Công an xã vùng biên những ngày đầu sáp nhập

Sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Công an các xã vùng sâu, vùng xa và biên giới của tỉnh Tây Ninh đã vận hành ổn định, thông suốt, bảo đảm phục vụ nhân dân tốt hơn...

1. Chúng tôi đến xã Đông Thành, tỉnh Tây Ninh vào một ngày đầu tháng 7/2025. Mới 7h sáng, hàng chục bà con nhân dân đã đến trụ sở công an xã ngồi thành từng nhóm, mỗi nhóm từ 5-7 người khoan thai uống trà, bên những chiếc bàn tròn được bài trí sẵn. Có nhóm chỉ thăm hỏi sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi heo, gà, cá sao cho đạt hiệu quả cao; nhóm khác liệt kê về một số loại thủ tục giấy tờ để khi đến lượt mình được gọi thì nhờ cán bộ công an xã hướng dẫn đến được đúng nơi, đúng chỗ cho đỡ mất thời gian, công sức.

Mặc dù còn 30 phút mới đến thời gian làm việc, nhưng thấy bà con đã đến khá đông, Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Trưởng Công an xã yêu cầu cán bộ, chiến sĩ lập tức vào khu vực tiếp công dân để bà con không phải chờ đợi.

Cán bộ Công an xã Đông Thành hướng dẫn, hỗ trợ người dân hoàn tất thủ tục hành chính.

Cán bộ Công an xã Đông Thành hướng dẫn, hỗ trợ người dân hoàn tất thủ tục hành chính.

Vừa định gọi theo số thứ tự, Trung tá Nguyễn Thành Nhân phát hiện một cụ ông đang đứng bần thần, hai tay vo vo mấy tờ giấy, cứ bước lên nửa bước rồi lại lùi vào tường nên lập tức rời bàn tiếp dân, bước đến hỏi. Sau khi hỏi thăm, biết cụ ông này tên Nguyễn Văn Sáu, thường ngày làm công việc chở rau, cá thuê cho những người bán hàng ngoài chợ xã kiếm tiền lo gạo nước, thuốc men cho người vợ bệnh nặng và hai đứa cháu nhỏ do vợ chồng người con duy nhất đi làm ăn xa để lại. Chiếc xe Honda 78 của ông đã quá cũ, khung sườn mục nát, máy móc hư hỏng, không thể hoạt động được nên ông mới vay tiền mua chiếc xe Wave cũ thay thế làm “cần câu cơm”, nhưng do bị thủng ruột giữa đường nên đến trễ, trong khi rau, cá chưa kịp chuyển đến chợ cho tiểu thương. Để giúp ông cụ, Trung tá Nhân quay lại bàn tiếp dân giải thích với bà con đang chờ đợi về trường hợp này và ngay lập tức tất cả đều thống nhất ưu tiên làm thủ tục cho cụ trước.

Thủ tục đăng ký vừa xong, ông Sáu vội vã lên đường, quên cả đôi dép tổ ong bên thềm phòng tiếp dân. Hơn một giờ sau, ông quay lại, tay xách một túi ngô nếp non còn nóng, chạy vào nói: “Cảm ơn bà con! Cảm ơn các chú công an! Lúc đến lấy số, tui nghĩ chắc phải mất cả buổi sáng mới đến lượt mình, đám rau phơi nắng sẽ héo, đám cá thì ươn nên định sẵn có thể phải mất tiền công nửa tháng để đền bù. Cũng may, bà con đã nhường, còn các chú công an đã giúp làm nhanh giấy tờ đăng ký xe nên tui mới kịp chở hàng cho mấy cô buôn bán ngoài chợ. Bắp nhà tui trồng được mang gửi mấy cậu cùng bà con ăn lấy thảo... Tui cảm ơn...!”.

Gắn bảng công khai số điện thoại của Trưởng, Phó Công an xã Mỹ Quý để người dân tiện trình báo trong trường hợp khẩn cấp.

Gắn bảng công khai số điện thoại của Trưởng, Phó Công an xã Mỹ Quý để người dân tiện trình báo trong trường hợp khẩn cấp.

