơn 2 triệu m3…, tuy nhiên nguồn đá các loại mới chỉ đáp ứng được 60-70%”.
Nhà thầu ACC thi công sân bay Long Thành cũng mong muốn địa phương là tỉnh Đồng Nai sớm hỗ trợ các thủ tục liên quan đến mỏ khai thác để đáp ứng nhu cầu phục vụ dự án sân bay.
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn này, ngày 9/4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 2854/VPCP-CN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đối với kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm phía Nam, đặc biệt là 2 dự án chiến lược là Sân bay Long Thành và Đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các mỏ vật liệu phục vụ dự án, trình Chính phủ trước ngày 15/4. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng.
Trên tinh thần tiếp thu chỉ đạo từ Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai hiện đang gấp rút triển khai các thủ tục cần thiết để bảo đảm nguồn vật liệu cung cấp đúng quy định, đúng tiến độ cho các dự án trọng điểm quốc gia.
Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị của tỉnh đề xuất Chính phủ cho phép tăng công suất khai thác tại các mỏ đá lên 50% nhằm đáp ứng nhu cầu thi công khẩn trương cho dự án Sân bay Long Thành.
Đồng thời, để tránh gián đoạn nguồn cung, tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp có mỏ đá đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa hoàn tất thủ tục thuê đất theo quy định pháp luật đất đai được tiếp tục khai thác đến hết năm 2025, với điều kiện chỉ phục vụ thi công các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành và Đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải thứ 16, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh: "Chúng ta đang phải thực hiện cùng lúc rất nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại".
Thủ tướng nêu rõ, trong năm 2025 phải hoàn thành mục tiêu cả nước có ít nhất 3.000km cao tốc và 1.000km đường ven biển, cơ bản thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn tới Cà Mau; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, cảng Lạch Huyện…
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án; báo cáo các khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết, nhất là nguyên vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long; công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; thủ tục, tình hình thi công các dự án.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải bằng mọi cách đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt 100% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2025. Với những tuyến cao tốc đưa vào khai thác ngày 30/4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu phải sớm nghiệm thu, quyết toán, thực hiện cơ chế bảo hành theo đúng quy định.