Công binh xưởng Sóc Trăng - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng bước vào thực hiện nhiệm vụ mới trong điều kiện vô vàn khó khăn, đó là xây dựng chính quyền cách mạng tỉnh, huyện, xã. Để bảo vệ chính quyền cách mạng và bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo nhanh chóng xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang lấy tên là Cộng hòa vệ binh.
Cộng hòa vệ binh được thành lập bao gồm tuyển chọn những người giác ngộ đã tham gia phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa, và thu dung một số lính tập của Pháp để làm công tác huấn luyện. Cộng hòa vệ binh của tỉnh lúc đầu hình thành được hai trung đội, mỗi trung đội có 30 chiến sĩ, trang bị 25 súng kèm theo mã tấu, dao găm do đồng chí Lưu Khánh Đức và Nguyễn Thảo Hiền chỉ huy. Đồng thời, tỉnh thành lập công binh xưởng để sản xuất, sửa chữa vũ khí nhằm đáp ứng nhu cầu trang bị vũ khí chiến đấu cho lực lượng vũ trang vừa mới thành lập.
Công binh xưởng lúc bấy giờ chủ yếu lấy cơ sở sửa chữa cơ khí nông nghiệp ở đồn điền Gressier (còn gọi đồn điền Ông Kho thuộc huyện Thạnh Trị ngày nay) để làm nơi sản xuất vũ khí và sử dụng lực lượng công nhân ở đây cùng tham gia. Lãnh đạo tỉnh phân công 2 đồng chí: Đỗ Đình Nhẫn và đồng chí Huống phụ trách.
Khi mới thành lập công binh xưởng, ban đầu chỉ sửa chữa vũ khí bị hư hỏng, sạc các loại đạn, dần dần sản xuất lựu đạn ném, gài, mìn định hướng, bê ta, súng ngựa trời. Sau vài năm, công binh xưởng sản xuất được “lăng xà bom” và đào tạo nhiều “chuyên gia” cho các công trường huyện về nghề hóa chất, kỹ nghệ nguội, sửa chữa nhiều loại vũ khí, sản xuất lựu đạn, đạp lôi… chống giặc càn quét và làm giảm nhuệ khí quân Pháp. Từ năm 1954 đến năm 1961, công binh xưởng tạm ngưng hoạt động do yêu cầu chính trị - xã hội lúc bấy giờ. Nhưng sau Đồng Khởi, đến năm 1962, công binh xưởng tiếp tục hoạt động trở lại ở TX. Bạc Liêu, TX. Sóc Trăng phục vụ nhiệm vụ cách mạng từ thời kỳ “sáu năm chính trị” đã kết thúc chuyển sang thời kỳ “khởi nghĩa vũ trang”, bộ đội ta rất cần trang bị vũ khí đánh giặc. Thời kỳ này được nhân dân đồng tình ủng hộ, đóng góp hàng chục tấn nguyên liệu cho các cơ sở công binh xưởng để chế tạo vũ khí như: lư đồng, chân đèn đồng, chảo gang, các vật dụng bằng sắt, thép, gang, vỏ đạn các loại; các nhà máy, lò rèn ở “vùng kềm” cung cấp các thiết bị, chi tiết máy bị hư hỏng để góp phần chế tạo vũ khí. Bộ phận tiếp liệu của công binh xưởng mua hàng trăm ký thuốc nổ “TNT” và hơn 500kg chì satimon và mua cả cần khoan, máy điện làm phương tiện, chất liệu chế tạo súng đạn.
Đến năm 1963, phong trào chiến tranh nhân dân trong tỉnh Sóc Trăng phát triển rộng khắp; lực lượng vũ trang cũng lớn mạnh không ngừng, từ vùng giải phóng đến vùng địch tạm chiếm. Lúc này, nhu cầu trang bị vũ khí càng cao. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, quân số của đơn vị chủ lực cấp tỉnh được tăng lên 70 đồng chí. Do vậy, công binh xưởng được củng cố, tăng cường và bố trí lại dây chuyền sản xuất, chuyên môn hóa một số công đoạn. Từ sản xuất vũ khí thô sơ, giờ đây đã chế tạo, sản xuất được các loại vũ khí cải tiến thu được của địch để đánh địch hiệu quả hơn như: ngòi nổ hẹn giờ cho các loại mìn và cho cả bom của địch từ 50 - 100kg đến 500kg dùng cho đánh các mục tiêu chiến lược của địch. Đặc biệt, Công binh xưởng Sóc Trăng còn cải tiến được quặng phóng Tam Long từ súng LaBet sang phóng bằng súng trường MAX. Công binh xưởng tỉnh mở nhiều khóa huấn luyện, đào tạo cho công trường huyện, xã sản xuất được lựu đạn ném, lựu đạn gài, địa lôi, bê ta… Khi ta lấy được thuốc phốt pho từ bom lép chế tạo thành trái nổ gọi là “rùa lửa”. Đặc biệt, giai đoạn sau năm 1968 đến cuối năm 1973, Công binh xưởng Sóc Trăng đã có nhiều sáng kiến, cải tiến các loại vũ khí đánh địch sát thương lớn, hiệu quả cao như: ống phóng đầu đạn 105 ly, mâm phóng lựu đạn nhiều quả trong một lần; sản xuất phi lôi tiễn với đầu đạn cỡ 120 ly theo kiểu đạn lõi phễu đồng (theo nguyên lý của súng B40); tự tạo súng bắn đạn B40. Công binh xưởng Sóc Trăng còn nghiên cứu, phổ biến nuôi và sử dụng ong vò vẽ để đánh giặc khi chúng càn quét vào căn cứ cách mạng… Công binh xưởng tỉnh Sóc Trăng còn phối hợp với lực lượng du kích các xã bao vây đồn bót, dùng “chiến thuật dao phay”, dùng nạng giàn thun bắn lựu đạn vào đồn giặc, làm bứt rút bứt hàng nhiều đồn bót địch, giải phóng quê hương.
Công binh xưởng Sóc Trăng hình thành và phát triển gần 40 năm từ kháng chiến chống Pháp cho đến chống Mỹ cứu nước đã sáng kiến, cải tiến được 44 loại vũ khí phục vụ cho chiến tranh nhân dân như: lựu đạn gài 35.750 quả, thủ pháo 6.276 quả, B50 76.276 quả, trom long 37.930 quả, lựu đạn ném 11.229 quả, mìn định hướng 3.919 quả, bê ta 2.176 quả và rất nhiều loại súng, mìn cải tiến.
Với những thành tích đạt được, Công binh xưởng - thuộc Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì và Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Đặc biệt, ngày 22-2-2010, đơn vị Công binh xưởng Sóc Trăng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.