Gần 12 giờ trưa, khi vị khách mang số thứ tự cuối cùng đã hoàn tất thủ tục giấy tờ thì một thanh niên có gương mặt sạm nắng bẽn lẽn bước vào phòng tiếp dân: “Chú ơi! Cái giấy này của con là số mấy vậy? Sáng giờ con ngồi chờ ngoài cửa, thấy đông nên không dám hỏi, sợ phiền bà con...”.

Thấy thanh niên này không biết chữ, Trung tá Nhân lập tức gọi cán bộ trực đón tiếp, hỏi han xem thanh niên này cần hỗ trợ giải quyết thủ tục gì. Theo trình bày, anh tên Thạch Sơn, có cha mẹ là người dân tộc Khmer, ngụ trong xã. Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, từ lúc lên 6 tuổi, gia đình đã gửi cho người thân bên Campuchia nhờ nuôi nấng giúp, mỗi năm chỉ trở về nhà vài lần thăm ông bà, cha mẹ nên chỉ biết nói tiếng Việt chứ không được học chữ. Nay, thấy trong nước có nhiều khu công nghiệp tuyển công nhân nên trở về làm thủ tục để xin việc làm, kiếm tiền lo cho gia đình. Sau khi kiểm tra hồ sơ, thấy Thạch Sơn có giấy khai sinh, nhưng lại không có tên trong hộ khẩu gia đình, cán bộ công an xã đã hướng dẫn Thạch Sơn mời cha mẹ đến cùng làm việc.

Qua hơn một giờ vừa hỏi thăm, vừa viết hộ các mẫu tờ khai, lý lịch gia đình cùng một số loại giấy tờ khác, đến 13 giờ 30 phút, cán bộ Công an xã Đông Thành đã giúp Thạch Sơn hoàn tất việc nhập hộ khẩu tại địa phương. Ngoài ra, các anh còn bố trí, hướng dẫn cho Thạch Sơn đi làm căn cước vào sáng hôm sau để thanh niên này sớm hoàn tất các thủ tục xin việc làm tại một khu công nghiệp trong tỉnh.

Theo Trung tá Nguyễn Thành Nhân, xã Đông Thành, tỉnh Tây Ninh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 đơn vị hành chính cũ là các xã: Mỹ Bình, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây và thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cũ. Hiện tại, xã có 6.640 hộ dân với 26.228 nhân khẩu (trong đó hộ tạm trú là 689 hộ với 1.200 nhân khẩu là những người từ các tỉnh, thành trên cả nước đến làm ăn, buôn bán).

Công an xã Đông Thành giúp người dân không biết chữ hoàn tất thủ tục nhập hộ khẩu về địa phương.

Công an xã Đông Thành giúp người dân không biết chữ hoàn tất thủ tục nhập hộ khẩu về địa phương.

Kể từ khi sáp nhập, khối lượng công việc của tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tăng đáng kể. Trước đây, mỗi ngày đón tiếp từ 20-40 người dân đến thực hiện các loại thủ tục hành chính, cấp đổi và đăng ký mới xe mô tô, làm căn cước... thì từ ngày 1/7/2025 đến nay đã tăng cao gấp 2-3 lần. Đặc biệt, có nhiều bà con do đi làm ăn xa hoặc những đồng bào còn chưa am tường về pháp luật, chưa nắm bắt quy trình thực hiện các loại thủ tục hành chính qua cổng hành chính công nên đến nhờ hỗ trợ, hướng dẫn... Để chuẩn bị, trước đó, tất cả cán bộ, chiến sĩ đã lần lượt được tập huấn về quy trình, thủ tục thực hiện đăng ký xe ô tô, cấp đổi giấy phép lái xe các loại. Mặt khác, nhận định chắc chắn khối lượng công việc sẽ tăng nên anh em đã tranh thủ hướng dẫn cho các đội viên an ninh cơ sở thay phiên túc trực tại trụ sở để hỗ trợ, hướng dẫn bà con nhân dân.

