Công an Việt Nam bàn giao nhiều tội phạm hình sự cho Công an Trung Quốc
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát hình sự Việt Nam – Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác, đạt được nhiều kết quả quan trọng, có chiều sâu trên nhiều lĩnh vực nhất là trong phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Trong đó, lực lượng Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Việt Nam đã bắt giữ, bàn giao nhiều đối tượng cho Công an Trung Quốc, góp phần giữ vững ổn định ANTT và tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát hình sự hai nước.
Bắt giữ nhiều đối tượng truy nã, mua bán người
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, tình hình tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, như tội phạm ma túy, sử dụng công nghệ cao, mua bán người, trốn truy nã… diễn biến hết sức phức tạp; xuất hiện sự đan xen, móc nối lẫn nhau giữa các loại tội phạm ngày càng rõ nét.
Thực tế đó đã tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đối với Việt Nam và Trung Quốc, đặt ra thách thức, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát hình sự hai nước không ngừng đổi mới và nâng cao hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm, cơ chế, nội dụng hợp tác để củng cố và thức đẩy mối quan hệ hợp tác...
Chỉ rõ về thủ đoạn của tội phạm xuyên quốc gia, theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, chủ yếu là một số đối tượng người Việt Nam câu kết với các đối tượng người Trung Quốc hình thành các băng nhóm trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tàn sản, tổ chức đánh bạc qua mạng; mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã… Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự và quan hệ giữa hai nước.
Gần đây, nổi lên tình trạng người Trung Quốc sang Việt Nam, đột nhập vào các công sở, cơ quan, trường học để trộm cắp tài sản; sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam và Trung Quốc bằng hình thức đánh bạc trực tuyến, đánh cắp thông tin và làm thẻ ATM giả để rút tiền; hoạt động tín dụng đen như cho vay trực tuyến với lãi suất cao qua các ứng dụng trên điện thoại di động…
Điển hình, ngày 19-10-2018, tại TP Đà Nẵng, Phòng truy nã, truy tìm Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Cục Đối ngoại và Công an TP Đã Nẵng xác minh, bắt giữ 7 đối tượng truy nã quốc tịch Trung Quốc có hành vi sử dụng đường Internet tốc độ cao để tạo nhóm chát về Trung Quốc lôi kéo khoảng 200 người sử dụng website địa chỉ www.kkw878.com để đánh bài trực tuyến có tên là “Bách Gia Lạc” (hình thức đánh bài phát bài đặt cược), trung bình khoảng 200.000 đến 300.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 600 triệu đến 1 tỷ đồng) tiền đặt cược trong một ngày.
Sau khi bị bắt giữ, cơ quan chức năng Việt Nam đã bàn giao 7 đối tượng cho Bộ Công an Trung Quốc tại sân bay quốc tế Nội Bài theo quy định.
Ngày 19-11-2019, Phòng truy nã, truy tìm của Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Cục Đối ngoại và Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ 3 nhóm đối tượng, tổng cổng 23 đối tượng truy nã phạm tội Lừa đảo viễn thông. Trong đó, có 5 đối tượng truy nã của Công an tỉnh Hà Nam, 8 đối tượng truy nã của Công an TP Thượng Hải, 10 đối tượng truy nã của Công an tỉnh Quảng Tây.
Theo Công an Trung Quốc hành vi chủ yếu của các nhóm đối tượng là lợi dụng mạng xã hội QQ giả mạo chủ các công ty, sau đó lừa đảo các nhân viên tài vụ, thủ quỹ của các công ty tại Trung Quốc; thông qua mạng Internet để lừa đảo nạn nhân người Trung Quốc mua những sản phẩm giả với giá cao hoặc tham gia đánh bạc trên mạng; thông qua mạng Internet dùng thủ đoạn trích phần trăm lãi suất cao để lừa đảo công dân Trung Quốc.
