Công bố Chỉ dẫn địa lý cho 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre

Trong khuôn khổ Hội nghị Giao ban khoa học và công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 14/6, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã công bố Chỉ dẫn địa lý 'Bến Tre' cho 7 sản phẩm chủ lực, gồm: sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý, cua biển, chôm chôm, gạo và nghêu.

Đại diện tỉnh Bến Tre và Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ dẫn địa lý cho 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre.

Đại diện tỉnh Bến Tre và Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ dẫn địa lý cho 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre luôn quan tâm, hỗ trợ tạo lập, xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản. Ngành khoa học và công nghệ đã phối hợp với các đơn vị tư vấn và địa phương tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh.

Sầu riêng được cấp chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” vào năm 2020. Sản phẩm sầu riêng mang chỉ dẫn địa lý gồm: Monthong và Ri6. Hai giống này đóng vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 90% về diện tích, sản lượng sầu riêng toàn tỉnh Bến Tre. Để tạo vùng nguyên liệu sầu riêng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bến Tre đã xây dựng vùng sản xuất sầu riêng, với tổng diện tích liên kết gần 209ha, có 10 mã số vùng trồng với diện tích 264ha.

Tôm càng xanh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” vào năm 2021. Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” dùng cho sản phẩm tôm càng xanh” là một trong các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng tâm, nhằm triển khai kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh đến năm 2025.

Cua biển được cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2021. Diện tích nuôi cua biển toàn tỉnh khoảng 18,3 nghìn héc-ta, sản lượng ước đạt hơn 1,5 ngàn tấn/năm. Nổi bật là huyện Thạnh Phú chiếm 77% về diện tích nuôi cua toàn tỉnh, với 14 ngàn héc-ta. Giống cua biển gồm cua bùn và cua xanh. Toàn bộ diện tích “Cua biển Bến Tre” được nuôi theo phương thức quảng canh. Tại huyện Thạnh Phú, cua biển có thể được nuôi xen với tôm hoặc cá trong ruộng lúa, rừng ngập mặn, hoặc trong các ao, đầm, không có hộ sản xuất nào nuôi chuyên canh cua biển.

Xoài tứ quý được cấp chỉ dẫn địa lý Bến Tre vào năm 2022. Để quản lý và khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý, Bến Tre đã xây dựng các mối liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp; xây dựng mã số vùng trồng xoài xuất khẩu; hỗ trợ tư vấn chứng nhận VietGAP cho nông dân tại 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú). Đến nay, đã xây dựng thành công quy trình chế biến và bảo quản 3 sản phẩm từ xoài tứ quý là xoài sấy dẻo, nước uống xoài và bột xoài. Đồng thời, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất và ứng dụng hiệu quả mô hình thiết bị chế biến và bảo quản, phát triển các sản phẩm từ xoài tứ quý cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.

Chôm chôm được cấp chỉ dẫn địa lý Bến Tre năm 2023. Khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý chôm chôm Bến Tre, gồm: huyện Chợ Lách và huyện Châu Thành.

Hai sản phẩm vừa mới được cấp Chỉ dẫn địa lý trong năm 2024 là Gạo Thạnh Phú và Nghêu Bến Tre.

Được biết, Bến Tre tiếp tục triển khai đăng ký xác lập quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm dừa công nghiệp, tôm thẻ, bò và gà; bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mang chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng tại Canada và Trung Quốc.

Đồng thời, với diện tích dừa khoảng 79.075ha, lớn nhất cả nước, Bến Tre sẽ tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng sẽ xúc tiến đầu tư và có nhiều hội thảo chuyên đề về xây dựng tín chỉ carbon dừa để nhằm nắm bắt cơ hội mới trong việc thương mại hóa tín chỉ carbon cho ngành dừa.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cong-bo-chi-dan-dia-ly-cho-7-san-pham-chu-luc-cua-tinh-ben-tre-post814324.html