Công an xã đưa người dân hòa vào dòng chảy chuyển đổi số

Tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế về công tác chuyển đổi số ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao khi Thừa Thiên-Huế là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số và dịch vụ đô thị thông minh, luôn lấy người dân làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông luôn xem Thừa Thiên-Huế là địa phương làm điểm trong cả nước về chuyển đổi số…

Tỉnh Thừa Thiên-Huế duy trì 2 năm liên tiếp (2021 và 2022) vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Để có được những kết quả đó là sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã và trong đó không thể thiếu những hạt nhân nòng cốt ở cấp cơ sở - đó chính là những chiến sĩ công an xã đang ngày đêm về với bản làng, vùng sâu vùng xa kéo người dân hòa vào dòng chảy chuyển đổi số.

Công an xã Thượng Lộ, huyện nam Đông (Thừa Thiên-huế) xuyên đêm về bản, làng hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Công an xã Thượng Lộ, huyện nam Đông (Thừa Thiên-huế) xuyên đêm về bản, làng hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Xuyên đêm xuống bản giúp dân chuyển đổi số

Một tối trung tuần tháng 4/2023, chúng tôi theo chân Công an xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông) về bản Ria Hố (xã Thượng Lộ) để đến từng nhà dân hướng dẫn lập tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID và thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số.

Đến nhà ông Hồ Văn Vùi (62 tuổi), người dân tộc Cơtu, Đại úy Lê Minh Hoàng, Trưởng Công an xã và Trung úy Hồ Văn Teo, công an viên vui vẻ thăm hỏi từng thành viên trong gia đình ông Vùi. Nhà ông Vùi có 6 thành viên thì 4 người sử dụng điện thoại di động thông minh nhưng lâu nay chủ yếu để nhắn tin thăm hỏi người thân, lướt Face[1]book... Tại đây, các chiến sĩ Công an xã Thượng Lộ đã tận tình hướng dẫn các thành viên trong nhà ông Vùi cài đặt các ứng dụng và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số khiến người dân rất phấn khởi.

Rời nhà ông Vùi, Công an xã Thượng Lộ tiếp tục đến nhà các hộ dân bản Ria Hố để hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng trên không gian mạng. Hơn 8h tối, các chiến sĩ công an tiếp tục băng rẫy đi vào hai hộ dân nằm lưng chừng núi nhưng không có chủ nhân. Qua tìm hiểu, những người này đang vào rừng khai thác mật ong. Người uy tín Hồ Văn Nhờ cho biết, một chuyến đi của họ có khi từ 5-7 ngày. Đây cũng là lý do vì sao công an xã dù nhiều lần thông báo, mời người dân đến các nhà văn hóa cộng đồng thôn để làm CCCD và hướng dẫn cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh nhưng họ vắng mặt bởi phải vào rừng, lên rẫy mưu sinh.

Thấu hiểu thực tế này, Công an xã Thượng Lộ đã đến từng nhà dân nhưng có trường hợp phải đến lần thứ tư, thứ năm mới gặp được. Với sự kiên trì, chịu khó, bất chấp nắng mưa, xuyên đêm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà dân”, Công an xã Thượng Lộ đã góp phần đưa người dân miền núi hòa vào dòng chảy của chuyển đổi số.

Dù ngày nghỉ nhưng Công an xã Quảng Thái vẫn về cơ sở hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số.

Dù ngày nghỉ nhưng Công an xã Quảng Thái vẫn về cơ sở hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số.

Thượng tá Hoàng Thị Mai, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Thượng Lộ là xã đầu tiên và duy nhất (tính đến cuối tháng 4/2023) của tỉnh Thừa Thiên-Huế hoàn thành cấp CCCD. Quá trình triển khai dự án sản xuất, cấp CCCD, xã Thượng Lộ cũng gặp nhiều khó khăn như: Dân cư phân bố thưa thớt, mặt bằng dân trí không đồng đều, một bộ phận nhân dân hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Qua rà soát, đối chiếu hồ sơ, phát hiện hơn 150 trường hợp công dân thiếu thông tin cơ bản như ngày tháng sinh, sai lệch các thông tin cơ bản giữa các loại giấy tờ nhưng công an xã đã kịp thời tham mưu UBND xã chỉ đạo công chức tư pháp hộ tịch phối hợp kiểm tra, xác minh và cấp, điều chỉnh giấy khai sinh đảm bảo đúng, đầy đủ thông tin cho công dân để đủ điều kiện làm thủ tục cấp CCCD. Đối với nhiều trường hợp thường xuyên đi rừng, làm nương rẫy ở lại nhiều ngày trong rừng, công an xã phải đến nhà vận động nhiều lần; đối với các trường hợp yếu thế, khó khăn trong đi lại, người tâm thần, công an xã phối hợp tổ CCCD lưu động làm thủ tục cấp CCCD tại nhà cho người dân. Đến ngày 31/3, Công an xã Thượng Lộ đã hoàn thành việc cấp CCCD cho công dân trong độ tuổi trên địa bàn đạt 100%.