Sau khi bắt giữ, cơ quan chức năng Việt Nam đã bàn giao các đối tượng kèm theo nhiều máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động, màn hình máy tính… cho Bộ Công an Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn theo quy định.
Trên tuyến biến giới Việt Nam – Trung Quốc, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, với tính chất, thủ đoạn tinh vi. Đã hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia, gây hậu quả nghiêm trọng với các hành vi: Mua bán phụ nữ, trẻ em; tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại; mua bán bộ phận cơ thể người (thận); giả danh các lực lượng chức năng Công an, Bộ đội Biên phòng… để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc.
Qua 3 tháng triển khai cao điểm mua bán người, lực lượng chức năng của Việt Nam đã tiếp nhận, xử lý 126 thông tin, tài liệu, đầu mối đơn thư, tin báo tố giác về tội phạm mua bán người và đề nghị phối hợp của Cảnh sát các nước, tổ chức quốc tế về hỗ trợ xác minh, giải cứu nạn nhân bị lừa bán, trao đổi thông tin nghi vấn về đối tượng phạm tội. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, tại Việt Nam đã phát hiện 89 vụ, 142 đối tượng, lừa bán 169 nạn nhân. Trong đó, các vụ mua bán người sang Trung Quốc chiếm trên 70%.
Ngoài ra, hai nước đã tích cực phối hợp truy nã tội phạm, tổ chức xác minh, truy bắt đối tượng truy nã của Việt Nam trốn sang Trung Quốc và đối tượng truy nã, đối tượng phạm tội của Trung Quốc trốn sang Việt Nam. Đồng thời, Công an các địa phương của Việt Nam thường xuyên phối hợp với các địa phương của Trung Quốc rà soát, thu thập, bổ sung thông tin về các đối tượng truy nã, đối tượng phạm tội bỏ trốn.
Từ tháng 8-2019 đến nay, riêng Cục Cảnh sát hình sự Việt Nam đã bắt, bàn giao 78 đối tượng cho các lực lượng chức năng của Trung Quốc; đồng thời đã chuyển thông tin 5 đối tượng truy nã của Việt Nam nghi trốn sang Trung Quốc qua Cục Hợp tác quốc tế gửi Văn phòng sỹ quan liên lạc Cảnh sát, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Phía Trung Quốc đã bắt giữ 2 đối tượng Bế Thị Tư, Phạm Quý Nhân và bàn giao cho phía Việt Nam nhiều đối tượng phạm tội khác.
Tăng cường trao đổi thông tin
Cục Cảnh sát hình sự cho biết, trong năm 2020, tiếp tục triển khai thực hiện các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ giữa Chính phủ, Bộ Công an hai nước về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, mua bán người, sử dụng công nghệ cao…, lực lượng Cảnh sát hình sự hai bên đã tăng cường trao đổi thông tin, tình hình tội phạm liên quan giữa hai bên.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động phối hợp điều tra chung, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng hình sự hai nước phối hợp trong việc truy bắt, bàn giao tội phạm phục vụ cho công tác điều tra, truy tố xét xử của mỗi nước; phối hợp bảo vệ ANTT khu vực biên giới của hai nước.
Thực hiện tốt kế hoạch trao đổi đoàn hằng năm giữa Cục Cảnh sát hình sự Việt Nam và Cục Điều tra hình sự Trung Quốc để trao đổi kinh nghiệm, thống nhất những vấn đề cần đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới; phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban hình sự lần thứ 15 vào năm 2020. Đẩy mạnh phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự liên quan giữa hai nước nhất là các loại tội phạm: giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Công an các địa phương của Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch hợp tác, hỗ trợ và phối hợp trao đổi đoàn công tác, trao đổi thông tin; tổ chức giao ban định kỳ, ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp phòng, chống tội phạm với Công an các tỉnh giáp biên với Trung Quốc, đặc biệt là các lĩnh vực phòng, chống tội phạm mua bán người qua khu vực biên giới…