Cảnh báo thủ đoạn 'bắt cóc online' nhắm vào sinh viên
Vụ 'bắt cóc online' nhắm vào nữ sinh Hà Nội để tống tiền 370 triệu đồng đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Trao đổi với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, luật sư Đường Nam Khánh (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã phân tích bản chất pháp lý của vụ việc và đưa ra những lời khuyên quan trọng giúp người dân chủ động phòng tránh.
Vụ việc một nữ sinh tại Hà Nội bị các đối tượng lừa đảo khống chế tinh thần, ép dàn dựng màn kịch "bắt cóc online" để tống tiền gia đình 370 triệu đồng vừa qua đã gây rúng động dư luận. Thủ đoạn phạm tội này không chỉ mới, tinh vi mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan và cách thức phòng tránh hiệu quả.
Để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện và chính xác, phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với luật sư Đường Nam Khánh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) để phân tích rõ hơn về vụ việc:

Luật sư Đường Nam Khánh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Thưa luật sư, dưới góc độ pháp lý, hành vi của nhóm đối tượng trong vụ việc này có thể bị truy cứu những tội danh nào theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam?
Luật sư Đường Nam Khánh:
Thứ nhất, trong tình huống các đối tượng yêu cầu chính nạn nhân, tức cô gái trẻ trong vụ việc phải chuyển tiền cho chúng, kèm theo lời đe dọa nghiêm trọng rằng nếu không thực hiện sẽ gây tổn hại đến thân thể, thì hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Thứ hai, việc các đối tượng sau đó liên hệ với gia đình nạn nhân, gửi video giả mạo nạn nhân bị bắt cóc để yêu cầu chuyển tiền chuộc, là hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, hành vi này có thể bị truy cứu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ việc này, nữ sinh đã bị các đối tượng lừa đảo khống chế về mặt tinh thần, buộc phải tự quay video bị bắt cóc để lừa chính gia đình mình. Vậy trong trường hợp này, nữ sinh có phải chịu trách nhiệm pháp lý nào không và vai trò của em được xác định như thế nào?
Luật sư Đường Nam Khánh:
Nữ sinh trong trường hợp này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự vì tại thời điểm quay video, tinh thần của nạn nhân đang bị các đối tượng khống chế. Bản thân nạn nhân cũng không thể biết rõ mục đích thực sự của những kẻ lừa đảo, hay hệ quả của việc quay đoạn video đó là gì. Em chỉ làm theo hướng dẫn trong trạng thái hoảng loạn và bị ép buộc, do đó không thể xem là đồng phạm của các đối tượng trong trường hợp này.
Đối với các loại tội phạm công nghệ cao và có tổ chức như "bắt cóc online", các đối tượng thường ở nước ngoài. Điều này gây ra những khó khăn gì cho công tác điều tra, truy tố và xét xử? Pháp luật Việt Nam có những cơ chế hợp tác quốc tế nào để xử lý những trường hợp tương tự không, thưa luật sư?
Luật sư Đường Nam Khánh:
Công tác điều tra, truy xét các vụ việc như thế này gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là do đặc điểm của loại tội phạm này là các đối tượng chủ yếu hoạt động từ nước ngoài, thường xuyên thay đổi địa điểm và sử dụng công nghệ cao để che giấu danh tính. Việc xác minh danh tính cụ thể của từng đối tượng, xác định nơi cư trú, phương thức liên lạc và chứng cứ liên quan thường gặp trở ngại lớn vì không thuộc phạm vi lãnh thổ, thẩm quyền trực tiếp của cơ quan chức năng Việt Nam.

Nữ sinh bị "bắt cóc online" trình báo cơ quan công an.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam và Campuchia đã tích cực phối hợp trong công tác điều tra, truy quét và triệt phá các ổ nhóm tội phạm lừa đảo công nghệ cao có tổ chức, hoạt động xuyên biên giới. Trên thực tế, kể từ khi hiện tượng này bùng phát, đã có nhiều đường dây bị triệt phá thành công. Có những nhóm đối tượng bị lực lượng chức năng bắt giữ ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Việt Nam, thậm chí có những nhóm bị công an Việt Nam phối hợp với lực lượng an ninh Campuchia bắt giữ tận nơi lưu trú trên lãnh thổ Campuchia.
Nếu gia đình nhận được cuộc gọi, tin nhắn đe dọa tống tiền tương tự, luật sư có lời khuyên nào về các bước pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất mà họ cần thực hiện để bảo vệ an toàn cho người thân và tài sản không?
Luật sư Đường Nam Khánh: Đối với mỗi gia đình bất ngờ nhận được cuộc gọi, tin nhắn với nội dung đe dọa bắt cóc, yêu cầu chuyển tiền chuộc, điều quan trọng đầu tiên là phải giữ bình tĩnh để xử lý tình huống một cách sáng suốt. Trong những trường hợp như vậy, người dân cần tuyệt đối lưu ý một số nguyên tắc cơ bản sau đây:
Thứ nhất, không được làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ những số điện thoại lạ, đặc biệt là khi nội dung yêu cầu tải ứng dụng, cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng, căn cước công dân, mã OTP hoặc thực hiện chuyển tiền.
Thứ hai, trong mọi trường hợp, tuyệt đối không chuyển tiền nếu chưa xác minh được rõ ràng người gọi là ai, có thật sự đang giữ người thân của mình hay không, và mục đích yêu cầu chuyển tiền là gì.
Thứ ba, cần báo ngay cho công an địa phương khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ lừa đảo.
Thứ tư, gia đình cũng nên thường xuyên trao đổi, cảnh báo người thân, đặc biệt là người già và trẻ vị thành niên về các hình thức lừa đảo mới để nâng cao cảnh giác, tránh rơi vào bẫy do các đối tượng tội phạm dựng lên.
Thưa luật sư, ngoài việc nâng cao cảnh giác cho người dân, theo ông, cần có những biện pháp nào để để răn đe, phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại từ loại hình lừa đảo "bắt cóc online" đang ngày càng trở nên tinh vi này?
Luật sư Đường Nam Khánh: Hiện nay, lực lượng an ninh Việt Nam và Campuchia, cùng với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang nỗ lực triển khai nhiều chiến dịch phối hợp nhằm truy quét, triệt phá các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia này.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, điều hết sức quan trọng là bản thân người dân cần được trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý, kỹ năng nhận diện nguy cơ và kỹ năng ứng phó tình huống. Không thể chỉ trông chờ vào việc xử lý sau khi hành vi phạm tội đã xảy ra; việc phòng ngừa từ sớm, từ xa mới là giải pháp bền vững.
Trong đó, học sinh – sinh viên là nhóm đặc biệt cần được chú trọng, bởi đây chính là đối tượng thường xuyên bị các tổ chức lừa đảo nhắm tới. Các em còn non nớt về kinh nghiệm sống, tâm lý dễ dao động, chưa có khả năng phản kháng hoặc phân tích tình huống một cách độc lập. Chính vì thế, các đối tượng tội phạm thường lợi dụng sự sợ hãi, thiếu hiểu biết và tâm lý hoảng loạn của các em để dễ dàng thao túng, thậm chí ép buộc các em tham gia vào quá trình dàn dựng vụ lừa đảo mà không ý thức được hậu quả.
- Luật sư Đường Nam Khánh