Công bố chỉ dẫn địa lý 'Mang Yang' cho sản phẩm gạo Ba Chăm
Chiều 29-12, tại huyện Mang Yang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND huyện tổ chức hội thảo khoa học và công bố chỉ dẫn địa lý 'Mang Yang' cho sản phẩm gạo Ba Chăm. Dự hội thảo có bà Ayun H'Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã công bố Quyết định số 4524/QĐ-SHTT ngày 23-11-2020 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00093 với chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm; khu vực địa lý gồm: xã Đak Trôi, Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đê Ar (huyện Mang Yang).
Gạo Ba Chăm là sản vật mà thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho đồng bào Bahnar ở huyện Mang Yang. Gạo có đặc điểm hạt thuôn, tròn, màu trắng đục, có mùi thơm đặc trưng, khi nấu cơm rất dẻo, trắng và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Gạo Ba Chăm xuất phát giống lúa Chăm được trồng từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm theo phương thức trọc, trỉa, sử dụng nguồn nước tự nhiên.
Năm 2019, gạo Ba Chăm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, huyện Mang Yang đang sản xuất lúa Ba Chăm với diện tích khoảng 2.032 ha, sản lượng hơn 6.900 tấn.
Phát biểu tại hội thảo và công bố chỉ dẫn địa lý “Mang Yang”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút chúc mừng huyện Mang Yang và nhân dân trên địa bàn về việc được công nhận chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm.
“Thời gian tới, UBND huyện cần xây dựng các chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sử dụng chỉ dẫn địa lý có hiệu quả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để đưa sản phẩm gạo Ba Chăm vươn xa không chỉ trong nước mà vươn ra quốc tế; UBND huyện, doanh nghiệp, người dân thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm ra thị trường; liên kết để mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu thụ; đặc biệt, góp phần nâng cao đời sống người dân...”-bà Ayun H’Bút nhấn mạnh.