Công bằng vaccine Covid-19: Con đường ngắn nhất chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu
Tại Chương trình nghị sự Davos diễn ra theo hình thức trực tuyến, các chuyên gia y tế công cộng cho hay, đảm bảo công bằng vaccine là cách tốt nhất đưa thế giới chuyển từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan nêu thực trạng rằng, trong khi hơn 50% dân số thế giới đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa Covid-19, con số này tại châu Phi mới chỉ đạt 7%.
Theo ông, rất nhiều khu vực trên thế giới đã bị bỏ lại phía sau, mặc dù vaccine là "trụ cột trung tâm" trong việc đưa thế giới thoát ra khỏi đại dịch Covid-19.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron cho thấy, virus SARS-CoV-2 có thể tạo ra các đột biến, sinh sôi ở những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thấp và lây lan sang những khu vực có độ bao phủ lớn hơn nhiều.
Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho rằng, công bằng vaccine là một "mệnh lệnh đạo đức, dịch tễ học và kinh tế".
Theo đó: “Nếu chúng ta không chấm dứt tình trạng bất bình đẳng, chúng ta sẽ không chấm dứt được đại dịch và sự hỗn loạn về kinh tế, xã hội mà nó gây ra".
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, WHO từng đặt mục tiêu 40% người dân trên thế giới được tiêm vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022.
Người đứng đầu WHO cho rằng: “Cùng nhau đạt được mục tiêu 70% là cách duy nhất để chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu.
Ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Liên minh châu Phi (AU), coi việc châu Phi tụt hậu trong vấn đề tiêm chủng so với các quốc gia khác là sự thất bại của hợp tác và đoàn kết toàn cầu.
Theo ông, việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 là cách duy nhất để ngăn chặn các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Giám đốc Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley cho rằng, mặc dù nguồn cung cấp vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu thông qua chương trình COVAX phải đối mặt với những rào cản ban đầu, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu, chủ nghĩa dân tộc vaccine và các công ty không đáp ứng được yêu cầu về liều lượng, song các vấn đề này đang dần trở lại đúng hướng.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay đó là việc đảm bảo tất cả các nước đều có thể sẵn sàng tiếp nhận lượng vaccine được phân phối và triển khai tiêm chủng cho người dân.
Ông Nkengasong cũng cho rằng, các nước châu Phi cần giải quyết các vấn đề mang tính hậu cần, đồng thời, hợp tác nhiều hơn chính là con đường giúp chấm dứt đại dịch.
(theo IOL, Global Times)