Song song với việc giúp dân hoàn tất các loại thủ tục hành chính, Ban chỉ huy Công an xã cùng với cán bộ quản lý địa bàn bắt tay ngay vào việc xây dựng phương án phòng, chống tội phạm các loại nhằm đảm bảo an ninh trật tự để bà con nhân dân yên tâm lao động kiếm sống.

Ban chỉ huy Công an xã cũng giao cho các cán bộ quản lý địa bàn theo dõi chặt chẽ, răn đe gọi hỏi theo định kỳ và tuyên truyền, giáo dục những đối tượng tiền án tiền sự để ngăn ngừa tái phạm, những trường hợp cần thiết sẽ được bảo lãnh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để ổn định cuộc sống...

2. Rời Công an xã Đông Thành, chúng tôi tiếp tục đến với xã biên giới Mỹ Quý, tỉnh Tây Ninh. Do thời tiết buổi chiều khá nóng do nắng gắt, Công an xã đã cho kê những bộ bàn đá, bàn tròn inox, mỗi bàn đều có quạt máy và nước uống miễn phí phục vụ bà con trong lúc chờ đến lượt gọi. Trong phòng tiếp dân chỉ có một mình Thượng úy Nguyễn Trọng Nghĩa ngồi thao tác trên máy tính, bên ngoài là 4 đội viên an ninh cơ sở làm nhiệm vụ thăm hỏi từng người dân xem họ cần giải quyết việc gì để hướng dẫn cho họ, trường hợp nào không biết chữ thì cán bộ sẽ viết giúp hồ sơ, lý lịch, tờ khai...

Phối hợp với bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho người dân.

Phối hợp với bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật cho người dân.

Theo Thượng úy Nghĩa, xã Mỹ Quý, tỉnh Tây Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất các xã biên giới: Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây và Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cũ, có đường biên giới dài hơn 14 km tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Để đảm bảo thông suốt tất cả các mặt công tác và triển khai nhiệm vụ mới, ngay từ ngày 1/7/2025, toàn bộ ban chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ được yêu cầu bất kể ngày hay đêm, xuống từng thôn xóm, từng hộ dân tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn những quy định mới trong đăng ký xe, đăng ký thường trú, tạm trú và các loại thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của công an xã.

Ngoài ra, còn dự các buổi sinh hoạt văn hóa, hội họp ở các ấp để lồng ghép tuyên truyền nhằm cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng, giúp bà con có thể tự phát hiện, ngăn ngừa. Trường hợp nghi vấn đối tượng tội phạm đang ẩn náu trên địa bàn thì gọi điện vào số công khai của trưởng, phó công an xã hoặc đưa lên trang Zalo phòng, chống tội phạm để có biện pháp xử lý.

Việc xuống địa bàn cũng giúp công an xã nắm chắc thông tin cơ sở, qua đó lập danh sách các đối tượng mãn hạn tù trở về, những đối tượng từng hoạt động hoặc tiếp tay cho buôn lậu, những đối tượng nghiện hút ma túy... để có biện pháp quản lý, giáo dục, vận động họ tự nguyện tham gia các tổ chức đoàn thể, hỗ trợ họ về công ăn, việc làm để không bị lạc lõng trong cộng đồng. Tiếp theo, cán bộ phụ trách địa bàn phải làm chặt chẽ công tác quản lý cư trú, nắm danh sách những người đi, đến địa phương, phân loại và có biện pháp phù hợp.

Để an ninh, trật tự luôn được duy trì tốt, Công an xã Mỹ Quý còn đẩy mạnh công tác đối ngoại, thường xuyên gặp gỡ trao đổi thông tin tội phạm đối với các đơn vị chức năng ở các xã biên giới bên nước bạn Campuchia, qua đó có thể phát hiện từ xa những âm mưu, thủ đoạn hoạt động tội phạm của các cá nhân, băng nhóm để kịp thời ngăn chặn từ xa.

Đức Cương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/cong-an-xa-vung-bien-nhung-ngay-dau-sap-nhap-i775685/