Người có uy tín thôn Ria Hố (xã Thượng Lộ) Hồ Thị Bách cho biết, trên địa bàn có rất nhiều người già lại bị tật nguyền, tâm thần nên hằng tháng, người thân phải đưa đến các cơ sở y tế để khám, điều trị bệnh. Hơn 1 năm nay, kể từ khi được cấp CCCD, người dân không phải dùng đến thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh nên rất phấn khởi.

“Việc tra cứu bằng thẻ CCCD giúp bà con không còn phải mang theo nhiều giấy tờ như trước, hạn chế việc quên, mất, đồng thời giảm được rất nhiều thời gian chờ đợi khi đến đăng ký khám, điều trị. Đặc biệt, việc không phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn giúp bệnh nhân có nhiều thuận lợi”, chị Hồ Thị Bách chia sẻ.

Là một xã miền núi, điều kiện đi lại khó khăn, cách trở nhưng việc Thượng Lộ là xã đầu tiên và duy nhất hiện nay của tỉnh Thừa Thiên-Huế cán đích 100% cấp CCCD khiến không ít người làm công tác chuyển đổi số đầy bất ngờ. Để đạt được kết quả đó là sự hy sinh thầm lặng, sự cố gắng không ngừng nghỉ của lực lượng công an xã. Qua câu chuyện với chính quyền, với các già làng, chúng tôi cảm kích khi biết được, trước khi bắt tay triển khai dự án án sản xuất, cấp CCCD, Trưởng Công an xã Thượng Lộ đã theo học 1 năm lớp bồi dưỡng tiếng Cơtu. Là người dân tộc Kinh, sau một thời gian công tác tại Công an huyện Nam Đông, khi đề án công an chính quy về cơ sở được thực hiện, Đại úy Lê Minh Hoàng đã tình nguyện xin về công an xã. Với những kiến thức, kinh nghiệm có được, sự chịu khó, tận tâm trong công việc đã sớm giúp Đại úy Lê Minh Hoàng bám sát, nắm chắc địa bàn. Tuy nhiên, điều anh trăn trở nhất là có một lần anh về với bà con đồng bào Cơtu, một số người dân chuyện trò mà anh không thể hiểu hết nội dung. Vì vậy, anh về bàn với vợ cố gắng thu xếp công việc chăm con, rồi báo cáo lãnh đạo cấp trên và chủ động đăng ký theo học lớp bồi dưỡng tiếng Cơtu nhằm thuận lợi hơn trong quá trình làm việc và vận động nhân dân.

Sau gần 1 năm theo học, Đại úy Lê Minh Hoàng đã thành thạo tiếng Cơtu. Từ đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động của anh đến người đồng bào càng thuận tiện hơn. Các già làng, người có uy tín và người dân Cơtu càng yêu quý, gần gũi anh cũng như lực lượng công an xã hơn nên các công việc do công an xã triển khai đều được người dân đồng tình hưởng ứng và thực hiện. “Bên cạnh đưa người dân ở xã miền núi đến gần hơn với chuyển đổi số, Công an xã Thượng Lộ luôn tuyên truyền chính sách, chủ trương, pháp luật, vận động người dân đồng bào chung tay bảo vệ an ninh nông thôn, an ninh trật tự ở địa bàn miền núi...”, Đại úy Lê Minh Hoàng chia sẻ.

“Mưa dầm thấm lâu”

Ở Thừa Thiên-Huế, hiện đang có hàng trăm tổ công nghệ số cộng đồng (có sự tham gia của công an xã, phường) đang làm nhiệm vụ tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân tham gia vào từng lĩnh vực của chuyển đổi số. Trong đó, có một số xã vùng sâu, vùng xa; tổ công nghệ số cộng đồng gặp nhiều khó khăn trong triển khai do dân cư sinh sống không tập trung, đa số người dân làm nông nghiệp nên thường xuyên vắng nhà; một số người dân chưa quen dùng điện thoại thông minh và chưa hiểu về chuyển đổi số...

Thượng úy Trần Đăng Quý, cán bộ Công an xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-huế) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng vneid và thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số.

Thượng úy Trần Đăng Quý, cán bộ Công an xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-huế) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng vneid và thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số.

Trước tình hình đó, công an một số xã vùng sâu, vùng xa đã thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, không kể ngày nghỉ, mưa nắng, đêm hôm cũng đến tận nhà dân hướng dẫn. Đến nay, nhiều xóm làng đã “phủ sóng” Internet, người dân bắt đầu sử dụng thành thạo điện thoại thông minh và tích cực tham gia vào chuyển đổi số. Xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền) nằm bên phá Tam Giang là một xã điển hình.

Trung tá Lê Quốc Bình, Trưởng Công an xã Quảng Thái cho biết, là xã vùng xa, đời sống kinh tế người dân còn khó khăn khi chủ yếu dựa vào nghề nông. Xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, công an xã đã đề ra nhiều kế hoạch triển khai thực hiện, đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo lập tài khoản thanh toán, mua sắm trực tuyến...

Một ngày gần cuối tháng 4/2023, mặc dù là Chủ nhật, dưới cái nắng như đổ lửa của nền nhiệt hơn 40 độ C nhưng Trung tá Lê Quốc Bình và Thượng úy Trần Đăng Quý, công an xã Quảng Thái vẫn miệt mài, băng qua các triền cát trắng đến nhà dân để hướng dẫn cài đặt các dịch vụ ứng dụng trên điện thoại thông minh. Vừa tận tình hướng dẫn cài đặt, Thượng úy Trần Đăng Quý còn tranh thủ tuyên truyền đến người dân các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp.

Trung tá Lê Quốc Bình cho biết, thời gian qua, đến giữa tháng 4/2023, số CCCD đã cấp trên địa bàn xã Quảng Thái là 4.645/4.684 công dân (trong đó có 25 công dân đang học tập, lao động, sinh sống ở nước ngoài chưa có điều kiện làm CCCD); hướng dẫn cài đặt hơn 2.000 tài khoản định danh điện tử đã đăng ký kích hoạt mức độ 1 và mức độ 2. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an xã Quảng Thái đã tiếp nhận giải quyết 116 hồ sơ cư trú qua cổng dịch vụ công (đạt 100%), 58 hồ sơ đăng ký xe mô tô (đạt 100%). Hiện, Quảng Thái là xã đầu tiên của huyện Quảng Điền sắp cán đích 100% công dân được cấp CCCD, là xã điển hình trong công tác chuyển đổi số của huyện Quảng Điền.

Trung tá Lê Quốc Bình chia sẻ, để đạt được kết quả cao trong cấp CCCD, Công an xã Quảng Thái đã xây dựng quy trình vận động gồm 4 bước+. Trong đó, bước 1 là vận động rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng như qua đài truyền thanh xã, các trang mạng xã hội của địa phương, thông báo đến từng thôn, khu dân cư. Bước 2, công an xã liên hệ thông qua số điện thoại đối với số công dân chưa làm CCCD khi nhận được thông báo tại bước 1. Bước 3 là gửi giấy mời đến từng công dân đối với số công dân chưa làm CCCD sau khi được liên hệ vận động hoặc không liên lạc được qua điện thoại. Bước 4, công an viên phụ trách địa bàn cùng với hệ thống chính trị cơ sở đến từng hộ dân vận động cá biệt đối với số công dân chưa hợp tác làm CCCD sau khi trải qua 3 bước trên. Bước 4+ là tiếp tục lặp lại bước 4 đến lúc công dân hiểu và hợp tác làm CCCD.

Ngoài ra, đối với số trường hợp đặc biệt như ốm đau già yếu, không đi lại được, số bị bệnh tâm thần, công an xã cùng tổ cấp CCCD lưu động đến từng hộ dân để thu nhận hồ sơ; đối với các trường hợp đang học tập, lao động, sinh sống tại nước ngoài ngay sau khi về nước, công an xã để hướng dẫn công dân làm CCCD...

Thượng tá Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho rằng: Với những cách làm sáng tạo trong chuyển đổi số và sự hướng dẫn tận tình của Công an xã Quảng Thái đã giúp cho hàng ngàn nông dân xã vùng xa sử dụng thành thạo các tính năng của điện thoại thông minh và áp dụng hiệu quả trong công việc, cuộc sống. Đồng thời, còn giúp người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc chuyển đổi số. Đây chính là những hạt nhân tích cực tại cơ sở, giúp đưa công nghệ số đến với các xóm, làng...

Hải Lan

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/cong-an-xa-dua-nguoi-dan-hoa-vao-dong-chay-chuyen-doi-so-i691370/